Khi trồng rau, trồng quả, chúng ta thường thấy ở thực vật quá trình tạo hoa, tạo quả ở nhiều loại cây như các loại rau ăn hoa, rau ăn quả ví dụ như hoa thiên lý, hoa so đũa, quả bầu, bí, mướp, khổ qua...
Đã bao giờ các bạn để ý rằng quá trình tạo hoa, tạo quả ở thực vật diễn ra như thế nào chưa? Quá trình đó nó diễn ra như thế nào, nó có phức tạp không? Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến vấn đề này qua một số câu hỏi đáp nhằm giúp làm sáng tỏ vấn đề này.
Mục lục
1. Sự hình thành hoa như thế nào?
2. Vậy có cách nào làm cho cây ra hoa theo ý muốn được không?
3. Cây có kiểu hoa nào?
4. Sự thụ phấn, thụ tinh ở cây trồng xảy ra như thế nào?
5. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây trồng?
6. Quá trình hình thành quả xảy ra như thế nào?
7. Những yếu tố nào gây nên hiện tượng rụng quả non?
8. Cơ chế rụng quả là gì?
9. Quá trình phát triển và chín của quả xảy ra như thế nào?
====
1. Sự hình thành hoa như thế nào?
Quả và hạt là cơ quan sinh dục của cây. Nhiều loại cây muốn duy trì được nòi giống phải để hạt tự rụng xuống đất, khi đủ ẩm, hạt sẽ tự mọc mầm thành cây rồi tiếp tục một chu trình sống như đời bố, mẹ đã trải qua. Cứ như vậy, thực vật được duy trì và nhân rộng nòi giống của nó trong tự nhiên. Muốn có hạt giống, cây phải có hoa. Vậy quá trình hình thành hoa diễn ra như thế nào? Theo lý thuyết thì cây muốn ra hoa được phải có chất florigen, chất này tạo ra mầm hoa và được hình thành khi cây đã đến độ trưởng thành.
Chất floriegen hình thành được phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng ánh sáng đóng vai trò quan trọng nhất.
- Ngày ngắn, ánh sáng xanh, nhiệt độ thấp, hàm lượng CO2 cao, độ ẩm cao, nhiều nitơ, cây sẽ tạo nhiều hoa cái.
- Ngày dài, ánh sáng đỏ, nhiệt độ cao, hàm lượng CO2 thấp, nhiều kali, cây tạo nhiều hoa đực
- Cây được cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt, thích hợp, tỉ lệ C/N cân đối sẽ tạo cây khoẻ, thúc đẩy sự ra hoa.
Theo đó, cây ngày dài cần có ánh sáng dài dần ra để kích thích sự hình thành chất florigen, còn cây ngày ngắn cần có độ chiếu sáng ngày ngắn dần lại.
Bảng minh hoạ một số cây thích ứng với điều kiện ngày ngắn, dài... |
Ngoài ra, điều kiện dinh dưỡng cũng có vai trò rất quan trọng. Nếu thừa đạm, cây sẽ kéo dài thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, ức chế thời gian ra hoa. Bón kali cân đối với đạm sẽ giúp cây ra hoa thuận lợi. Khi cần cây ra hoa đúng lúc, cần điều khiển chế độ nước phù hợp, có thể để cho cây lâm vào tình trạng hạn hán để điều chỉnh tỷ lệ N/chất xơ hay N/Carbon hợp lý thì cây cũng có thể ra hoa được thuận lợi. Đối với cây trung tính, rất dễ ra hoa nếu chế độ nhiệt và dinh dưỡng phù hợp.
Trong điều kiện bình thường thì cây có thể hình thành hoa, phát hoa và sẽ nở hoa, trường hợp đó ta gọi là cây ra hoa chính vụ. Cây ra hoa chính vụ là ra hoa tự nhiên, sau khi cây đã đạt đến độ thuần thục về tuổi, có chế độ ánh sáng phù hợp và chế độ dinh dưỡng, chế độ nước phù hợp. Dĩ nhiên, để cây ra hoa tự nhiên thì người trồng sẽ bị thua thiệt về mặt kinh tế, vì vào mùa ra hoa tự nhiên sẽ có có nhiều sản phẩm cùng bán ra trên thị trường nên giá cả sẽ rẻ, có lúc bán rất rẻ đến nỗi nông dân không muốn thu hoạch hoa quả để bán, vì công thu hoạch đắt hơn giá bán sản phẩm.
2. Vậy có cách nào làm cho cây ra hoa theo ý muốn được không?
Có chứ. Làm cho cây ra hoa theo ý muốn có thể thực hiện được theo một số cách dưới đây:
a. Dùng chế độ nước và chế độ dinh dưỡng để điều khiển ra hoa đã được ứng dụng trên cây xương rồng, cây hoa sứ:
Các loại cây mộng nước này nếu bón nhiều đạm hay tưới nước nhiều cây chỉ ra lá, vươn cao mà không ra hoa. Chỉ khi nào để cho cây bị hạn kéo dài và không bón phân đạm thì cây mới ra hoa và hoa tồn tại lâu dài, màu sắc đẹp và bền. Người ta cũng ứng dụng phương pháp tương tự để làm cho hoa mai nở rộ đúng vào dịp Tết âm lịch. Sau khi chưng tết xong người ta tỉa cành tạo tán, bón đủ phân tưới đủ nước cho cây sinh trưởng tốt và đạt đến độ sung sức tối đa. Vào khoảng tháng 10 - 11 âm lịch, người ta hãm nước cho cây không ra các cơi đọt non mới. Trước tết khoàng 15 ngày, tuỳ theo tình trạng cây và thời tiết người ta sẽ ngắt hết là trên cây trước 30 Tết khoảng 10, 12, 15 ngày. Sau khi ngắt lá khoảng 4 - 5 ngày, các nụ hoa sẽ bắt đầu hình thành, trước ngày 30 tết 3 - 4 hôm, ta tưới nước đủ ẩm, mầm hoa sẽ được kích thích, hoa sẽ nở đúng theo ngày mong muốn. Các nhà vườn trồng mai có rất nhiều kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp này nên họ có thể điều khiển ra hoa được theo ý muốn. Tuy nhiên điều kiện thời tiết có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, có lúc nhà vườn cũng phải chịu để cho hoa nở rộ trước ngày 30 tết.
b. Dùng phương pháp xiết nước kết hợp với khoanh vỏ trên cây nhãn:
Sau khi thu hoạch vụ quả năm trước, các nhà vườn thường tiến hành tỉa cảnh, tạo tán, bón phân phục hồi sức cho nhãn. Trước khi xử lý ra hoa, bón tiếp một đợt phân có tỷ lệ N - P - K cân đối. Sau đó khi cơi lá thứ 2 - 3 đã chuyển sang màu xanh nhật, ta tiến hành xiết nước (để cho cây bị hạn) kết hợp khoanh vỏ (có thể dùng dao khoanh vỏ có chiều rộng khoảng 3 - 5 mm, có thể dùng dây thép buộc chặt cho đứt vỏ). Mỗi cây nên chừa lại vài 3 cành không khoanh vỏ. Làm như vậy, sau vài tuần có thể thấy nụ hoa nhú ra. Lúc đó có thể phun phân bón lá có chứa các nguyên tố vi lượng hoặc chất kích thích ra hoa, hoa nhãn sẽ ra đều.
c. Dùng chất kích thích sinh trưởng phun hoặc tưới cho xoài:
Trước đây đã có một số thực nghiệm dùng Thioure hoặc KNO3 phun lên xoài, xoài có thể ra hoa trái vụ. Trong các giống xoài trồng ở Việt Nam, giống xoài cát Hoà Lộc có chất lượng ngon nhất nhưng lại khó ra hoa nhất và thường ra hoa cách năm. Theo TS. Trần Văn Hậu, trong cây xoài cát Hoà Lộc, thủ phạm chính kìm hãm quá trình ra hoa là hàm lượng chất Giberelline. Có hàng chục chất Giberelline nhưng Giberelline 1 và 3 quan trọng hơn cả. Trong lá non, chồi non, 2 loại Giberelline này chiếm ưu thế. Khi tuối lá và chồi hoá già thì hàm lượng Giberelline giảm dần. Đấy là lúc xoài cát Hoà Lộc trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long có cơi lá non đạt được trên dưới 4 tháng tuổi, lúc này lá có màu xanh đậm. Nếu để tự nhiên, nhiệt độ tối thấp các tháng 12, tháng 1 đạt đến 19 - 21 độ C thì xoài cát Hoà Lộc có thể ra hoa bình thường. Ra hoa lúc này, sẽ có quả thu hoạch vào tháng 4 - 5 năm sau. Lúc này là mùa xoài rộ nên giá bán không cao. Muốn cho xoài cát Hoà Lộc ra hoa trước tháng 12 dương lịch, dùng chất Paclobutrazol (PBZ) với nồng độ 1 - 2 g a.i (chất hoạt động)/1 m đường kính tán lá để tưới vào gốc xoài lúc lá non đã ra được 2 - 3 tháng tuổi. PBZ phun vào lá khoảng tháng 7 dương lịch, sau đó 3 tháng phun Thioure có nồng độ 0,3 - 0,5 % để kích thích ra hoa. PBZ chỉ là chất tạo mầm hoa, nhưng nếu không có Thioure thì mầm hoa này vẫn nằm ở trạng thái ngủ chờ đến tháng 12 - 1 mới ra hoa được. Có thể dùng KNO3 với nồng độ 2 % để phun thay thế Thioure nếu không tìm được Thoure, nhưng hiệu quả của KNO3 có phần kém hơn Thoure. Xoài cát Hoà Lộc dưới 5 - 6 năm tuổi xử lý ra hoa không ổn định bằng xoài có tuổi già hơn.
d. Xử lý ánh sáng làm Thanh long ra hoa trái vụ:
Thanh long là cây ưa ánh sáng ngày dài, nghĩa là dù trồng sớm hay muộn cũng chờ đến khi thời tiết chuyển từ ngày ngắn sang ngày dài mới ra hoa bình thường. Vì vậy, ta thấy dù trồng ở Bình Thuận, ở Long An hay ở Tiền giang thì thanh long cũng ra hoa rộ vào khoảng tháng 3 - 4 dương lịch để có quả thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. Cũng như với các cây ăn quả khác lúc này đâu đâu cũng có thanh long nên giá rẻ, lợi nhuận thấp. Từ một thực nghiệm trong phạm vi nhỏ của một nhà khoa học chiếu sáng cho cây thanh long ở Tiền Giang vào năm 1995, đến năm 1996 một nông dân ở Bình Thuận làm thử cũng thấy có hiệu quả. Một nông dân khác cũng ở Bình Thuận quan sát thấy trụ thanh long ở gần nhà có ánh đèn chiếu sáng suốt đêm, cây ra hoa sớm hơn. Sau đó việc thắp đèn cho thanh long bắt đầu được một số nông dân thực hiện ở Bình Thuận và đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Một số nông dân đã bỗng nhiên giàu lên trông thấy nhờ có thanh long trái vụ bán được giá cao. Tiếp đến các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam bố trí nhiều thí nghiệm khác nhau kết hợp chế độ chiếu sáng với chế độ dinh dưỡng để có quy trình thâm canh thích hợp cho thanh long. Vì nếu chỉ áp dụng chế độ chiếu sáng mà không chú ý đến bón phân hợp lý thì sau 3 - 4 vụ thanh long sẽ cho năng suất thấp dần do cây bị khai thác quá mức. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ cần bóng đèn công suất 100 watt đặt giữa 4 trụ thanh long, cách giàn thanh long gần nhất khoảng 0,5 m, bố trí đều đặn như vậy để ánh sáng được phân bố đều các hướng và chỉ cần chiếu sáng từ khi mặt trời sắp lặn cho đến 10 giờ tối và chiếu sáng liên tục khoảng 15 ngày là đủ. Sau khi thu hoạch vụ trước, lúc này vào khoảng đầu tháng 10 dương lịch. Ta tiến hành tỉa cành tạo tán, cắt bỏ cành tược, cành đã cho quả, bón đủ phân, kể cả phân hữu cơ. Chú ý tỷ lệ N - P - K, tưới đủ nước để cây ra lá nhanh. Để cho thanh longra hoa vào dịp Noel ta tiến hành thắp đèn khoảng vào giữa tháng 10 dương lịch. Nếu muốn thanh long được thu hoạch vào dịp tết nguyên đán ta bắt đầu thắp đèn vào khoảng giữa tháng 11 dương lịch. Ta chỉ cần có ánh sáng ngày dài từ 13 giờ liên tục là được. Nhưng để cho chắc ăn người ta thắp đèn kéo dài thêm ánh sáng ban ngày khoảng 4 - 5 tiếng. Việc kéo dài ánh sáng có thể thực hiện vào buổi chiều khi ánh sáng có thể thực hiện vào buổi chiều khi ánh sáng mặt trời sắp lặn và cũng có thể thắp vào 1 - 2 giờ sáng cho đến khi mặt trời mọc. Vì chưa có thí nghiệm chính quy nên nông dân thường thắp sáng suốt đem và thắp nhiều ngày. Làm như vậy sẽ tốn năng lượng không cần thiết. Nông dân cũng đã có nhận xét là sau khi thắp đèn khoảng nửa tháng thì thanh long đã tạo được mầm hoa, mắt thường có thể trông thấy được. Có 2 kiểu bố trí đèn:
+ Nếu cành thanh long giao tán với nhau thì nên thắp một bóng đèn 100 watt đặt ở chính giữa trụ thanh long, đặt như vậy thì 4 phía của trụ thanh long đều nhận được ánh sáng đều nhau.
+ Có thể đặt bóng đèn giữa 2 trụ thanh long nếu thanh long chưa giao tán lẫn nhau.
Cả 2 cách này đều có hiệu quả tốt. Những vùng có gió mạnh, chú ý tìm cách chắn gió cho thanh long.
3. Cây có hoa kiểu nào?
Tuỳ thuộc vào loại cây trồng khác nhau mà có các kiểu hoa phân bố trên cây khác nhau. Có cây, trong cùng một bông hoa có chứa cả hoa đực và hoa cái, hoa lúa là trường hợp như vậy, trường hợp đó người ta gọi là hoa lưỡng tính. Có cây hoa đực và hoa cái cùng ở trên một cây nhưng hoa đực riêng và hoa cái riêng, ví dụ cây bắp, hoa cái đóng ở giữa thân cân còn hoa đực nằm ở trên ngọn. Có nhiều loại cây thuộc dạng hoa đực và hoa cái riêng biệt nhưng cùng ở trên một cây. Ví dụ, các loại bầu bí. Trường hợp này ta gọi là đơn tính đồng chu. Có trường hợp hoa đực phân bố riêng và hoa cái phân bố riêng và hoa cái nằm ở cây khác, ta gọi là đơn tính dị chu. Do sự sắp xếp các kiểu hoa khác nhau như vậy nên quá trình thụ phấn thụ tinh cũng thực hiện theo các cách khác nhau và tỷ lệ thụ phấn thụ tinh giữa các loại cây cũng khác nhau.
4. Sự thụ phấn thụ tinh ở cây trồng xảy ra như thế nào?
Cây có hoa lưỡng tính thường là cây tự thụ phấn. Các loại lúa nước, lúa cạn thuộc dạng này, khi hạt phấn nở ra là đã có thể thụ phấn được rồi. Vì vậy muốn tiến hành lai tạo các giống lúa với nhau ta cần tiến hành khử hoa đực sớm, thực hiện trước khi hoa lúa nở. Nếu không thì khả năng lẫn tạp sẽ rất cao.
Các loại cây vừa có hoa đực vừa có hoa cái nằm trên cùng một cây hoạc hoa đực ở một cây riêng, hoa cái trên một cây khác thuộc loại thụ phấn chéo. Kiểu thụ phấn này hoặc nhờ gió hoặc nhờ côn trùng giúp đỡ. Kiểu thụ phấn này thường có tỷ lệ thụ tinh thấp hơn loại cây mang hoa lưỡng tính đồng chu.
Các loại cây vừa có hoa đực vừa có hoa cái nằm trên cùng một cây hoạc hoa đực ở một cây riêng, hoa cái trên một cây khác thuộc loại thụ phấn chéo. Kiểu thụ phấn này hoặc nhờ gió hoặc nhờ côn trùng giúp đỡ. Kiểu thụ phấn này thường có tỷ lệ thụ tinh thấp hơn loại cây mang hoa lưỡng tính đồng chu.
Dưới đây là biểu đồ minh hoạ quá trình thụ phấn thụ tinh của thực vật
Biểu đồ minh hoạ quá trình thụ phấn thụ tinh của thực vật |
Để có tỷ lệ đậu quả cao người ta thường phải thực hiện thụ phấn bổ sung. Người ta thường thực hiện thụ phấn bổ sung cho cây ngô, các loại bầu bí, mãng cầu, sầu riêng, hướng dương... Cây được thụ phấn bổ sung làm tăng tỷ lệ đậu quả lên rất cao. Cà phên với thuộc loại hình thụ phấn chéo nhưng tỷ lệ hoa được thụ phấn, thụ tinh thường rất cao; có lẽ do côn trùng ưa thích hương vị hoa cà phê hơn hoặc do vườn hoa cà phê lộng gió nên phấn hoa được phân bố đều cho hoa cái. Thông thường hoa nở vào buổi sang, lúc trời mát, nhiệt độ chưa cao, riêng hoa của cây sầu riêng thường nở vào ban đêm. Vì vậy việc thụ phấn bổ sung cho cây này thường phải thực hiện vào ban đem; còn hầu hết các loại hoa khác được thụ phấn bổ sung vào lúc sáng sớm, từ 8 - 10 giờ sáng.
5. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây trồng?
Thụ phấn là quá trình hạt phấn được rơi lên đầu vòi nhuỵ cái, tiến theo vòi nhuỵ vào đến bầu nhuỵ. Nhờ có dịch chứa trong bầu nhuỵ cái, hạt phấn sẽ nẩy mầm và tiến hành thụ tinh. Quá trình này điều kiện của môi trường xung quanh có tác động rất mạnh. Quá trình thụ phấn, thụ tinh cần có nhiệt độ điều hoà, thời tiết thuận lợi. Trong quá trình tiến hoá, cây đã tự chọn cho mình thời gian thụ phấn vào buổi sáng hay ban đêm là lúc thời tiết ôn hoà nhất trong ngày. Vì vậy ta thường thấy thời gian cây ra hoa gặp lúc khô hạn nắng nóng thì tỷ lệ thụ phấn, thụ tinh rất thấp do hạt phấn bị mất sức nẩm mầm trước khi được rơi vào vòi nhuỵ cái. Được biết hạt phấn hoa có thời gian sống rất ngắn ở nhiệt độ thường, do vậy khi nhiệt độ lên cao thời gian sống lại càng ngắn hơn. Lúc nở hoa nếu gặp mưa to, gió lớn cũng là điều kiện bất thuận, mưa gió trước hết làm trôi hạt phấn, côn trùng bị ướt cánh nên không tham gia thụ phấn cho hoa được. Mưa to, gió lớn cũng làm rách cánh hoa, làm hư vòi nhuỵ và cả bầu nhuỵ nên ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ phấn hạt phấn. Cây ưa nóng, khi nở hoa gặp gió lạnh làm hoa và phấn hoa bị chết. Ngược lại cây ưa lạnh khi nở hoa gặp gió nóng hoa cũng bị hại. Chính vì vậy vào mùa nở hoa, nếu có gió mùa lạnh thổi đến ta khuyên người trồng trọt tìm cách che gió lạnh cho vườn cây. Ngược lại vào mùa khô nóng ta tìm cách tưới nước để tạo cho vườn cây mát mẻ, giúp cho quá trình thụ phấn, thụ tinh được thực hiện thuận lợi. Vào mùa ra hoa nếu cây thiếu thức ăn, thức nở không đều và tỷ lệ ra hoa, thụ phấn cũng rất thấp. Chính vì vậy người trồng cây phải chăm bón cẩn thận cho cây trước lúc bước vào thời kỳ ra hoa kết trái.
Các loài côn trùng như ong, bướm giúp rất nhiều cho việc truyền phấn thụ tinh. Vì vậy, lúc hoa nở rộ cần bảo vệ các côn trùng này. Nuôi ong mật trong vườn cây ăn quả giúp tăng cường sự truyền phấn.
6. Quá trình hình thành quả xảy ra như thế nào?
Người ta thường nói "Ra hoa kết quả". Như vậy "kết quả" là quá trình tất yếu của "Ra hoa". Tuy nhiên, như ta đã đề cập ở trên, ra hoa chỉ mới là công đoạn cần thiết để có "kết quả". Nhưng muốn có "kết quả" thì phải có quá trình thụ phấn, thụ tinh tiếp theo. Nếu thụ phấn, thụ tinh thuận lợi thì quả non sẽ được hình thành. Hạt phấn khi chín sẽ rụng, tách ra khỏi bao phấn. Phấn do gió hay côn trùng hoặc do người đưa vào vòi nhuỵ cái. Thường trong ống phấn có 2 tinh bào. Khi ống phấn vào túi phôi, một tinh bào kết hợp với tế bào trứng để tạo thành phôi (2n). Còn tinh bào thứ 2 kết hợp với 2 nhân phụ để tạo thành phôi nhũ (3n). Nội nhũ thường được phát triển sớm hơn phôi và chiếm hết phôi tâm. Như vậy, sau khi thụ tinh, bẫu noãn được biến đổi thành trái, noãn biến đổi thành hạt, các trợ bào và tế bào đối cực bị tiêu huỷ. Đó là trường hợp quả được hình thành thông qua thụ phấn, thụ tinh. Nhưng đôi khi quả cũng được hình thành mà không qua thụ phấn, thụ tinh. Đó là hiện tượng tạo quả đơn tính trong tự nhiên (quả không có hột như chuối, nho, cam). Tuỳ theo từng loại cây mà thời gian từ khi hình thành quả đến khi chín dài, ngắn khác nhau, nhưng đều có thể chia ra thành 3 giai đoạn: giai đoạn quả non, giai đoạn quả trưởng thành (hay quả già) và giai đoạn quả chín.
7. Những yếu tố nào gây nên hiện tượng rụng quả non?
Ta biết rằng hoa có thể được hình thành khá nhiều như hoa cà phê nở trắng cả vườn, hoa sầu riêng phủ đầy cả cành lẫn thân cây. Nhưng hoa sầu riêng chỉ có thể đậu thành quả được khoảng 10 - 15% mà thôi, trong lúc đó hoa cà phê có thể đậu thành quả với tỷ lệ rất cao. Có nhiều cây tỷ lệ hoa đậu quả rất thấp, không tới 10% như nhãn, vải, vú sữa... Sau khi hoa đã đậu được thành quả trên cây sầu riêng, cây xoài, hoặc nhiều cây khác không phải đều được tồn tại cho đến khi chín mà rất nhiều quả trong đó sẽ bị rụng để nhường chỗ cho các quả khác tồn tại và phát triển. Có nhiều nguyên nhân gây ra rụng quả, và phần lớn diễn ra trong thời kỳ quả còn non. Quả non bị rụng có thể do cây không đủ thức ăn để nuôi quả lớn nên cây tự điều chỉnh bằng cách cho một số quả rụng đi. Quả non bị rụng có thể do cây bị thiếu nước, bị úng nước. Thừa, thiếu nước cũng dẫn tới cây bị thiếu thức ăn hoặc hình thành một số độc tố ở cuống rồi gây rụng quả. Quả non bị rụng cũng có thể do cây bị giá rét, có thể bị sâu bệnh xâm nhập, do thiếu nguyên tố vi lượng, có thể do gió bão gây nên. Như vậy, quả non bị rụng có thể do nhiều nguyên nhân, có một số nguyên nhân do chủ quan, một số nguyên nhân khác là khách quan do thời tiết, sâu bệnh gây ra. Ta có thể khắc phục được những nguyên nhân chủ quan gây ra như thiếu nước, úng nước, thiếu dinh dưỡng và đó là những nguyên nhân thường gặp trong chu trình sống của cây trồng. Sau khi quả non bị rụng nếu ta biết cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và đủ nước thì các quả còn lại trên cây có thể lớn lên, tăng trọng tối đa để bù lại sự thiếu hụt số quả đã mất. Ta gọi đó là quy luật bù trừ của cây. Trong thực tế, người trồng thấy cây đậu quả quá nhiều cũng có thể phải hái bỏ một số quả non để cho số quả còn lại được phát triển thuận lợi. Cán bộ kỹ thuật cũng khuyên người sản xuất hái bỏ bớt một số quả sầu riêng, chỉ chừa lại một số quả thuộc tình trạng cây mà thôi. Đối với mít, đu đủ và chuối cũng vậy. Có cây mít đậu hàng trăm quả, người ta hái bớt lúc mít còn non hay để lớn hơn rồi hái bớt để làm rau ăn, chì chừa lại từ 30 - 50 quả tồn tại cho đến lúc chín. Một buồng chuối có thể đậu đến 20 nải, người ta cắt bỏ bớt chỉ để lại từ 8 - 10 nải, tuỳ thuộc cây chuối to hay nhỏ. Làm như vậy các nải chuối khi chín sẽ có trái không quá nhỏ, dạng quả đẹp, có đủ đường bột nên khi chín ngot hơn. Nhiều cây ăn quả có hiện tượng ra hoa đậu quả cách niên, tức là năm trước nhiều quả thì năm sau ít quả. Hiện tượng này là do năm trước cây phải nuôi nhiều quả nên thiếu dinh dưỡng, năm sau cần phải nghỉ để tích luỹ dinh dưỡng.
8. Cơ chế rụng quả là gì?
Có chế của quá trình rụng hoa, rụng quả đã được một số tác giả nghiên cứu. Ta có thể hiểu một cách đơn giản, rụng là một quá trình sinh lý dẫn tới sự tách rời một cơ quan như lá, hoa, quả khỏi thân cây. Quá trình này do các hormone điều khiển, làm phân huỷ tế bào tạo thành một tầng rời tại một vùng đặc biệt gọi là vùng rụng (vùng này thường ở gốc cuống). Các hormone trong cây tạo thành tầng rời là acid Abscisic (AAB) và Ethylen.
Có nhiều yếu tố liên quan đến sự rụng. Trước hết là do sự hoá già của bộ phận cây như lá, hoa, quả. Khi các bộ phận này đã già thì khả năng hoạt động bị giảm, sức sống kém nên phải rụng đi. Khi thiếu nước và chất dinh dưỡng, một số bộ phận cũng phải rụng để tập trung dinh dưỡng cho bộ phận còn lại. Ngoài ra, các yếu tố ngoại cảnh bất lợi khác như nhiệt độ thấp hoặc cao quá dẫn đến khô hạn hoặc úng đều làm tăng hàm lượng AAB và Ethylen trong cây dẫn đến sự rụng.
Vì vậy, để hạn chế sự rụng cần cung cấp đủ dinh dưỡng và nước, phòng ngừa các điều kiện bất lợi với cây. Phun các chất kích thích sinh trưởng Auxin, Cytokinin cũng có tác dụng hạn chế sự rụng.
9. Quá trình phát triển và chín của quả xảy ra như thế nào?
Những quả còn lại trên cây, nhờ có quá trình quang hợp mà các chất dinh dưỡng được dẫn về nuôi quả, do đó kích thước quả thay đổi hàng ngày. Các loại quả mộng nước như dưa hấu, dưa leo, bầu bí, cà tím có thể nhận biết sự tăng trưởng về kích thước diễn ra hàng ngày. Các loại quả hạch tăng trưởng kích thước diễn ra chậm hơn. Hầu hết các loại khoáng chất có chứa trong thân lá đều được lần lượt vận chuyển về quả. Khi quả lớn lên và tế bào quả trở nên già thì đường bột được vận chuyển về nhiều hơn. Lúc đầu hàm lượng acid chiếm ưu thế về sau đường bột chiếm tỷ lệ cao hơn. Chín là quá trình thay đổi tỷ lệ acid chiếm ưu thế sang tỷ lệ đường bột chiếm ưu thế. Lúc này các men chuyển hoá đường hoạt động mạnh hơn, men phân giải lignin cũng hoạt động mạnh hơn làm cho quả từ trạng thái cứng chuyển sang trạng thái mềm và ruột quả ngọt hơn. Trong thực tế, người ta có thể quan sát sự biến đổi màu sắc vỏ quả để đoán biết quả còn xanh hay đang chín. Người ta cũng có thể dùng tay sờ nắn để xác định độ chín của quả. Nếu dùng quả để ăn, người ta thường để quả chín cây, nếu phải vận chuyển đi xa người ta cần phải thu hoạch quả lúc vừa chín vừa xanh. Người ta cũng có thể thúc cho quá trình chín diễn ra nhanh hơn theo ý muốn của con người bằng biện pháp nhiệt hay hoá chất.
Nguồn: 1. Sách "Đời sống cây trồng"
- KS. Nguyễn Mạnh Trinh
- GS. TS Mai Văn Quyền
- TS. Nguyễn Đăng Nghĩa
2. http://baigiang.violet.vn/present/show?entry_id=4214523
Không có nhận xét nào: