Trồng rau tại nhà, dịch vụ trồng rau tại nhà
» » » Hỏi - đáp: Làm sao để trồng bầu, bí, mướp tại nhà sai quả?

Ảnh minh hoạ 1: Giàn mướp hương (nguồn Internet)
Ảnh minh hoạ 2: Giàn khổ qua (nguồn Internet)

Ảnh minh hoạ 3: Giàn bí (nguồn: Internet)

Ảnh minh hoạ 3: Giàn gấc (nguồn: Internet)
----------------------
A. Nông dân hỏi:
----------------------
      Làm sao để trồng bầu, bí, mướp nói riêng và cây dây leo nói chung tại nhà sai quả?
----------------------------
B. Chuyên gia trả lời:
----------------------------
Theo kinh nghiệm trồng cây dây leo sai quả, chúng tôi xin được trả lời như sau:
- Để cây sai quả thì ngoài cách chăm bón thông thường như bao loài cây khác, chúng ta cần chú ý một số điểm sau:

+ Về đặc điểm hình thái:
   Bầu, bí, mướp là các cây trồng thuộc họ bầu bí, có hoa khá lớn, bộ rễ phát triển xa gốc, sống 1 năm, hữu hạn; phát triển dạng bò hoặc leo trên giàn. Tuỳ loại mà ta có thể làm giàn hay để bò tự nhiên. Thông thường, các loại bầu như bầu sao, bầu bầu quả dài, bầu lấy đọt, bí phấn, mướp, khổ qua, dưa leo, dưa lưới, dưa lê, gấc thường để leo giàn (giàn thường làm bằng các thanh tre, lứa, lưới cước… cao khoảng 2-2,5m) sẽ cho sai quả. Còn các loại bí ngô, dưa hấu… để bò dưới mặt đất (lót rơm, rạ, cỏ khô…) sẽ cho sai quả.

+ Về cách chăm sóc:
1. Trồng dạng thổ canh:
1.1. Chuẩn bị đất trước khi trồng:
- Các cây thuộc họ bầu bí có thể trồng trên nhiều loại đất, tuy nhiên phát triển tốt nhất trên đất tơi xốp, độ phì cao, giàu dinh dưỡng, pH trong khoảng 6-7.
- Trước khi trồng, tiến hành  cày xới, bón thêm vôi bột rồi phơi ải đất trong khoảng thời gian tối thiểu 5-7 ngày để diệt mầm bệnh nhất là các loại ấu trùng, sâu, nấm bệnh có trong đất. Có thể phun khử trùng bằng thuốc Serpa, thuốc gốc đồng vào chân đất.
- Sau khi phơi ải đất xong, đập đất cho nhỏ nhưng không nên quá vụn như cát.
- Với 1 gốc gồm 1 đến 2 cây: Trộn đều khoảng 1kg lân với 1 lượng đất khoảng 30-50kg đất khô đã đập vụn; trộn thêm phân chuồng hoai mục: phân bò, phân gà, phân chim, vịt ngan ngỗng, phân cá… càng nhiều càng tốt nếu có điều kiện. Bổ sung lượng giá thể  (mùn dừa, tro, trấu hầm, trấu hun, vỏ lạc,…) vào hỗn hợp đất trên theo tỷ lệ 60 - 70% đất, 30 - 40% giá thể .

1.2. Ánh sáng
- Nên trồng trên những nơi có ánh sáng tối thiểu 6h/ngày.
- Nhiệt độ phát triển tốt khoảng 23-35 độ C

1.3. Gieo hạt:
- Ngâm hạt giống trước khi gieo. Với các loại hạt này nên ngâm trong nước ấm, khoảng 40 độ C, khoảng 2-6h tuỳ loại. Lưu ý một số hạt để lâu cần mài mỏng hoặc cắt vát phần đầu nhọn của hạt (dùng dũa, dao hoặc đơn giản là mài vào đá mài).
- Sau khi ngâm thì đem rửa dưới nước sạch rồi để ráo nước. Tiếp theo cho vào khăn ẩm vắt kiệt nước, bỏ vào túi nilon buộc kín, cất trong tủ lạnh ngăn mát (khoảng 20-25 độC). Sau 24-36 h, hạt nứt nanh, nẩy mầm đem gieo vào bầu, khay gieo hoặc có thể gieo trực tiếp vào hỗn hợp đất trên.
- Độ sâu gieo hạt: từ 2-3 cm
- Sau khi gieo, tưới nước đẫm lần đầu, các ngày sao tưới sao cho đủ ẩm bằng bình phun mưa, tránh rửa trôi hạt.

1.4. Chăm sóc:
- Sau khi cây lên 2-5 lá thật thì có thể đánh cây ra trồng trong đất nếu trồng từ bầu, khay gieo hạt.
- Bón phân đạm (ure) để kích thích cây phát triển thân, lá. Liều lượng bón: 1 chén đạm hoà tan trong bình chứa khoảng 20 lít nước sạch, tưới 2 ngày/lần, mỗi ngày khoảng 200-500 ml tuỳ theo tình trạng đất khô hay ẩm ướt. Nên tưới đạm vào buổi tối, sáng hôm sau tưới thêm nước rửa, chống sót cây. Hàng ngày vẫn tưới nước bình thường 2 lần/ngày.
- Sau khi cây lên tua cuốn thì cứ đề nó bò trên đất, không cho leo giàn vội. Khi cây cao đạt 2m, tiến hành khoanh gốc 1m, 1 m cho lên giàn. Lưu ý khi khoanh gốc, nhẹ nhàng, cẩn thận khi khoanh tránh gẫy, dập thân cây. Khanh gốc xong thì phủ lớp giá thể ẩm, đất xốp lên các mắt, không phủ lên đoạn thân rồi tưới nhẹ nhàng. Theo dõi vài hôm (3-7 ngày). Khi thấy xuất hiện rễ phụ ở các đốt, hàng ngày lấp đất dần lên phần thân đã khoanh gốc đến khi dầy khoảng 10 cm là được.
- Bón thúc lần 1: Khi cây bắt đầu lên giàn thì bắt đầu bón thúc cho cây theo tỉ lệ: 3:1:1 (lân, đạm và kali). Mục đích để bổ sung vi lượng cho cây, đặc biệt là những vi lượng cần thiết cho cây phát triển nhánh, ra hoa. Trộn đều hỗn hợp: 3 chén lân, 1 chén đạm ure, 1 chén kali vào nhau rồi hoà tan trong bình 25-30 lít nước hoặc chia nhỏ hỗn hợp phân vô cơ trên, lấy khoảng 1 chén hỗn hợp phân hoà tan trong bình 5-7 lít nước, rồi tưới 1 lần/tuần. Hàng ngày vẫn tưới nước đều đặn 2 ngày/lần. Những hôm trời mưa thì không phải tưới.
- Theo dõi sự phát triển của cây: để ý những nhánh phía dưới giàn nếu thấy xuất hiện tiến hành cắt bỏ hết, chỉ để lại nhánh phía trên giàn, giúp giàn thông thoáng. Chỉ cắt ngọn chính, ngọn của nhánh để nguyên. Đối với một số cây trong họ bầu bí, đẻ ít nhánh cần tiến hành bấm ngọn để giúp cây phát triển nhánh, có thể kể đến là mướp các loại, khổ qua, gấc, dưa leo. Không nên ngắt ngọn cây bầu, bí trên giàn tránh trường hợp cây bị chột, phát triển chậm lại.
- Phân phối nhánh sao cho trải đều trên giàn để giúp lá quang hợp tốt nhất giúp cây phát triển nhanh, khoẻ tránh để các nhánh chồng lấn lên nhau, chỗ có chỗ không.
- Bón thúc lần 2: Sau khi thụ phấn thành công, hoa cái sẽ có xu hướng quay xuống dưới tạo quả, ta tiến hành bón phân theo công thức: 3:1:1 (lân, đạm, kali) nhưng tăng về lượng. Cụ thể: 1 chén hỗn hợp với 5 lít nước, tưới 1 lần/tuần. Tưới rửa sau khoảng 1h-5h.
- Sau khi thu hoạch quả, tiến hành bón bổ sung phân theo công thức trên, liều lượng có thể tăng đậm hơn vì bộ rễ đã phát triển rộng, nhiều để cây có đủ chất nuôi nhiều quả.
- Thường xuyên cắt tỉa lá già, lá bị sâu không còn khả năng quang hợp nhằm làm thông thoáng giàn.
- Cây chăm bón tốt có thể cho thời gian thu hoạch từ 3 - 5 tháng.

1.5. Lưu ý về sâu, bệnh:
   Để hạn chế sâu bệnh nên áp dụng tổng hợp những biện pháp sau.
- Không trồng liên tục các cây thuộc cùng họ bầu bí trên cùng một chân đất.
- Nên dùng màng phủ nông nghiệp để loại trừ cỏ dại mọc trên đất.
- Thường xuyên cắt tỉa bớt lá già, lá bệnh, lá bị cháy không còn khả năng quang hợp, mất màu diệp lục.
- Vệ sinh nơi trồng sạch sẽ, thông thoáng.
- Thu gom lá, tàn dư của cây trồng sau khi thu hoạch xong.
- Phơi ải đất, bón vôi để diệt trùng mầm bệnh trước khi trồng vụ mới.
- Đối với sâu hại:
   + Bọ trĩ: thường hại  trên lá ngọn chích hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại, hại nặng khi cây còn nhỏ,  trong điều kiện khô, thiếu nước. Dùng các thuốc như Rigell , Confidor, Vimatox, Trebon  ...
   + Nhện đỏ: chích hút nhựa ở mặt dưới lá, làm cho lá bị quăn queo, cũng hại nặng ở giai đoạn cây dưa còn nhỏ, dùng  thuốc đặc trị : Saromite, GC - Mite, dầu khoáng SK enspray 99 EC, Actara...
   + Đối với ruồi đục lá (sâu vẽ bùa): trong mô lá ăn mô lá, chừa lại phần biểu bì, tạo ra những đường đục ngoằn ngoèo. Là loại côn trùng hại dưa, bầu, bí tương đối phổ biến hiện nay, gây hại suốt quá trình phát triển của cây, ruồi hại nặng làm cây tàn sớm, rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm năng suất. Phun thuốc Trigard, Ofunack, Scout ... khi mới xuất hiện trên lá non. Có thể sử dụng chế phẩm thần điền TP hoặc phun hỗn hợp: gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu trắng hoặc cồn 70 độ C trong 7 ngày.
   + Đối với mướp còn xuất hiện loại bọ xít hút nhựa cây. Hiện chưa có thuốc diệt trừ hiệu quả loại này, tuy nhiên các bạn có thể bắt bằng tay: sử dụng kẹp y tế, bắt bọ xít bỏ vào 1 cái lọ rồi đem chôn.

- Đối với các bệnh:
   + Bệnh phấn vàng:  xuất hiện khi mưa nhiều,  cần thoát nước tốt, tỉa bỏ lá gốc cho thông thoáng, khi bị bệnh dùng các loại thuốc như  Mexyl  MZ , Binyvil, Daconil…
   + Bệnh khảm lá; do virus không có thuốc trị, do vậy bà con cần chọn giống tốt sạch bệnh bằng cách mua giống có nguồn gốc rõ ràng.
- Lưu ý: Khi dùng thuốc bảo vệ thực vật phải đọc kỹ nhãn thuốc trước khi dùng, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ - liều lượng và đúng cách” và đảm bảo thời gian cách ly.

2. Trồng dạng bán thuỷ canh.
2.1. Chuẩn bị đất trồng:
- Vì trồng dạng bán thuỷ canh nên nguồn dinh dưỡng chủ yếu cung cấp cho cây phát triển là các chất (đa, trung và vi lượng) có trong dung dịch dinh dưỡng nên đất không cần quá tốt, giàu dinh dưỡng, chỉ cần có độ tơi xốp và pH ổn định trong khoảng 6-7.
- Với 1 đến 2 cây, đất trồng gồm: 0,5 - 1kg lân + tro trấu, xơ dừa trộn đều theo tỷ lệ: 70% đất thịt + 30 % giá thể tơi xốp.

2.2. Ánh sáng
   Như phần 1.2

2.3. Gieo hạt
   Tương tự như phần 1.1
- Ngâm hạt trước khi gieo từ 3 – 5 tiếng trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh). Rửa sạch dưới nước sạch, để ráo rồi cho vào vải ẩm, khăn giấy bọc lại. Cho vào tủi nilon bọc kín, để chỗ thoáng mát hoặc tủ lạnh ngăn mát.
- Sau 2-4 ngày hạt nẩy mầm đem gieo trong khay ươm, bầu hoặc đất chuẩn bị sẵn phía trên.
- Có thể gieo hạt trực tiếp vào giá thể xơ dừa, tẩm dung dịch thuỷ canh nồng độ từ 200-300ppm (part of million).

2.4. Chăm sóc:
- Khi cây có 2-5 lá thật, tiến hành sang chậu, từ bầu hoặc khay ươm ra chỗ đất đã chuẩn bị sẵn nếu ươm cây trong khay ươm, bầu. Cẩn thận kẻo đứt rễ.
- Sau khi chuyển cây thành công, tưới đẫm nước cho cây con.
- Về mặt khoanh gốc, làm giàn, bấm ngọt, tỉa cành: tương tự như phần 1.4
- Về mặt dinh dưỡng: chỉ khác là ở trên ta bón phân vô cơ dưới dạng thô, cần có thời gian chuyển hoá cây mới hấp thu được. Còn ở phần này, ta sử dụng dung dịch dinh dưỡng, dạng nước, cây có thể sử dụng được ngay.
- Hàng ngày tưới nước ẩm cho cây, tưới thêm dung dịch thuỷ canh (dạng phát triển thân lá), nồng độ từ 550-700 ppm liều lượng khoảng từ 200-500ml/lần tăng dần theo sự phát triển của cây.
- Khi cây ra hoa: sử dụng dung dịch (dạng phát triển nhánh, ra hoa), nồng độ từ 800-1200ppm để tưới cho cây. Tưới 1 tuần 2-3 lần.
- Khi cây bắt đầu ra quả (thụ phấn thành công), chuyển sang dạng dung dịch dinh dưỡng dạng dưỡng quả. Tưới 1 tuần 2-3 lần.
(*) Lưu ý thêm:
- Dung dịch dinh dưỡng (dung dịch thuỷ canh) trên thị trường có nhiều loại và do nhiều sản xuất khác nhau. Công thức cũng khác nhau. Trong bài viết này, dung dịch dinh dưỡng là loại được pha theo công thức Hoangland (pha chế dung dịch từ 11 hoá chất khác nhau). Để tìm hiểu thêm về cách pha này, mời các bạn đọc thêm bài: Pha chế dung dịch thuỷcanh theo công thức Hoangland (hỗn hợp 3 bình A,B,C).
- Các bạn có thể hoàn toàn áp dụng các loại dung dịch thuỷ canh khác để trồng cây. Tuy nhiên nên lưu ý đến hàm lượng các chất có trong đó để điều chỉnh cho phù hợp. Thời kỳ phát triển thân, lá cây cần nhiều đạm; thời kỳ chuẩn bị ra hoa, đẻ nhánh, cây cần nhiều lân và đạm. Thời kỳ dưỡng quả thì cần nhiều lân và kali.

2.5. Lưu ý về sâu bệnh:
   Tương tự phần 1.5.
--------------------------------------------------------------------------------------
(*) Nói thêm về nguyên tắc sử dụng 4 đúng trong bảo vệ thực vật
              (nguồn: Sở nông nghiệp phát triển nông thôn nghệ an)
--------------------------------------------------------------------------------------

1. Nguyên tắc sử dụng đúng thuốc:

     Khi quyết định sử dụng thuốc BVTV cần phải biết rõ loài dịch hại cần tham khảo cán bộ chuyên môn BVTV hoặc ban nông nghiệp tại địa phương. Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Cần tìm hiểu kỹ xem loại thuốc định mua có an toàn với cây trồng sẽ được phun hay không đặc biệt chú ý khi mua và sử dụng thuốc trừ cỏ
     Thay đổi loại thuốc trong quá trình sử dụng, không nên sử dụng một loại thuốc trong thời gian dài hoặc từ năm này qua năm khác để ngăn ngừa hiện thượng quen thuốc, kháng thuốc của dịch hại .

2- Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng lúc:
     Phun thuốc vào thời điểm dịch hại dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn tuổi nhỏ đối với sâu và ở giai đoạn đầu đối với bệnh . Phun vào lúc trời má, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá. Hạn chế phun lúc cây đang ra hoa, không phun thuốc khi trời nắng nóng sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc hoặc trời sắp mưa có thể làm rửa trôi thuốc. Không phun thuốc vào thời điểm quá gần ngày thu hoạch (tuỳ thuộc vào thời gian cách ly của từng loại thuốc để xác định thời gian ngừng phun thuốc trước thu hoạch). Phun khi mật độ sâu, tỷ lệ bậnh đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế (điều này cần có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xác định đối với từng loại sâu, bệnh ở từng thời kỳ và mức độ sinh trưởng phát triển của cây trồng).

3. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng .
      Đúng nồng độ liều lượng ở đây bao gồm lượng thuốc và lượng nước trên đơn vị diện tích theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Không được tuỳ ý tăng nồng độ của thuốc cao sẽ gây hại cho người sử dụng, cây trồng, môi trường và làm tăng chi phí, hoặc phun ở nồng độ quá thấp sẽ làm cho dịch hại quen thuốc, kháng thuốc tạo nguy cơ bùng phát dịch.

4. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng cách .
      Về nguyên tắc này trước hết phải kể từ khâu pha thuốc. Khi quyết định sử dụng thuốc phải tính toán kỹ lượng thuốc và lượng nước cần sử dụng. Khi pha thuốc nên cho vào bình 1/3 – 1/2 lượng nước rồi cho nước vào rồi khuấy đều, sau đó tiếp tục cho đủ lượng nước còn lại vào khuấy kỹ để thuốc phân tán đều trong nước. Không tự ý hỗn hợp hay  nhiều loại thuốc BVTV với nhau bởi khi hỗn hợp có trường hợp làm gia tăng hiệu lực thuốc song có nhiều trường hợp hỗn hợp sẽ giảm hiệu lực thuốc, hoặc dễ gây cháy nổ, độc hại cho cây trồng và cho người sử dụng. Do đó chỉ thực hiện hỗn hợp thuốc nếu có hướng dẫn trên nhãn thuốc hay hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và sau khi hỗn hợp phải sử dụng ngay.
    Lưu ý: Thông thường chỉ nên phối trộn hai loại thuốc trong cùng một lần phun sẽ cho hiệu quả cao, đồng thời kiểm soát được tác hại ngược lại do quá trình phối trộn. Tuy nhiên, đa số bà con nông dân chưa hiểu rõ nguyên tắc phối trộn và tuỳ tiện phối trộn thuốc BVTV nên hiệu lực phòng trừ dịch hại thấp, ngoài ra còn gây ngộ độc cho cây trồng. Để giúp bà con sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn đối với cây trồng chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:
- Những nhóm thuốc bà con có thể pha trộn:
- Chỉ nên phối hợp các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc các nhóm gốc khác nhau thì hiệu quả mới cao như: thuốc nhóm lân phối hợp với nhóm các ba mát, lân + cúc, các ba mát + cúc, các ba mát + điều hòa sinh trưởng, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân
hoặc cúc.
- Chỉ nên phối hợp thuốc có các tác dụng khác nhau như (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, lưu dẫn.
- Chỉ nên phối hợp thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với thuốc trừ cỏ, trừ cỏ với phân bón.
- Không nên phối hợp thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng,
- Không phối hợp thuốc trừ sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh....
- Không phối hợp thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các loại thuốc gốc đồng như Coc 85, Coper B. Vì thuốc gốc đồng thường có tính kiềm cao, trong khi đó thuốc trừ sâu, trừ bệnh lại có tính axit. Khi pha trộn với nhau chúng sẽ trung hòa làm giảm hiệu lực thuốc.
     Để biết chắc chắn hơn bà con nên lấy một ít thuốc nguyên chất pha với lượng tương đương thuốc loại kia trong một cốc sành, sứ, thủy tinh, nhựa, dùng que khuấy nhẹ cho hòa tan để trong 2 - 5 phút. Quan sát nếu thấy có hiện tượng kết tủa bên dưới, đóng váng trên bề mặt, bốc khói tỏa nhiệt, sủi bọt hoặc biến đổi màu bất thường thì không nên pha trộn các loại thuốc đó với nhau để phun cho cây trồng.
    Nếu đã khẳng định trộn được 2 loại thuốc với nhau thì trong quá trình pha chế, bà con nên lần lượt cho từng loại thuốc thứ nhất vào bình rồi cho nước vào khoảng nửa bình khuấy đều sau đó cho loại thuốc thứ 2 vào rồi tiếp tục thêm nước cho đầy bình đủ lượng nước mình cần. Lưu ý trước khi pha thuốc trong bình phải có một lượng nước vừa phải và không nên cho 2 loại thuốc vào cùng một lúc, nồng độ của mỗi loại phải giữ nguyên như khi dùng riêng rẽ. Sau khi pha phải phun ngay.
Để tránh hiện tượng quen thuộc đối với các loại dịch hại trên cây trồng, khi sử dụng bà con cần luân phiên các nhóm thuốc có gốc khác nhau.
     Khi phun thuốc tuỳ vào đặc điểm, vị trí gây hại của từng loại dịch hại để hướng vòi phun sao cho tia thuốc tập trung vào nơi định phun để thuốc tiếp xúc được nhiều nhất với dịch hại,  không đi ngược chiều gió khi phun .
   



Dịch vụ Trồng Rau tại nhà

Hệ thống trồng cây OHF bao gồm các chậu có hình hoa, sáu cánh có thể xếp trồng lên nhau tạo thành hình trụ thắng đứng. Khi sử dụng hệ thống trồng cây OHF không những có thể tiếp kiệm được không gian, tăng năng xuất cây trồng mà còn tạo ra một không gian vườn 3D đẹp mắt. Với thiết kế đặc biệt, hệ thống trông cây OHF đảm bảo đủ không gian, ánh sáng cho cây rau, hoa phát triển bình thường mà lại hạn chế được sự phá hoại của sinh vật gây hại, giảm thiểu sự thoát hơi nước góp phần tiết kiệm nước.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply