Trồng rau tại nhà, dịch vụ trồng rau tại nhà
» » » Blog - Cây dừa dưới góc nhìn văn hoá dân gian

(Blog) CÂY DỪA – DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ DÂN GIAN 
Trần Minh Thương 
------------------------------------------------------------------------
 
Cây dừa, được trồng nhiều ở Việt Nam
1. Dừa – vài nét về nguồn gốc và lịch sử
  Trên trời có giếng nước trong 
Con kiến chẳng lọt con ong chẳng vào 
  Đó là câu ca, câu đố quen thuộc về trái dừa. Có thể nói không quá rằng dừa là loại cây nhiệt đới, có thể sống ở khắp vùng đồng bằng trên đất nước ta. Cây dừa có từ bao giờ? Nhà thơ Lê Anh Xuân đã tự hỏi mà cũng là lời khẳng định về sự gắn bó thuỷ chung của dừa với đất nước Việt Nam thân yêu: 
Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi 
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ 
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi 
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua. 
(…) Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút 
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng 
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất 
Như dân làng bám chặt quê hương. 
  Dừa tên khoa học là Cocos nucifera, là một loài cây trong họ cau (Arecaceae). Nó cũng là thành viên duy nhất trong chi Cocos, là loại cây lớn, thân đơn trục (nhiều khi gọi là nhóm thân cau dừa) có thể cao tới 30 m. Nguồn gốc của loài thực vật này là chủ đề gây tranh cãi, một số học giả cho rằng nó có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á, số khác cho rằng nó có nguồn gốc ở miền Tây Bắc khu vực Nam Mỹ. Các mẫu hóa thạch tìm thấy ở New Zealand cho thấy các loại thực vật nhỏ tương tự như cây dừa đã mọc ở khu vực này từ khoảng 15 triệu năm trước. Không phụ thuộc vào nguồn gốc của nó, dừa đã phổ biến khắp vùng nhiệt đới, có lẽ nhờ có sự trợ giúp của những người đi biển trong nhiều trường hợp. Quả dừa nhẹ, nổi trên mặt nước nên dễ phát tán, nhờ vào các dòng hải lưu. Dừa phát triển tốt trên đất phù sa, đất pha cát và có khả năng chống chịu mặn tốt. Và tất nhiên miền đồng bằng duyên hải miền Trung cũng như miền Tây Nam Bộ của Việt Nam là nơi sinh sôi và phát triển lý tưởng của loại cây này. 
  Những cây dừa … lạ! 
- Dừa sáp: có nhiều loại dừa phổ biến tại Việt Nam, dừa ta, dừa dâu, dừa bung, dừa bị, dừa xiêm… nhưng đặc biệt là loại dừa sáp (hay dừa đặc ruột, dừa kem) chỉ có ở Cầu Kè - Trà Vinh. Đây là sản phẩm của quá trình đột biến gene cho ra giống dừa mới. Bề ngoài, trái và cây dừa sáp y như các loại dừa khác. Khi bổ đôi quả dừa thấy một lớp cơm dừa rất dày, bên trong lớp cơm dừa là chất lỏng sền sệt như kem, sáp. Điều lạ là dù già, cơm dừa sáp vẫn rất mềm. Cả cơm và nước dừa sáp đều không ngọt nhưng có hương vị rất riêng biệt. 
Những cây dừa lạ
- Cây dừa độc nhất ở Việt Nam: Cây dừa một thân, ba nhánh, mỗi năm “sản xuất” hàng trăm trái. Đặc biệt hơn là vị của trái dừa ở mỗi nhánh lại khác nhau... Đây được xem là cây dừa ba nhánh được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Cây dừa này do anh Trương Quang Minh, trú tại tổ 2, ấp Phú Hoà, phường Phú Đức, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước trồng cách đây 13 năm từ một trái dừa giống ngẫu nhiên. Dừa cao khoảng 10m, đường kính thân chừng 25cm; 3 nhánh to đều nhau, đường kính khoảng 20 cm. Năm 2001, cây dừa cao chừng 3m thì đột nhiên chết không rõ lý do. Sau đó một năm, người nhà phát hiện 3 nhánh mầm nhú ra trên đỉnh và phát triển cho đến bây giờ, vẫn cho trái bình thường. 

2. Dừa và những công dụng trong đời sống hàng ngày 
  Có thể nói, hầu như tất cả bộ phận của cây dừa đều được người bình dân tận dụng trong cuộc sống, sinh hoạt, … 
2.1. Thân dừa 
  Thân dừa mọc thẳng, không phân nhánh, chiều cao trung bình từ 15-20m. Gốc dừa là một trong những đặc điểm để phân biệt giống dừa cao hay dừa lùn. Ở nhóm giống dừa lùn thường có gốc nhỏ, ngược lại ở nhóm giống dừa cao và dừa lai giữa giống lùn và giống cao thường có gốc phình to đến rất to. 
Gốc dừa, dùng để phân biệt nhóm giống dừa lùn hay cao, lai
Một gốc dừa khác
  Thân dừa già người dân dùng để tấn bến tránh xói mòn bởi sóng do tàu ghe chạy tới lui trên sông, rạch. 
  Thân dừa dùng để bắt cầu qua mương, kênh: 
Em đi lên xuống cầu dừa 
Lấy ai có chửa đổ thừa cho anh 
  Thân dừa cũng có thể dùng bắt cầu nước, nhô ra bờ sông, đìa, ao để rửa chén, … 
Ở Nam Bộ ngày trước, những gia đình khá giả, có cất nhà mát phía trước gian chính, người ta dùng dừa làm cột chính hay trụ vách,… Thân dừa xả ra đóng giường cho tuổi già yên giấc ngủ. Dừa cũng được sử dụng làm cột vó, cột đáy, (những phương tiện đặt cá dưới sông, rạch),… 
  Cây dừa già bổ đôi, khoét rỗng ruột để làm máng xối hứng nước. Ngày nay, trong ngành mỹ nghệ, thân dừa được đẽo thành những chiếc dá (dùng giẫy chảo khi chiên thịt), đũa dừa, muỗng, nĩa, đĩa, bình, ly, tách, hộp đựng thuốc, gạt tàn thuốc, lược, hình các con vật như: đồi mồi, tôm, cua, ếch, nhái, hay bình hoa, và cả các loại cúp bóng đá,… 
  Phần trên cùng của thân dừa, lúc dừa còn sống là củ hủ. Dừa sống khoẻ là vậy, nhưng khi bị đuông dừa “ăn” củ hủ là dừa chết. Đôi lúc, người ta muốn đốn bớt dừa thì củ hủ lại trở thành món ăn ngon. Dân gian thường “xay” (tức chặt, đốn lấy) củ hủ, đem về xắt sợi thêm ít thịt heo, giá đậu,… làm nhân chiên bánh xèo thì hết ý. Ăn củ hủ dừa sống cũng là món khoái khẩu của con nít miền quê! 
  Củ hủ dừa ngâm dấm tạo thành một loại dưa ăn với mắm kho, cá kho vừa ngon mà hương vị đặc trưng rất khó quên, khó tả! 

2.2. Lá dừa, tàu dừa 
Lá dừa, tàu dừa 
  Một cây dừa có khoảng 30 - 35 tàu lá. Mỗi tàu lá dài 5-6m vào thời kỳ trưởng thành, mỗi tàu mang trung bình 90 - 120 lá chét mỗi bên. 


  Lá dừa, tàu dừa có rất nhiều công dụng. Đối với trẻ con, lá dừa dùng để thắt chong chong đưa về hướng gió quay vù vù cho vui mắt. Lá dừa có thể thắt hình con cào cào, con rít, hình người ta, hay vấn kèn thổi kêu te te, thắt thành hình cái thúng, cái giỏ, đồng hồ, cà rá, để chơi “bán tiệm”. Tàu dừa cũng được trẻ con tận dụng che mái cho “nhà chòi” mà chúng dày công dựng lên để đùa giỡn,…, trò chơi dân gian ở vùng thôn dã chỉ có vậy! 
  Cọng lá dừa có thể làm tăm xỉa răng. Nhưng hay nhất là xỏ tép bạc nương lửa than. Món ăn dân gian mang đậm hương quê xứ sở. Cọng dừa còn dùng bó chổi quét nhà, hay bó lại đập ruồi, mồng, muỗi, … 
  Tàu dừa để nguyên dùng để che nắng cho ghe xuồng, che nắng trên các mái chòi cất tạm để trú chân giữa đồng không mông quạnh, khi sắp nóc nhà (mái lá lợp bằng lá dừa nước), chặt vài tàu dừa tươi quăng lên giằng tránh gió, tàu dừa để che nắng trên các đống chà “dụ” cá tôm vào trốn nắng… 
  Lá dừa non được tận dụng để gói bánh, món bánh lá dừa miền Tây Nam Bộ đã làm no lòng bao người chân đất chân quê trên cánh đồng thửa ruộng hay lúc đánh trận công đồn giết giặc giải phóng quê hương. 
  Lá dừa khô rụng xuống sẽ là thứ dùng để nhóm lửa nấu cơm cho các mẹ, các chị, … Người ta lượm ta dừa khô, rọc ra rồi bó chặt lại mang về “dựa” để tháng mưa có chất đốt nấu cơm, canh, … Đang đêm thắt ngặt, một nắm đuốc lá dừa cũng soi sáng cho người đi lại qua xóm dưới làng trên, chứ ngày trước làm gì có đèn pin, đèn điện sáng choang như thời hiện đại hôm nay, … 
  Tước lấy mặt trong của tàu dừa lấy dây để tát gàu vai, kéo mạ, … dây nó rất chắt, và dai, … Cọng dọc dừa còn được dùng làm gắp kẹp nước bánh phồng, bánh tráng khi tết đến xuân về, …Cũng với cách làm như vậy, chiếc bánh đa ngoài miền Bắc cũng được nướng bằng gắp dọc dừa: 
Cùi dừa kẹo với bánh đa 
Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh 
2.3. Bông dừa, mo nang 
  
Bông (hoa) dừa
  Bông dừa được trang hoàng trong các rạp đám cưới. Ngày trước, nhà nào có tiệc vui, người ta thường che rạp cột bằng cây chuối, “làm đẹp” bằng lá dừa non thắt bông hoa đủ loại, hay các buồng hoa dừa, … 

  Mo nang (bộ phận bao bọc lấy bông dừa lúc còn non) rụng cũng trở thành thứ chất đốt cho lửa rất đượm, … Dân gian truyền rằng, xưa các bà mẹ già muốn đi coi dâu, thường hay xuống bếp xem bếp có sạch, gọn không, từ đó đoán biết tâm tính người con gái sắp về làm dâu nhà mình? Và, mo dừa trở thành một công cụ đắc lực dùng để hốt tro bếp, cũng là “cứu cánh” để các cô lấy “điểm” với mẹ chồng tương lai! 
  Đặc biệt nhất là mo dừa dùng làm quạt. Với chiếc quạt mo của Thằng Bờm mà Phú ông đã tốn không biết bao nhiêu công sức để xin … đổi. Xem ra quạt mo từ bông dừa cũng quý thật đấy chứ! 

2.4. Trái dừa 
Trái dừa
  Trái dừa thuộc loại quả hạch, nhân cứng. Trái gồm có ba phần: phần vỏ bên ngoài lúc non màu xanh (gọi là dừa xanh) hoặc đỏ (gọi là dừa lửa), về già chúng ngả sang màu nâu sậm. Vỏ dừa dày từ 1 - 5cm tùy theo giống, phần cuống có thể dày đến 10cm. Vỏ dừa bao gồm 30% là xơ dừa và 70% là bụi xơ dừa, bên trong vỏ dừa là gáo dừa, là phần cứng  nhất của trái dừa, gáo dừa có hình dạng rất khác biệt tùy theo giống, độ dày của gáo từ 3 - 6mm. Ba tháng sau khi dừa thụ phấn thì dừa đã có nước, bốn tháng thì sọ dừa (sau này là gáo dừa) bắt đầu hình thành, đến tháng thứ năm thì dừa đã có “cháo” (lớp cơm mỏng). Thể tích trái dừa đạt lớn nhất vào tháng thứ tám. Tất cả các phần của trái dừa đều có ích cho con người. 
Cấu tạo quả dừa
  Dừa ở tháng thứ năm thứ sáu là có thể ăn được. Dừa tươi lúc này nước còn hơi chua nhưng đã trong và mát. Cơm dừa vừa dán cháo, sọ dừa (tức phần gáo lúc còn non), mầu dừa (phần ở cuống của vỏ dừa) đều có thể ăn chơi vừa ngọt vừa giòn. Những khi túng mồi, một trái dừa tươi cũng “ngon miệng” cho hai ba người lai rai chung rượu đế! 
  Theo thời gian nước dừa ngọt dần đến khi cơm dừa “cứng cạy”, nước dừa lúc này vừa ngọt, vừa cay, rất tốt cho tiêu hoá, nước dừa cứng cạy dùng để khìa chuột, khìa gà vịt, … Trong những ngày lễ, ngày tết, dù giàu hay nghèo nhà nào cũng có nồi thịt heo kho với vài ba trứng vịt, và phải kho với nước dừa thì mới ra món ăn mà hương vị đã truyền lại từ bao đời nay. 
  Nước dừa tươi là thứ giải khát giàu chất dinh dưỡng lại sạch nên rất được ưa chuộng ở miền đồng bằng. Những lúc túng ngặt đồ ăn cơm, hái trái dừa tươi xuống chặt lấy nước chan với cơm nguội, nạo cơm dừa ra, kèm vài cục muối hột cũng đỡ lòng khi đói dạ! 
  Ngoài ra nước dừa còn được dùng để thắng nước màu kho cá, dùng pha loãng để làm các loại nước mắm, … 
  Nước dừa dùng để nuôi “dấm” cũng rất tốt và hiệu quả, …Dấm cho “uống” bằng nước dừa vừa ngọt vừa thanh, … 
  Cuối cùng xin nói qua về nước mắm dừa. Để làm nước mắm dừa, tất nhiên phải có nước dừa và muối hột. Lấy nước của khoảng hơn mười trái dừa lớn cho vào nồi, hoặc trã, ơ đất, đun sôi, sau đó để lửa nhỏ liu riu và giữ độ sôi thật đều, nồi, ơ không đậy nắp để cho nước dừa bay hơi nhanh. Khi nước dừa còn ít và ngả dần sang màu vàng thì cho muối vào, đến lúc vừa đủ mặn. Nhắc nồi xuống để nguội, cho vào chai dùng dần. Thoạt nhìn nước mắm dừa cũng giống các loại nước mắm khác làm từ cá biển: có màu vàng, vị mặn, mùi thơm ngon. 
  Nước mắm dừa kho với tàu hủ (được chế biến từ đậu nành) là món ăn rất được những người tu hành theo Phật giáo ưa thích. 
  Cơm dừa khi cứng cạy được lấy ra ngào đường ăn với nước trà, hoặc bào nhuyễn trộn với cơm nếp, cốm dẹp là ngon nhất. Trong lễ cúng Oóc om boc của bà con Khmer, cốm dẹp không thể thiếu, để trộn cốm dẹp cho ngon người ta ngâm cốm đã giã dẹp với nước dừa cứng cạy. Khi cốm đã thấm mềm cho xác dừa nạo và đường thốt nốt vào, trộn đều để thấm, ăn vừa béo, vùa ngọt vừa thơm, … 
  Dừa khô thì vỏ dừa và xơ dừa được lột ra để lấy phần gáo và cơm dừa. Vỏ dừa được đánh tơi ra làm thảm, có những cơ sở sản xuất thảm bán ra tận nước ngoài, … Nếu không thì vỏ dừa làm củi chụm. Cả vỏ dừa tươi cũng vậy, sau khi ăn cơm dừa xong, vỏ dừa được phơi khô chẻ ra cho vào bếp, lửa cháy rất đượm. Ngày trước khi còn chiếc bàn ủi “con gà” (bàn ủi dùng lửa than) thì than vỏ dừa cũng là một phương tiện hữu hiệu làm cho áo quân láng mượt, … 
  Dừa khô lột vỏ cạo sạch, đập cho gáo dừa bể đôi, dùng bàn nạo để lấy cơm dừa ra. Cơm dừa nạo trộn với khoai mì nấu cho có thêm vị béo, bùi, …, cơm dừa nạo làm nhưn bánh ít, bánh khọt, … Vắt cơm dừa sẽ được nước cốt dừa. Có rất nhiều cách để dùng nước cốt dừa tuỳ theo món ăn và cách chế biến nó. 
  Nước cốt dừa sống có thể trộn nếp để gói bánh tét, hoà cùng nước nấu bánh canh bằng bột gạo… Bí rợ hầm nước cốt dừa ăn với mắm chưng, cơm nóng là món rất quen thuộc của dân cày cấy. 
  Tép rang nước cốt dừa, cá bóng kho nước cốt dừa, kho cá lòng ròng, lòng tong với nước cốt dừa, mắm chưng với nước cốt dừa, … Lươn um nước cốt dừa, ếch – nhái xào nước cốt dừa, thịt trâu xào lá lốt, thịt bò xào lá cách với nước cốt dừa, đặc biệt nhất là khi xào lăn chó, mèo, thì nước dừa và nước cốt dừa, cũng không thể thiếu. Ngay cả nước mắm các món ăn vừa kể làm bằng tương, đậu phộng đâm nhuyễn, sả, ớt, … thì nước để pha cũng là nước cốt dừa. 
  Nước cốt dừa còn được bắt lên chảo thắng (cho thêm chút bột mì mịn) cho đến khi sền sệt để chấm bánh bò, bánh nắn lá, bánh chuối hấp… 
  Gần như cả chục thứ chè, xôi ở miền Tây Nam Bộ không loại chè nào thiếu được nước cốt dừa. Riêng chè trôi nước ngoài nước cốt dừa chan vào chén khi ăn, xác dừa nạo còn làm nhưn cho những viên chè to tròn, ngọt lịm, … 
  Nước cốt thắng lâu sẽ ngã sang màu vàng, nước trong, màu vàng sánh, đó là dầu dừa. “Cứt dầu” (dân gian gọi xác dừa đã thắng lấy dầu bằng từ ấy) để ráo ngào đường ăn vừa thơm, vừa béo, … Đúng là chẳng bỏ bất cứ một thứ gì từ dừa, … 
  Dầu dừa dùng để chiên, xào, … Khi quết bánh phồng, cán bánh tráng, … dầu dừa, nước cốt dừa cũng không thể không có mặt, … 
  Đặc biệt hơn, phụ nữ Nam bộ ngày trước thường hay xức dầu dừa lên tóc. Tóc sẽ bóng mượt lại một màu đen để làm duyên: 
Tóc em, em xức dầu dừa 
Vừa đen vừa mượt cho vừa lòng anh 
  Hay như: 
Nạo dừa dưới ánh trăng vàng 
Thắng dầu mà xức tóc nàng tóc anh 
  Trong các thứ sản phẩm ẩm thực về dừa không thể bỏ qua mứt dừa và kẹo dừa. Nhắc đến kẹo dừa thì kẹo Mỏ Cày, Bến Tre đã trở thành thương hiệu đệ nhất. Ngậm cục kẹo dừa vừa ngọt vừa béo, phảng phất chút hương vị sầu riêng, hay hương lá dứa, ngâm nga câu thơ: Kẹo Mỏ Cày vừa thơm, vừa béo/ Gái Mỏ Cày cũng vừa khéo vừa ngoan quả là tuyệt diệu! 
  Mứt dừa được làm từ cơm dừa hơi già cứng cạy một chút (vỏ rám chứ chưa khô hẳn), cơm dừa được cắt sợi và sên với đường cát để khô dùng trong ngày lễ, ngày tết bên chung trà nóng am ấm lòng người. 
  Miếng cơm dừa cạy ra từ gáo còn được người nông dân dùng làm mồi câu tôm hiệu quả rất cao! 
  Trái dừa già rụng được người ta lượm vào để trong kẹt bồ lúa, dưới sàn ván ngựa lâu ngày sẽ mọc mầm. Nếu để trồng thì chờ mầm lớn một chút, khoét đất tròn, đặt dừa xuống là xong. Còn nếu không thì lột dừa ra, trong gáo dừa lúc này có mộng dừa, ăn vừa ngọt vừa béo, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng ưa thích. Mộng dừa ngon nhất là lúc nó cỡ bằng cái ly uống nước trà, mộng dừa lớn cỡ cái chén sẽ lạt ăn ba sồn ba sựt ví như nhai nhùi giẻ! 
  Cuối cùng là công dụng của cái gáo dừa. Nếu không cần xài gáo thì lột vỏ xong, dùng dao đập cho dừa bể đôi, cơm dừa dùng bàn nạo, nạo sạch, phần gáo dừa đó được gọi là miễn vùa. Miễn vùa để chụm, con nít hay lấy miễn vùa là thẻ nhảy cò chẹp, (trò chơi dân gian phổ biến ở đồng bằng Tây Nam Bộ), có người mài thành hình trái tim xỏ lổ luồn dây đeo tòng ten ở cổ chơi, … 
  Cẩn thận hơn, người ta lựa những trái dừa khô có hình dáng tròn đều, lớn gáo, dùng dao bén chặt quanh phần nhỏ ở gần mầu (chỗ dừa sẽ mọc mầm sau này), đổ nước, nạo lấy cái ra, phần lớn còn lại là gáo dừa. Gáo dừa được xuyên cây ngang dùng múc nước, … Ngày trước, nhà nghèo còn dùng gáo dừa làm chén, tô chứa đựng thức ăn trong bữa cơm. Miệt sông Cửu Long còn kể câu chuyện liên quan đến gáo dừa rằng: 
  Có gia đình nông dân nọ, có người cha già hay ốm đau luôn. Tới bữa cơm, tay cha run run thường hay làm rớt những cái chén bằng gốm, bể nát. Người con đã có gia đình sinh được thằng con trai chừng ngoài mười tuổi. Một hôm thằng bé thấy cha nó lấy dạo bén gọt cái miễng vùa mà mẹ nó nạo vứt ra sân sáng nay. 
- Cha làm vì vậy? 
- Ừ, tao gọt cái này làm chén cho ông nội mày ăn cơm, già rồi tay run, ăn cơm bẻ chén hoài, của đau con xót chớ! 
  Thằng bé không nói không rằng chỉ lặng lẽ bỏ đi. Hôm sau, cha nó từ ngoài đồng về đã thấy nó ngồi gọt một chiếc miễn vùa khác làm chén! 
- Tao gọt cho ông nội mày một cái đủ rồi. Mày gọt làm chi nữa 
- Dạ con gọt để dành cho cha sau này già có cái mà ăn đấy chớ! 
  Nghe con nói, người cha từ bỏ ngay ý định, anh tay chạy vào quỳ trước mặt cha già tạ lỗi. 
  Người cha ân cần, nói: 
- Mưa trên mái nhà chảy xuống, giọt sau liền y với giọt trước con ơi! 
Quả dừa dùng làm gáo múc nước,...
  Gáo dừa còn để nhận mắm bò hóc. Với nguyên liệu chính là cá tre, cá sặc, cá chốt, … tươi, sau khi đập chết, làm sạch ruột thì ngâm nước lã một đêm cho cá hơi sình lên. Đưa phần cá đã ngâm nước lên nia tre phơi thật khô, ướp muối và dùng lá chuối tươi dằn ép cho rỉ hết nước trong mình cá. Sau đó cho cá ấy vào gáo dừa cứ một phần cá, một phần muối, thì nửa phần cơm nguội. Trên mặt gáo, dằn ém mắm cũng bằng mo dừa cắt tròn, vừa. Cây gài cũng là từ dọc dừa chẻ, cắt, vừa với miệng gáo, … 
  Gáo dừa, miễn vùa còn đi vào đời sống dân gian với hình ảnh tóc ba vá miễn vùa, hay hớt tóc gáo dừa, … Sọ dừa xuất hiện như một đối tượng so sánh để dân gian cảnh báo những ai yêu nhau mà vội “vượt rào”: 
Con gái chơi với con trai 
Rồi sau cái vú bằng hai sọ dừa 
  Ngay cả trái dừa bị điếc, tức là dừa không có ruột, ngày xưa người già lượm về đẽo thành gối kê đầu, bởi vải vóc thiếu thốn, không phải nhà nào cũng dư dã mua được gối nằm. 
  Hay nhất, có lẽ là việc người ta sử dụng vỏ dừa để ủ ấm bình tích châm nước trà. Trà muốn ngon thì phải uống nóng. Ngày trước, bình thuỷ còn hiếm, người nông dân đã dùng vỏ dừa thay thế. Lựa dừa khô lớn trái, tròn đều. khéo léo dùng lưỡi cưa lộng một đường tròn, phần trên làm nắp, phần dưới dùng để bình tích bằng sành. Dùng dao nhọn khoét hết phần cơm, gáo dừa bỏ đi. Thế là xong. Cầu kỳ hơn người ta còn vẽ rồng, vẽ phượng ngoài vỏ cho đẹp. Bình nước để trong vỏ dừa giữ được độ ấm cả nửa ngày trời. Tuy đơn giản, nhưng thật có giá trị cả về mặt ẩm thực lẫn nét đẹp văn hoá đối với những người dân miệt vườn. 

3. Dừa trong các phương thuốc chữa bệnh dân gian 
  Theo kinh nghiệm dân gian, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, giải nhiệt,… 
Người bị tiêu chảy, mất nhiều nước, dân gian thường cho uống nước dừa tươi vừa bù đắp lượng nước bị mất. Người bị khan tiếng, kiết lỵ cấp tính, … cũng có thể dùng nước kết hợp với các loại nam dược khác để chữa trị. 
  Nước quả dừa xanh còn non độ 6 - 7 tuần tuổi là ngon và bổ nhất. Trong những tháng năm chiến tranh, thuốc men dược liệu khan hiếm, nhiều khi cần truyền nước cho thương binh hay bệnh nhân mà không có dịch truyền, người ta đã chủ động truyền nước dừa vào cơ thể và hiệu quả đạt được rất mỹ mãn. Để lấy nước truyền vào cơ thể người, người ta chọn dừa non, nhẹ nhàng hái xuống, lấy dao bén cắt mầu, để làm sao cho nước thật trong mà sử dụng. 
  Các phần khác của cây dừa như vỏ xanh, xơ ở ngoài được dùng rửa vết thương, bỏng, ghẻ lở. Sọ dừa đốt thành than cầm tiêu chảy. Rễ dừa cầm máu, lợi tiểu và chữa một số chứng bệnh thông thường khác. 
  Ở miền quê thường đi chân đất, ngày đêm lại hay dầm nước, nên dễ bị “thúi khoé”. Khoé chân sưng, đen bóng đau, nhức rất khó chịu. Dân gian thường lấy vỏ cua tươi đổ dầu dừa lên để trên ngọn đèn đốt cho dầu dừa thật sôi, đủ vào chỗ móng chân bị thúi. Một hai lần sẽ khỏi! 
  Trong một số trường hợp, theo kinh nghiệm dân gian, người ta không nên dùng nước dừa. 
  Người bị cảm, sốt không nên uống rau má đâm nát rồi cho nước dừa vào khi màn đêm buông xuống, tương tự người mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa; vì như vậy sẽ dễ bị “hàn” (lạnh run người!), sốt, … 
  Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất ít nhiều công dụng, cho nên cứ để nguyên quả mà uống, tốt nhất là nên uống ngay tại gốc vừa chặt, tránh thả dừa xuống đất. Nước dừa để lâu bị “chua” thì không nên uống, …, nếu uống dễ đau bụng, … 

4. Dừa trong tâm linh 
4.1. Mâm ngũ quả 
Mâm ngũ quả, có quả dừa
  Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu - dừa - đủ - xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là cầu vừa đủ xài - mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới! Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn sung túc. 

4.2. Mâm cúng của người Khmer 
  Lễ cúng Oóc-om-boc trong đêm rằm tháng 10 âm lịch, thường diễn ra tại sân chùa, sân nhà, hoặc một khu đất trống nào đó để mọi người dễ dàng quan sát mặt trăng. Trước khi trăng lên, người ta đào lỗ cắm hai thanh tre cách nhau khoảng 3 mét, gác ngang một thanh tre khác như một cái cổng thật đẹp và đặt dưới cổng một cái bàn. Trên bàn có bày các thức cúng như cốm dẹp, khoai lang, khoai môn, dừa tươi, chuối, bánh kẹo... Dừa tươi có khi để nguyên cả vỏ xanh, có khi gọt thành hình lục giác rất đẹp mắt. 

5. Dừa trong nghệ thuật 
5.1. Dừa trong văn học 
  Dừa cũng là một đề tài quen thuộc trong văn học nói chung và văn học dân gian nói riêng. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ điểm qua một cách sơ lược ở hai thể loại: truyện cổ tích và ca dao mà thôi! 
  Câu chuyện cổ tích về chàng Sọ dừa có ngoại hình xấu xí nhưng khi trút bỏ lột được hạnh phúc trọn đời bên người vợ hiền dịu nết na thì ai cũng biết. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu thêm câu chuyện cổ tích Sự tích cây dừa tồn tại trong dân gian miệt Long Mỹ – Hồng Dân – Ngã Năm (vùng đất giáp giới của ba tỉnh: Hậu Giang – Bạc Liêu – Sóc Trăng), chuyện kể rằng: Ngày xưa ở vùng đất nọ có gia đình nhà nghèo cảnh mẹ góa, con côi. Hai mẹ con ngày ngày cày thuê cuốc mướn cho tên địa chủ giàu có trong vùng, mà cảnh đói cơm thiếu áo vẫn xảy ra ngày một ngày hai. Đứa con gái ngày một lớn càng xinh đẹp nết na, bà mẹ ngược lại ngày một già nua, đau bệnh triền miên. Năm ấy, trời hạn nặng, cây cối héo úa, lúa ngoài đồng cháy khô. Gia cảnh mẹ con nhà ấy càng thảm não. Không còn gạo nấu cháo nuôi mẹ, cô gái bạo dạn đến gõ cửa nhà giàu. Vốn háo sắc, gả địa chủ rắp tâm chiếm đoạt cô. Hắn ra điều kiện: 
- Được rồi, ta có lòng thương người lắm, nay ta cho em mượn thúng gạo này về mà ăn. 
  Trong ba tháng, nếu em không trả được gạo cho ta thì đến đây hầu hạ ta vậy. 
  Cô gái đội gạo về vừa khấp khởi bởi mẹ đã có cái ăn, vừa trĩu lòng vì món nợ đã vay, biết lấy đâu mà trả. 
  Húp chén cháo xong, mẹ cô nghẹn ngào: 
- Mẹ không qua khỏi, con ráng mà giữ mình, làm thuê mướn cũng phải trả nợ cho người ta. 
  Nghèo cho sạch, rách cho thơm con ạ! 
  Mấy hôm sau bà mẹ mất, cô gái khóc lóc thảm thiết. Hàng xóm kẻ ít người nhiều gom góp cho bà cụ được yên mồ yên mả. Ngày đêm, cô gái vật vả thảm thiết bên mộ mẹ hiền. 
  Không lâu sau, tên nhà giàu cho tay chân đến buộc cô gái về làm hầu hạ hắn. Cô gái gom hết những gì mình có đưa cho họ và hẹn xin được để tang mẹ xong sẽ qua trả lễ. 
Mòn mõi, đau buồn, cô gái chưa thực hiện được lời hứa cũng đã nhắm mắt xuôi tay. 
Mấy năm trôi qua, người ta phát hiện có một loài cây lá xòe mượt xanh như mái tóc của cô bé nhà nghèo nọ. Bẹ đỡ lá hình dáng như chiếc mũi xinh xắn của cô. Đặc biệt cây cho trái trên cao, nước trong vắt ngọt lịm, như tấm lòng thơm thảo trọng nghĩa nhân và giữ tiết sạch giá trong khi cô bé còn sống. Người ta đặt tên cho nó là cây dừa. Cây dừa mọc trong vườn nhà, luôn khắng khít bao đời với người nông dân từ đó. 
  Ở ca dao, dừa là tiếng nói tâm tình ngợi ca cảnh giàu đẹp, dừa gợi nhớ quê hương sâu nặng nghĩa tình: 
Bến Tre nước ngọt lắm dừa 
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm 

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre 
Thấy bông sen, nhớ đồng quê Tháp Mười 
  Hay: 
Công đâu công uổng công thừa 
Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan 
  Tam Quan thuộc Bình Định, cùng với “xứ dừa” Bến Tre là những địa danh có diện tích trồng dừa lớn ở Việt Nam. 
  Không khí thanh bình, cảnh tượng lao động trên cánh đồng thửa ruộng vừa đơn sơ vừa mộc mạc mà ấm áp biết dường bao: 
Trời mưa cho ướt lá dừa 
Đôi ta be bé đi bừa đồng trong 
  Dừa có mặt trong những câu ca về đạo lý, người bình dân muốn mượn nó để răn đời, dạy dỗ kẻ hậu sinh: 
Muốn trong bậu uống nước dừa 
Muốn nên cơ nghiệp, bậu chừa lang vân 

Dừa tơ bẹ dún tốt tàng 
Giàu sang có chỗ, điếm đàng có nơi 

  Hoặc: 
Nắng lên cho héo ngọn dừa 
Đánh chết chẳng chừa cái thói đổi thay 
  Trong lời hát đối đáp đưa duyên, giao tình: 
Ngọn dừa bóng ngả mái tranh, Trăng tà em mới hỏi anh đôi lời Ai làm cho bóng trăng rơi, 
Cho mây lơ lửng, cho trời lọ lem ? 
  Một câu hỏi khác mà lời người phát ngôn có lẽ là một chàng trai, mượn cảnh để tỏ tình chăng? 
Bến em có gốc dừa tơ 
Đêm trăng em đứng em chờ đợi ai
Cũng do dừa có quá nhiều công dụng, nên nhiều lúc dừa được xem như là một giá trị tài sản để đánh giá sự giàu sang hay nghèo hèn. 
Nhà tôi có dãy vườn hoa 
Có ba dãy nhãn, có ba dãy dừa Dù anh đi sớm, về trưa 
  Sao anh chẳng nghỉ dãy dừa nhà tôi 
  Có những lúc ta gặp cảnh hết sức tế nhị của chàng trai chân đất, họ lấy lá dừa ra vừa làm phương tiện vừa là cái cớ: 
Tới đây ngồi tạm lá dừa 
Chiếu trải mặc chiếu anh chưa dám ngồi 
  Mạnh dạn hơn một chút, đem dừa ra để nói lời cám ơn đến người trồng cây, để nhắc khéo nhau kỷ niệm nơi lứa đôi từng hò hẹn: 
Giả ơn ai có cây dừa 
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương 

Cho em trở lại đường xưa 
Để em tìm lại gốc dừa cạnh ao Lời anh âu yếm chiều nào 
  Thoảng vang trong gió rì rào chớm thu 
Rồi tương tư, nhớ thương da diết, luôn hướng về nhau trong motif so sánh “bao nhiêu” – “bấy nhiêu”: 
Dừa xanh trên bến Tam Quan 
Dừa bao nhiêu trái, em trông chàng bấy nhiêu 

  Hẹn hò, giao duyên, dù nhớ thương da diết nhưng làm thân con gái phải nhớ lời cha mẹ bảo ban: 
Trăng lên khuất bóng cây dừa 
Làm thân con gái phải chừa đi đêm! 
  Phải cảnh giá vì trong cuộc sống không ít người thấy trăng quên đèn, người trong cuộc tình tự nhận ra rằng: 
Trồng dừa ra đọt chặt tàu 
Sợ anh đổi dạ quay đầu bỏ em 

 Và hậu quả cũng thật khó lường nếu chuyện lỡ làng trinh tiết xảy ra: 
Còn duyên nón vải quai tơ 
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong 
 Ở chức năng hài hước cười cợt, chúng ta cũng gặp hình ảnh của dừa. 
Dì Hai ơi hỡi dì Hai 
Miệng nhai bánh tráng, miệng nhai cùi dừa 

Ếch tôi ở tận hang cùng 
Bên hè rau muống phía trong bờ dừa 

5.2. Dừa trong âm nhạc 
5.2.1. Điệu múa gáo dừa 
  
Điệu múa gáo dừa
  Với chiếc gáo dừa bình dị, cùng với tiết tấu nhạc nhịp nhàng, các chàng trai, cô gái Khmer cùng nhau vui múa để xua đi nỗi mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả. Điệu múa khá đơn giản, trên mỗi tay người múa cầm một chiếc gáo dừa nhỏ xinh, họ quây thành vòng tròn, rồi tản ra thành hàng ngang, hàng dọc, kết hợp tay chân nhịp nhàng, lúc mạnh mẽ, lúc uyển chuyển... rồi từng đôi nam nữ múa cùng nhau, miệng mỉm cười, mắt đưa tình lúng liếng... Đây là điệu múa giúp con người khỏe khoắn, nhanh nhẹn và thư giãn. Người xem cũng bị lôi cuốn vào các động tác múa, thả hồn theo tiếng nhạc du dương và cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thư thái. 

5.2.2.. Đàn gáo 
Đàn gáo
  Trong các nhạc cụ dùng cho các bài bản âm nhạc, nhất là đờn ca tài tử, có cây đàn gáo. Hình dáng đàn gáo được khắc trên bệ đá kê chân cột Chùa Phật Tích, ở miền Bắc người ta gọi là đàn Hồ. Theo GS Tô Vũ: "gáo" và "cò" là sáng tạo ngôn ngữ có tính cách dân gian ở Nam Bộ, để chỉ cây Nhị và Hồ ở miền Bắc và miền Trung. Ðàn gáo ở miền Nam người ta lấy nửa gáo dừa to, bịt mặt gỗ làm bầu đàn nên gọi là đàn gáo. 

5.2.3. Đề tài trong âm nhạc 
  Dừa, cầu dừa cũng trở thành đề tài cho nhiều nhạc phẩm hay tuồng cải lương, điệu hò câu lý,… Nói đến đây, không thể không nhắc bài hát nổi tiếng Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, với lời ca vang vọng: Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió/ Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre, … Hay điệu hát Câu cầu dừa với lời ca: Đã lâu lắm rồi không qua cây cầu dừa/ Cầu dừa trơn trợt lắm ai ơi!, … 

5.3. Dừa trong hội hoạ 
Bức tranh dừa
 Từ thế kỷ XVI, làng tranh dân gian Đông Hồ đã xuất hiện với rất nhiều mẫu tranh nổi tiếng. 
Mỗi khi nhắc đến làng tranh ấy ít khi người ta bỏ qua bức tranh Hứng dừa. Hình ảnh trong tranh Hứng dừa thể hiện một gia đình hạnh phúc viên mãn của người dân quê Việt Nam. Cảnh cha con, vợ chồng thương yêu giúp đỡ bao dung lẫn nhau, cùng nhau hưởng vị ngọt ngon từ công sức mà gia đình mình trải qua. 
  Trèo dừa là công việc vất vả nguy hiểm, người cha làm, như muốn gửi gắm sự quyết tâm vượt qua thử thách vươn lên mọi thách thức trong cuộc sống, bẻ trái dừa như gặt hái thành quả lao động mang niềm vui đến cho vợ con. 
  Thông thường khi người lớn trèo cây hái quả thì con trẻ hớn hở chạy nhảy dưới đất ngẩng mặt lên cao chờ đợi nhận trái ngọt. Ở đây hai đứa con lại bấu chặt vào gốc cây như muốn chia sẻ nỗi vất vả hoặc quyết noi gương cha trèo lên vượt mọi hiểm nguy. Người vợ hứng dừa bằng chiếc váy của mình vừa thể hiện sự hài hước vừa ẩn ý kín đáo của tín ngưỡng phồn thực, cứ xem sự đa nghĩa của cặp từ “trèo” và “hứng” trong câu ca dao đây ắt khỏi phải quá băn khoăn với điều chúng tôi vừa nói:
Khen ai khéo tạc nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa lòng nhau
Nhà thơ Vương Trọng cũng tức cảnh này … thành thơ, xin trích một đoạn:
(…) Ánh mắt kia, nụ cười kia Và kiểu dạng chân thách thức:
- Thả đi nào, em chấp!
Những chàng trai với hai quả dừa
Đã nhận ra váy kia quá mỏng Da mịn thế, dừa thì quá nặng.
Kẻ muốn hứng, người chưa cho hứng Dưới, trên khấp khởi mừng, lo
Vượt thế kỷ, bỏ trôi thiên nhiên kỷ
Họ vẫn nhìn nhau trong giấy mực làng Hồ.
(Xem tranh hứng dừa, 2 -1997 )
  Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng phấn khởi loan tin bức tranh Anh hùng Điện Biên, có kích thước 2,4 x 10,8m được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tranh làm bằng chất liệu gáo dừa dài nhất nước. Bức tranh có trọng lượng gần 1 tấn, được ghép bằng phương pháp thủ công từ 9.000 vỏ gáo dừa được chọn lọc từ 5 tấn vỏ gáo dừa thô và hơn 100 lít keo. Tác giả của bức tranh ấy là hoạ sĩ trẻ Võ Quý Quốc.
  Bức tranh đã tái hiện cảnh đau thương của dân tộc Việt Nam dưới xiềng xích của ách đô hộ thực dân Pháp, từ máu lửa đã vùng lên đập tan ách thống trị giành chính quyền. Bức tranh thể hiện đậm nét nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ với những hình ảnh bộ đội Việt Nam kéo pháo vào trận địa, đội quân xe đạp thồ vượt đường Trường Sơn huyền thoại và nổi bật là chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức tranh còn tái hiện hình ảnh của 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ trong chiến dịch Biên Giới (1950).
Bức tranh nổi tiếng
6. Kết luận
  Cuối cùng xin mượn lời trong bài thơ Cây dừa của nhà thơ Trần Đăng Khoa thay lời kết cho bài viết của mình:
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo Trời trong đầy tiếng rì rào
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra...
Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi

Nguồn:
Các ảnh trong bài viết là ảnh sưu tầm
Th.S. Trần Minh Thương (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)
Trường THPT Mai Thanh Thế, Ngã Năm, huyện Ngã Năm, Sóc Trăng
ĐT: 0988092618. Email: tranminhthuong1995@yahoo.com.vn

Dịch vụ Trồng Rau tại nhà

Hệ thống trồng cây OHF bao gồm các chậu có hình hoa, sáu cánh có thể xếp trồng lên nhau tạo thành hình trụ thắng đứng. Khi sử dụng hệ thống trồng cây OHF không những có thể tiếp kiệm được không gian, tăng năng xuất cây trồng mà còn tạo ra một không gian vườn 3D đẹp mắt. Với thiết kế đặc biệt, hệ thống trông cây OHF đảm bảo đủ không gian, ánh sáng cho cây rau, hoa phát triển bình thường mà lại hạn chế được sự phá hoại của sinh vật gây hại, giảm thiểu sự thoát hơi nước góp phần tiết kiệm nước.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply