Ảnh: Cây hẹ trồng trong chậu - nguồn: nongnghiep.vn |
-------------------------
(*) Đặc điểm chung:
-------------------------
- Cây hẹ là một loại rau ăn lá phổ biến, được nhà nông trồng nhiều vì vốn đầu tư thấp nhưng hiệu qủa kinh tế cao hơn các loại rau ăn lá khác. Cây hẹ dễ trồng và ít phải chăm sóc, gieo một lần có thể thu hoạch nhiều lần, cây phát triển xanh tốt quanh năm, vừa cho lá để ăn vừa có thể dùng làm thuốc những khi cần thiết. Lá hẹ có thể thay thế cho lá hành, thường dùng để muối chua với giá đậu, ăn sống.
- Cây hẹ là cây thân thảo, cây giống một loại cỏ, thường có chiều cao khoảng 20-50 cm tùy đất và mùa vụ. Cây hẹ có mùi đặc biệt, giò hẹ nhỏ hơn giò hành, dài, mọc thành túm và có rất nhiều rễ con.
- Lá hình dẹp, dài, bản lá hẹp, nhưng dày. Cây hẹ thường có 4-5 lá, dài 10-30 cm, rộng 1,5-10 mm, đầu lá nhọn. Hoa hẹ mọc trên 1 cọng hoa kéo dài hơn. Các hoa tụ lại thành hình xim nhưng co ngắn lại thành một tán giả. Cọng hoa có hình gần giống 3 cạnh. Hoa màu trắng, cuống hoa dài trên 10 mm. Trái hẹ khi khô dài 4-5 mm có đường kính trái khoảng 3-4 mm. Hạt nhỏ, màu đen, cây hẹ thường ra hoa vào tháng 6-8, cho trái từ tháng 8-10.
- Cây hẹ cũng thuộc họ hành tỏi (Liliaceae), có các đặc tính sinh học giống như hành và tỏi. Ưa nhiệt độ mát (20-25 độ C), ánh sáng mạnh. Bộ rễ ăn nông, khả năng chịu hạn và chịu úng kém. Bộ phận sử dụng gồm cả củ, lá và hoa.
1/ Giống:
- Hẹ có thể trồng bằng hạt hoặc bằng thân, tuy nhiên đa số nhà nông trồng bằng thân.
- Có 2 giống chính:
+ Giống lá lớn: là giống được trồng nhiều với diện tích lớn vì năng suất cao nhưng phẩm chất kém.
+ Giống lá nhỏ: chất lượng cao nhưng năng suất thấp, diện tích trồng ít.
- Trồng tại nhà: hay chọn giống lá nhỏ để trồng.
2/ Thời Vụ:
- Trồng được quanh năm. Tuy nhiên, nó hay được trồng vào tháng 10, 11 để thu hoạch vào dịp tết, đạt hiệu quả cao.
3/ Đất:
- Chọn đất: đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tốt nhất là đất thịt, thịt pha cát, đất phải chủ động được hệ thống tưới và tiêu nước tốt. Sau khi trồng được 12 tháng thì phá bỏ gốc, lật đất lên, lấy tầng lớp dưới lên trên làm đất trồng lứa mới.
- Làm đất: đất sau khi cày xới, lượm sạch cỏ, xử lý vôi 0,3-0,5 kg/thùng xốp, đất được phơi ải ít nhất 5-7 ngày để hạn chế sâu bệnh, nấm hại.
4, Cách trồng:
- Thùng xốp hoặc chậu trồng dùng để trồng hẹ phải đục lỗ thoát nước bên sườn, tốt nhất nên làm loại thùng @ cải tiến, có nhiều ưu điểm dùng để trồng cây tại nhà, hiệu quả cao.
- Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3-4 tép tuỳ theo diện tích trồng, khoảng cách tối thiểu 10 x 10cm, trước khi trồng phủ lên một lớp rơm mỏng để giúp cây cứng cáp, khó đổ khi gặp gió.
- Nếu trồng bằng hạt thì phải làm đất thật mịn, tơi xốp, đất phải có độ phì cao, tốt nhất nên dùng đất phù sa, có hàm lượng chất hữu cơ khoảng 1,5%. Để đảm bảo hạt nẩy mầm đều, cần ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh (khoảng 40 độ C) trong 2h, để ráo nước đem reo. Tưới ẩm phun sương cho hạt, giữ ẩm đều sau khoảng 3 - 7 ngày hạt nẩy mầm.
5/ Phân bón:
- Sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân cá ủ hoai, lượng bón cho mỗi thùng xốp 40 lít khoảng 3-5 kg. Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân trùn quế hoặc phân hữu cơ vi sinh, bón mỗi thùng ít nhất 3 kg.
- Ngoài ra để đạt hiệu quả cao nên bón thêm đạm, lân và kali cho cây theo liều lượng: 1:0,5:0,25
Chuẩn bị 1 hỗn hợp gồm: 1 thìa cà phê lân trộn đều với 1/2 thìa cà phê đạm trộn tiếp với 1/4 thìa cà phê kali: pha với 20 lít nước, tưới đều. Tuần tưới 1 lần.
- Nếu không muốn sử dụng phân hoá học có thể sử dụng nước tiểu (NH3) ngâm ủ 1 tuần trở lên, pha loãng để bổ sung đạm cho cây phát triển.
- Cách bón:
+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh vào giai đoạn đầu.
+ Bón thúc:
Lần 1: 7-10 ngày sau khi trồng, bón hỗn hợp phân đạm, lân, kali ở trên.
Lần 2: 30 ngày sau khi trồng, bón hỗn hợp trên với nồng độ đậm hơn 1:0,5:0,25 đạm, lân, kali pha với 10 lít nước.
6/ Chăm sóc:
- Công việc chăm sóc cho hẹ là bón phân, vun gốc, nhổ tỉa và trồng dặm.
- Nên dùng màng phủ nông nghiệp (polyetylen) để hạn chế tối đa cỏ dại.
7/ Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu ăn lá, ruồi đục lá, sử dụng thuốc Karate, Padan.
- Bệnh thối nhũn, tiêm lửa: nhổ bỏ cây bệnh.
7/ Thu hoạch:
- Đợt 1: 55-60 ngày sau khi trồng
- Đợt 2: 30-35 ngày sau khi thu hoạch đợt 1
- Đợt 3,4,5,6: cách nhau 30-35 ngày.
8/ Để giống:
- Để giống bằng thân:
Luống hẹ được nhổ tỉa cây để ăn, chừa lại cây khỏe mọc đều theo khoảng cách cây cách cây 12 đến 15 cm, sau đó bón thêm phân lân, tro bếp, bánh dầu, vun nhẹ gốc, tưới nước, chăm sóc để hẹ có củ to, mập. Khi cần trồng hẹ gấp có thể nhổ cây, vặt bớt lá đem trồng như đã nói ở trên. Hoặc chờ hẹ có củ chắc, lá tàn bớt, nhổ cả cây buộc túm, treo trên dây, phơi trong bóng râm, sau phơi ngoài nắng, rồi đem bảo quản để trồng vụ sau. Cần kiểm tra củ thường xuyên vì hẹ có thể bị thối củ trong quá trình bảo quản. Trường hợp phát hiện có thối củ, cần loại bỏ, đem hẹ phơi ngoài nắng 5 đến 6 giờ lại đem vào bảo quản, chú ý không để thành đống to, nhiệt độ cao dễ thối.
- Để giống bằng hạt:
Cũng để cây hẹ tốt trên liếp, chăm sóc cho hẹ ra hoa, kết trái, thu trái về, chà lấy hạt (chỉ chà nhẹ bỏ bớt vỏ ngoài) phơi khô ở nhiệt độ 35-40oC, để nguội, cho vào chai lọ, đậy kín để gieo vụ sau.
--------------------------------------------------------
(*) Đọc thêm về công dụng chữa bệnh của hẹ:--------------------------------------------------------
- Cây hẹ - tên khoa học: Allium tuberosum Rotller ex Spreng, thuộc họ Hành - Alliaceae.
- Mô tả: Cây thảo nhỏ sống nhiều năm, cao 20-50cm, có thân mọc đứng, hình trụ hoặc có góc ở đầu. Lá ở gốc thân, hình dải phẳng hẹp, có rãnh, dài 15-30cm, rộng 1,5-7mm. Hoa trắng mọc thành tán ở đầu một cán hoa dài 20-30cm hay hơn. Tán gồm 20-40 hoa có mo bao bọc, 3-4 lẩn ngắn hơn tán hoa; bao hoa màu trắng, gồm nhiều phiến thuôn mũi mác. Quả nang, hình trái xoan ngược chia ra 3 mảnh; 6 hạt nhỏ, màu đen.
- Hoa nở vào tháng 7-8, quả đậu vào tháng 8-9.
- Bộ phận dùng: Hạt - Semen Alli Tuberosi, thường gọi là Cửu thái tử. Toàn cây cũng được dùng.
- Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Đông Á ôn đới, được trồng rộng rãi làm rau ăn ở miền núi, trung du và đồng bằng. Thường trồng bằng củ tách ở cây đã tàn lụi. Có thể trồng vào mùa xuân, hoặc thu đông là tốt nhất. Ta thường thu hái rau hẹ quanh năm, thường dùng tươi. Còn quả chín, phải chờ mùa thu đông, lấy về phơi khô, đập lấy hạt.
- Thành phần hóa học: Trong cây hẹ có hợp chất sulfur, saponin, chất đắng và hoạt chất adorin có tác dụng kháng khuẩn và vitamin C.
- Tính vị, tác dụng: Hạt có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung, trợ vị khí, điều hoà tạng phủ, hạ nghịch khí, cố thận tinh, tán ứ huyết. Rau Hẹ có vị cay đắng chua mà sít, lại mạnh cho khí và thêm cho dương sự, lại cầm máu, vít tinh.
- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt Hẹ dùng chữa chứng mộng tinh, Di tinh, đái ra huyết, lưng gối mỏi, tả và chứng đàn bà bạch đới và ỉa chảy. Còn dùng chữa viêm tiền liệt tuyến. Liều dùng 6-12g. Cây Hẹ dùng trị cơn hen suyễn nặng, đờm chặn khó thở, chứng ra mồ hôi trộm, sưng cổ họng khó nuốt, đổ máu cam, lỵ ra máu, viêm mũi, viêm tiền liệt tuyến. Ngày dùng 20-30g giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng ngoài, lấy nước Hẹ nhỏ tai trị viêm tai giữa. Rễ Hẹ là vị thuốc tẩy giun kim rất nhẹ nhàng và hiệu nghiệm.
Đơn thuốc:
1. Cổ họng khó nuốt: Dùng 12-24g lá Hẹ giã tươi lấy nước uống.
2. Yết hầu sưng đau: Hẹ toàn cây một nắm, muối một cục đâm vắt nước nuốt lần lần.
3. Viêm tai giữa: Giã Hẹ tươi lấy nước nhỏ tai.
4. Côn trùng bò vào tai: Lá Hẹ đâm vắt lấy nước nhỏ vào tai ít giọt, côn trùng sẽ bò ra.
5. Hen suyễn nguy cấp: Lá Hẹ, một nắm, sắc uống.
6. Đổ máu cam, lỵ ra máu: Củ hoặc lá Hẹ giã tươi lấy nước uống.
7. Ho trẻ em: Lá Hẹ hấp với đường đặt trong nồi cơm hoặc đun cách thuỷ lấy nước cho uống.
8. Giun kim: Sắc lá Hẹ hoặc rễ Hẹ lấy nước uống.
9. Di tinh: Hẹ và Gạo nếp, hai thứ đều nhau, hiệp chung nấu cháo nhừ, phơi sương một đêm, ăn lúc sáng sớm, ăn luôn một lúc. Hoặc dùng hạt Hẹ ăn mỗi ngày 20 hạt lúc đói với nước muối mặn mặn, hoặc chưng chín ăn.
10. Sản hậu chóng mặt bất tỉnh: Củ Hẹ, Hành tăm, đều 12g, đâm nát hoà ít giấm, để lên cục gạch nướng đỏ, xông hơi.
-------------------------------------------
(*) Xem thêm về các món ăn từ hẹ:
-------------------------------------------
1. Bánh nhân hẹ
- Lá hẹ 200 g, đậu phụ 100 g, bột mì 500 g, miến 50 g ngâm cắt vụn, rau hẹ thái nhỏ, đậu thái quân cờ.
- Xào khô già với nước tương, muối, bột ngọt, hành, gừng, dầu vừng trộn đều viên làm nhân. Bột mì nhồi làm viên rồi cán mỏng, bọc nhân chưng chín.
2. Chế biến làm các món xào
- Hẹ 200 g cắt đoạn dài, xào với giá đậu xanh.
- Hẹ xào tôm nõn tươi: Lá hẹ 200 g, tôm nõn 200 g, xào ăn.
- Hẹ xào gan dê: Lá hẹ 150 g, gan dê 150 g. Có tác dụng làm sáng mắt.
- Hẹ xào lươn: Lươn 500 g lọc bỏ xương, cắt đoạn xào qua, thêm gia vị, gừng, tỏi và nước, vừa cạn cho thêm 300 g lá hẹ cắt đoạn, xào thêm 5 phút. Ăn nóng.
- Hẹ xào: Hẹ 240 g, hồ đào nhục (quả óc chó) 60 g. Xào với dầu vừng và ít muối. Ăn ngày 1 lần lúc đói hoặc vào bữa cơm trong 2 tuần đến 1 tháng. Còn dùng chữa táo bón, đau lưng, gối, tiểu tiện luôn, nữ giới bị khí hư, lãnh cảm.
3. Chế biến làm các món cháo
- Cháo hẹ: Hẹ 20 g, gạo 90 g. Nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần. Còn dùng chữa đau lưng, gối mỏi, ăn uống kém, phân sống nát, chân tay lạnh; nữ giới bị đới hạ, lãnh cảm.
- Cháo hạt hẹ: Hạt hẹ (xào chín) 15 g, gạo tẻ 50 g, ăn hàng ngày
-----------------------------
(*) Tài liệu tham khảo:
-----------------------------
- wikipdia.org
- nongnghiep.vn
- thaythuoccuaban.
- ctu.edu.vn
------------
(*) Lưu ý:
------------
Tất cả các bài thuốc, đơn thuốc nêu trong bài viết đều là sưu tầm, chỉ có tác dụng tham khảo. Tác giả không chịu trách nhiệm nếu người đọc áp dụng theo. Quý vị có thể liên hệ với các tiệm thuốc, bệnh viên Đông Y hoặc tham khảo thêm sách chuyên ngành để biết thêm chi tiết.
Chúc các bạn đọc vui vẻ.
Không có nhận xét nào: