- Hỏi:
Một lần tôi nghe đài thấy nói, rau ngò chữa giun chui ống mật rất hay. Nhưng đài không giới thiếu rõ là loại "ngò" nào. Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, loại ngò nào có thể chữa giun chui ống mất và loại ngò đó còn có thể sử dụng chữa bệnh gì khác?
(Trần Thuyết Minh, Từ Sơn, Bắc Ninh).
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Rau mùi vừa làm rau gia vị, vừa có tác dụng làm thuốc |
- Đáp:
Thứ rau ngoài Bắc gọi là "mùi" trong nam gọi là "ngò". Thí dụ "mùi tàu" (ngoài Bắc) trong Nam gọi là "ngò tàu" hoặc "ngò gai"; "mùi tây" trong Nam là "ngò tây".
... Thứ ngò bạn quan tâm, là loại mùi thông dụng nhất, nên chỉ gọi vắn tắt là "ngò". Ngoài ra, cây còn có tên là "ngò thơm", "hương tuy", "hương thái", "hồ tuy", "nguyên tuy",... Tên khoa học là Coriandrum sativum L. Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferac).
Mùi (ngò) là cây sống hằng năm, cao 0,35 - 0,5m, thân nhẵn, phía trên phân nhánh. Lá ở gốc có cuống dài, 1 đến 3 lá chét, lá chét hình tròn và bản thân lại thường xẻ thành 3 thuỳ, mép thuỳ có khía răng tròn và to; những lá phía trên có lá chét chia thành những sợi thuỳ hình sợi nhỏ, nhọn. Toàn thân và lá có mùi thơm dễ chịu. Hoa trắng hay hơi hồng, họp thành tán gồm 3 - 5 gọng, không có tổng bao, tiểu bao gồm 2 - 3 lá chét đính ở một phía. Quả bế đôi hơi hình cầu, nhẵn, dài 2,5 - 4 mm, gồm 2 nửa (phân liệt quả), mỗi nửa có 4 sống thẳng và hai sống chung cho cả 2 nửa.
Cây mùi được trồng phổ biến ở khắp nước ta để làm gia vị. Rau mùi và quả mùi thường gọi là hạt mùi đều có thể sử dụng làm thuốc. Dân gian ngoài Bắc có phong tục dùng cây mùi nấu nước tắm trong ngày tết cho thơm và khoẻ người.
Theo Đông Y, rau mùi có vị cay, tính ấm; Vào các kinh phế, tỳ và vị. Có tác dụng làm ra mồ hôi để giải cảm, kích thích sởi mọc (phát hãn thấu chấn), tăng cường chức năng tiêu hoá và hấp thụ (tiêu thực hạ khí). Thường dùng chữa cảm lạnh, sởi khó mọc, ăn uống khó tiêu, ruột hấp thu không tốt...
Theo tài liệu chúng tôi có trong tay, rau mùi (ngò), có thể sử dụng cắt cơn đau do chữa giun chui ống mật khá tốt. Theo một thông báo, đăng trên tạp chí "Tân y học" - số 6 - 1974: Dùng hạt mùi 50g, giã nát, thêm 300ml nước, sắc lấy nước đặc, uống hết ngay một lần. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi giảm bớt 1/2 liều lượng. Đã tiến hành thử nghiệm trị liệu 11 trường hợp, tất cả đều đã qua chẩn đoán theo Y học hiện đại. Kết quả rất tốt, trừ một số trường hợp phải uống tới lần thứ 3, các trường hợp còn lại chỉ cần uống một lần đã thấy kết quả.
Ngoài dùng chữa giun chui ống mật, còn có thể sử dụng rau mùi và hạt mùi chữa nhiều chứng bệnh khác, đặc biệt là các bệnh hay xuất hiện trong thời tiết lạnh:
- Chữa cảm cúm do nhiễm lạnh. Dùng rau mùi tươi 30-40g (hoặc rau khô 7 - 10 g), đậu tương 9g, sắc nước uống trong ngày.
- Sởi không mọc. Trẻ nhỏ mới bị lên sởi, trường hợp sởi chậm mọc: Dùng rau mùi hoặc hạt mùi, lượng thích hợp, nấu lấy nước, nhân lúc còn nóng đặt bên mũi xông. Có tác dụng thúc sởi mọc nhanh hơn, để tống tà độc ra bên ngoài.
- Tiêu hoá kém. Dùng hạt mùi 6g, trần bì 6g, thương truật 9g, sắc nước uống.
- Dạ dày lạnh đau: Dùng lá mùi 1000g, rượu nho 500ml; lá mùi ngâm rượu, sau 8 ngày có thể có thể chắt lấy rượu sử dụng. Mỗi khi thấy đau, uống 15 - 20ml, có tác dụng giảm đau khá tốt.
- Lợm giọng, ăn vào nôn ngược ra (ố tâm phản vị): Dùng hạt mùi, hạt cải củ, mỗi thứ 30g, nghiền mịn, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.
Lưu ý: Rau mùi là một loại gia vị, do đó chỉ nên sử dụng với liều lượng nhỏ. Ngoài ra, cũng nên lưu ý tới vấn đề kiêng kỵ:
Rau mùi tính cay ấm, chỉ sử dụng để chữa các bệnh do nhiễm lạnh; không dùng trong trường hợp bệnh nhiệt. Ngoài ra, theo sách "Thiên kim. Thực trị": Dùng liều cao hoặc dùng lâu ngày, có thể sinh ra chứng hay quên. Người bị sâu răng, hơi thở hôi ăn vào bệnh càng thêm nặng. Sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân viết: Khi đang dùng tất cả các loại thuốc bổ Đông Dược và những đơn thuốc có vị bạch truật và mẫu đơn thì không được dùng. Còn theo một cuốn sách hiện đại về ẩm thực liệu pháp ("Thường kiến bệnh tật ẩm thực liệu pháp dữ cấm kỵ"): Không nên ăn rau mùi cùng với dưa chuột và gan động vật. Khi đang uống vitamin K cũng không nên dùng.
Nguồn: Lương y Huyên Thảo - Thuốc vườn nhà (số 413/trang 25-26)
Không có nhận xét nào: