Kỹ thuật trồng cây khổ qua (mướp đắng)
Ảnh: Giàn khổ qua |
1. Làm đất, gieo hạt
Ảnh: Cây khổ qua |
Cây Khổ qua không kén đất, yêu cầu đất tơi xốp, thoát nước tốt, không bị ngập úng. Đất trồng cần được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, lên liếp rộng 1,2m, cao 20-30cm, rãnh 30 - 40cm. Trồng vào mùa mưa, đất thoát nước kém làm liếp hẹp trồng 1 hàng và làm rãnh rộng để dễ thoát nước; trồng trong mùa nắng, đất thoát nước tốt làm liếp rộng và trồng hàng đôi cách nhau 80cm, cây cách cây 30cm. Nên dùng màng phủ̉ nông nghiệp để phủ trên mặt liếp nhằm hạn chế bốc thoát hơi nước cũng như sự mất phân, hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc.
Vào mùa nắng có thể gieo hạt trực tiếp vào đất và tưới đủ ẩm cho hạt nảy mầm, gieo mỗi lỗ 2 hạt. 7 ngày sau gieo tiến hành tỉa bỏ bớt những cây sinh trưởng kém chỉ để lại 1 cây khoẻ mập.
Vào mùa mưa, gieo hạt trưc tiếp sẽ bị hư nhiều, do mưa nhiều ngày hạt sẽ bị thối. Vì thế, để tiết kiệm giống và giảm thiệt hại ta có thể ngâm hạt trong nước ấm (3 sôi, 2 lạnh) trong 2 giờ sau đó vớt ra đem ủ hạt trong khăn sạch có tẩm nước ướt, khoảng 2 ngày hạt nứt nanh ta đem gieo vào trong những bầu đất (mỗi bầu 1 hạt). Chú ý, đừng để rễ mọc dài khi đem gieo rễ dễ bị gãy. Khi gieo, đặt hạt đứng cho đầu nhọn đã nứt nanh xuống dưới, phủ lên trên một lớp đất mỏng. Sau khi gieo khoảng 10 ngày có thể đem trồng ra ruộng sản xuất.
Khi gieo hạt trong bầu nên làm những liếp gieo và giàn che mưa giúp cho cây có điều kiện tốt nhất để phát triển. Hỗn hợp đất gieo gồm 1 phần đất + 1 phần phân chuồng hoai mục, được xử lý kỹ bằng các loại thuốc hóa học, nhằm phòng ngừa các loại nấm bệnh, côn trùng phá hoại.
Lượng hạt giống cần gieo cho 1.000 mét vuông khoảng 1,2 - 1.5kg.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công ty cung cấp hạt giống lai (F1) cũng như hạt giống thuần (OP), cần chú ý để chọn lựa. Hạt giống F1 thường cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt hơn nhưng về chất lượng, mẫu mã không hấp dẫn như giống OP.
2. Phân bón
Tùy theo chân đất tốt hoặc xấu mà ta có thể tăng hoặc giảm lượng phân bón. Lượng phân bón trung bình cho 1.000 mét vuông: phân hữu cơ hoai 2 tấn, super lân 30kg, urê 20kg, kali 10kg, bánh dầu 100kg, vôi 50kg. Chia làm các lần bón như sau:
Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + vôi + 20kg bánh dầu.
+ Bón thúc lần 1: 10 ngày sau gieo 5kg Urê 20kg bánh dầu.
+ Bón thúc lần 2: 20 ngày sau gieo 5kg urê + 5kg KCl+ 30kg bánh dầu.
+ Bón thúc lần 3: 30 -35 ngày sau gieo bón toàn bộ lượng phân còn lại.
Trong quá trình sinh trưởng có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá. Phun xen kẽ vào giữa các lần bón thúc, đặc biệt sau mỗi đợt thu để cây xanh bền và cho trái lâu, kéo dài thời gian thu hoạch.
3. Chăm sóc
- Nước tưới: Cần cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng, phát triển, nhất là giai đoạn cây ra hoa kết quả, tránh để ruộng quá khô hạn hoặc ngập úng. Đặc biệt chú ý việc thoát nước trong ruộng trong mùa mưa.
- Làm sạch cỏ dại và tỉa bỏ những lá bị sâu bệnh, nhánh gốc cho ruộng được thông thoáng.
- Cắm chà: Khi cây bắt đầu xuất hiện tua cuốn, tiến hành cắm chà làm giàn, có thể cắm kiểu chử A, X và giăng dây cho cây leo kịp thời, sửa nhánh cho dây phân bố đều, không chồng đè lên nhau giúp cây đậu quả tốt.
Nên dùng lưới Nylon phủ lên giàn leo thay cho chà tre và giăng dây rất đỡ tốn công, dây leo phân bố đều, có thể sử dụng lưới lại nhiều lần.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Sâu xanh: Xuất hiện khi cây lên giàn và bắt đầu ra hoa, sâu thường nằm trong những kén lá cuốn tròn nên phun thuốc diệt khá khó khăn. Phun thuốc khi sâu tuổi nhỏ kết hợp diệt sâu bằng tay, phun luân phiên các thuốc sau: Atabron 5EC, Cyper 25ND, Sumix 5EC...
Nhện, bọ trĩ, rầy: Xuất hiện trong mùa nắng, ruộng khô. Nếu xuất hiện ở mật số cao cần xử lý bằng các lọai thuốc BVTV sau, và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo.
+ Bọ trĩ, rầy: Confidor và các loại thuốc gốc Pyrethroid
+ Nhện đỏ: Confidor, Comite
Các loại bệnh khác: Phun Ridomyl, Alietle, Mancozeb, Carbendazim... kết hợp tỉa bỏ các lá bệnh nặng.
Lưu ý:
Khi sử dụng thuốc cần phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và thời gian cách ly.
KS. Hoàng Văn Ký
Không có nhận xét nào: