Mỗi dịp tết đến xuân về, trong mỗi gia đình ngoài Bắc thường có cây Đào, cây Quất làm cảnh để đón tết, còn trong Nam thì lại có Mai vàng rực rỡ, chào đón sắc xuân. Cũng bởi khí hậu, thời tiết thuận lợi cho cây hoa phát triển nên Đào thì hợp với không khí lạnh do đó được trồng ngoài Bắc, đặc biệt là các vùng núi cao như Sapa, Lai Châu, Điện Biên,... và cả dưới thành phố nữa còn miền Nam khỏi nói ai cũng biết, khí hậu quanh năm nắng nóng, có 2 mùa chính là mùa mưa và mùa nắng. Do đó, cây Mai rất thích hợp và phát triển thuận lợi với nền khí hậu này.
- Bài viết dưới đây tổng hợp một số kinh nghiệm trồng và chăm sóc mai sau tết của tác giả: Minh Cao - Diễn đàn cây cảnh Việt Nam.
- Những kinh nghiệm này chủ yếu áp dụng được cho cây mai trồng trong chậu và thời tiết miền Nam. Với miền Trung, các bạn tham khảo thêm để vận dụng tuỳ trường hợp.
-------------------------------------------------------------------------------------
Cây mai vàng rất đẹp |
----------------------------------------------------
PHẦN I. TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MAI
----------------------------------------------------
Trong diễn đàn, nhiều bạn thấy có những cây mai nụ to và có hỏi: phải dùng thuốc gì, chất kích thích gì hoặc phân bón gì để có được như thế? Các bạn hỏi trong giai đoạn gần cuối năm thì không ai giúp các bạn được cả. Muốn được cây mai có nụ sai, to, hoa nở đẹp thì việc chăm sóc cây ngay từ sau Tết mới quyết định. Các bạn muốn có được những cây mai đẹp để chưng trong năm Tân Mão thì sau Tết các bạn phải làm những việc như sau:
Giai đoạn sau Tết rơi vào các tháng 1,2,3,4 âm lịch, mùa nầy miền Nam rất nóng, kể từ cuối tháng 3, sang đầu tháng 4 mới có vài cơn mưa đầu mùa.
- Mai được chưng trong mấy ngày Tết thường từ 30 đến mồng 6 Tết, nếu cây chưng ngoài sân hay chưng ở hành lang không bị mất sức nhiều lắm còn cây chưng trong nhà thì không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời nên hiện tượng quang hợp không thực hiện được bao nhiêu, lá phát triển mới thường có màu xanh nhợt nhạt, lá mỏng, cành phát triển dài và yếu. Chủ nhà nhiều khi không tưới một ít nước mỗi ngày mà đôi khi đổ cả bia, nước ngọt… vào gốc mai. Chưa kể đến việc dùng thuốc kích thích ra hoa, giữ hoa không rụng làm sáo trộn sinh lý của cây. Cây mai đã dồn nhựa ra để nuôi hoa đẹp, lại phải thiếu điều kiện sống trong một tuần lễ nhiều cây đã bị kiệt sức đi rất nhiều. Nếu không chăm sóc tốt thì năm sau, Mai sẽ không còn hoa nữa, có khi bị sâu bệnh tấn công và có thể chết đi.
- Mai được đem ra ngoài càng sớm càng tốt, phải đặt cây nơi có bóng râm để lá không bị cháy khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Lặt bỏ tất cả các hoa dù nở hay chưa nở (cả nụ còn lại) để cây không mất dinh dưỡng nuôi đài hoa tạo hạt, các lá dù xấu cũng để nguyên như vậy. Dùng 5g urê (1 muỗng café nhỏ) pha với 10 lít nước tưới gốc cây và phun lên cả cây. Nếu thấy cây hồi sức lại (lá xanh hơn, tược non phát triển…) thì không cần phải phun thuốc kích thích chồi lá nữa, trường hợp cây có vấn đề thì mới sử dụng thuốc kích thích phun với liều lượng ít hơn liều lược được hướng dẫn.
- Khi cây lợi sức thì đưa từ từ ra nắng để cây quen dần, nó sẽ phát triển chồi, lá rất nhanh
- Chú ý rằng đây là giai đoạn bọ trĩ và nấm hồng hoạt động (lá non, trời nắng nóng) nên pha chung hai loại thuốc có hoạt chất: Hexaconazole (Anvil) Fipronil (Regent) phun lần đầu khi tược non vừa phát triển và làn sau khi lá vừa già (khoảng 20 ngày sau).
- Nếu năm bình thường thì việc tỉa tán cho mai nên thực hiện vào khoảng từ ngày 20 tháng 1 đến cuối tháng, nếu năm nhuận thì chờ đến rằm tháng hai mới tỉa tán. Các bạn chú ý việc tỉa tán rất quan trọng nó sẽ:
- Tạo lại dáng, tán lá cho cây.
- Khi cành bị cắt đi, tược non sẽ phát triển tạo nên cành mới và mang theo cả chồi trên nách lá, chồi nầy có thể biến thành tược hoặc nụ phụ thuộc vào quang kỳ, phân bón, nhiệt độ và một số yếu tố khác. Những cây không tỉa cành chắc chắn sẽ không cho hoa nhiều bằng các cây tỉa cành ngay từ đầu năm. Trong việc tỉa cành các bạn chú ý rằng: Cành tỉa càng gần thân thì tược phát triển càng mạnh, nhưng khi chồi phát triển có thể là nhiều chồi nên ta chỉ chọn một chồi theo đúng vị trí mong muốn để lại và lảy bó các chồi còn lại ngay từ khi mới hình thành. Tuỳ theo sự dịnh dạng cho cây, khi chồi phát triển từ 6 lá trở lên ta nên bấm đọt để cành nhảy tược mới, có thể bấm đọt tiếp sau đó để tạo tán lá hoàn chỉnh theo ý.
- Khi cây nhiều lá thì bón phân : Vì chưa thay đất nên sử dụng phân vô cơ để có tác dụng nhanh như loại 16-12-8-11 TE của Bình Điền hoặc phân NPK tương đương (Không nên bón DAP giai đoạn nầy nụ hoa hình thành sớm mai có thể nở trước). Có thể dùng phân bón lá loại 30-20-10 để phun lên tán cây.
- Trong trường hợp nầy cây chỉ mất dinh dưỡng cho hoa phô hương sắc trong mấy ngày Tết nhưng cây vẫn đủ nắng để thực hiện quang hợp. Nên sau những ngày Tết bộ lá phát triển tốt, ta có thể cắt tỉa cây, lảy hết hoa và nụ còn lại trên cây và thấy mai phát triển mạnh có thể tiến hành thay đất, thay chậu cũng được. Muốn bón phân thì chỉ nên phun phân bón lá thôi còn bón gốc phải chờ khoảng 2 tuần cho rễ non phát triển mới bón được. Cũng phải xử lý thuốc trừ sâu bệnh như cây mai chưng trong nhà.
- Cuối tháng 3, đầu tháng 4 miền Nam bắt đầu có những cơn mưa vào mùa, việc thay đất cho cây vào gần cuối tháng 3 là hợp lý. Cây trồng trong chậu nếu chất trồng chủ yếu bằng tro, xơ dừa thì mang cây ra khỏi chậu dễ dàng nếu rễ đã phát triển đầy chậu. Dùng dao thật bén gọt bỏ phần rễ già (có màu vàng sậm, khô), dùng bay nhỏ hoặc cây nhọn cạy bỏ bớt đi một phần đất trồng lâu năm. Trước khi đưa mai vào chậu trở lại cần kiểm tra lại các lổ thoát nước, dưới đáy chậu cần lót một lớp phân hữu cơ, phủ lên trên một lớp chất trồng rồi mới đặt lại cây vào (không để rễ tiếp xúc trực tiếp với phân), bổ sung cho đủ chất trồng, ém chặt cho cây cứng gốc. Cũng cần chú ý là lớp phân hữu cơ và phân tro sẽ phân huỷ một thời gian cây sẽ bị lún xuống, vì thế nên đặt cây có gốc cao hơn mặt chậu để khi ổn định ta có vị trí cây như ý. Nếu mai có chất trồng chủ yếu là đất thịt thì việc thay đất khó hơn, các bạn phải dùng bay moi quanh góc sát chậu hơn nửa vòng rồi lắc mạnh, mai sẽ tách khỏi chậu và có thể mang ra cắt bớt rễ, thay đất cho cây. Thông thường, nếu cây lớn trồng trong chậu nhỏ và nhất là trồng bằng tro trấu-xơ dừa thì mỗi năm phải thay đất 1 lần (khi thấy rễ mai bám đầy cả thành chậu). Trường hợp trồng bằng đất thịt rễ chưa bám nhiều có thể hai năm hoặc 3 năm thay cũng được (xem sự phát triển của cây)
- Không cần bón phân hữu cơ nhiều trong giai đoạn nầy, với số phân bón lót hoặc phun phân bón lá vô cơ một ít cũng đủ cho mai phát triển trong đầu mùa mưa. Cộng với những cơn mưa đầu mùa, khí trời mát hẳn , sấm sét tổng hợp chất đạm tự nhiên trong không khí và đất làm cây phát triển mạnh hơn.
- Công việc chăm sóc mai sau Tết coi như hoàn chỉnh, làm các việc trên các bạn đã chuẩn bị thật tốt cho cây mai để nó tích luỹ chất dinh dưỡng trong mùa mưa, tạo nụ hoa để cho những hoa thật đẹp vào Tết tới.
Tết Nguyên Đán năm Tân Mão rơi đúng vào ngày 3 tháng 2 năm 2011 đúng vào tiết Lập Xuân (4/2/2011), nếu không có biến động nhiều về thời tiết thì đó là một năm rất thuận lợi cho việc trồng mai. Ra công chăm sóc để có được cây mai đẹp đó là một niềm vui, hãnh diện của người trồng mai.
----------------------------------------------------------------------------------
PHẦN II. NHỮNG “VẤP VÁP: CỦA NGƯỜI MỚI CHƠI MAI
----------------------------------------------------------------------------------
Trên diễn đàn, nhiều bạn đã nhờ cứu giúp cây mai của các bạn, nào là thối rễ, nào là tược vừa ra bị héo, nào là…. Các bạn ấy thường là những người rất yêu thích mai nhưng chỉ mới vào nghề chăm sóc mai. Thật sự nghe các bạn kêu như thế, chúng tôi sót xa lắm và cũng nhớ lại ngay bản thân mình từ lúc mới chơi mai cũng đã giết biết bao cây rồi, cũng đã tốn hết bao nhiêu tiền “đóng học phí” rồi mới chăm sóc được cây mai để nó nở đúng Tết. Chưa kể đến việc muốn có cây mai có dáng thế đẹp, không có kinh nghiệm gì mà đã cắt, tỉa để nó không còn giống ai cả.
Qua sự trình bày thật tình của các bạn, tôi rút ra được một vấn đề chính như sau:
- Do tâm lý nôn nóng: Đây là vấn đề chính yếu làm cho các bạn thất bại trong việc chăm sóc mai. Rất dễ thông cảm với các bạn thôi, những người yêu thích mai khi đã trồng thì muốn cho cây mai của mình thật đẹp, thật mau lớn, vì thế các bạn thường bón phân quá nhiều cho mai. Mới bón phân mấy ngày hôm trước thấy mai vẫn thế rồi lại bón tiếp, thấy mai vẫn thế rồi lại bón tiếp làm mai bị bội thực dẫn đến “sốc” phân, cây chẳng những không tốt mà còn có thể bị chết nữa. Ta biết rễ mai có tầng lông hút (nằm trên chóp rễ một chút) chính là bộ phận hấp thụ chất dinh dưỡng được cung cấp bởi phân bón. Nó hấp thụ phân bón dưới dạng muối khoáng tan trong nước dưới dạng phân tử, những phân tử nầy được giải phóng ra từ phân bón hữu cơ (qua quá trình phân giải) hay trực tiếp từ phân vô cơ. Muốn thấy được kết quả của việc bón phân nầy thì đối với phân vô cơ cũng phải mất cả tuần trở lên và phân hữu cơ phải cả tháng. Sự nôn nóng bón phân quá nhiều làm cây bị hư đi.
- Nước tưới cũng thế: Tâm lý các bạn bao giờ cũng muốn tưới nhiều nước vì nghỉ rằng mai sẽ có đủ nước để phát triển nhanh hơn. Ngay cả tháng mưa chỉ cần từ sáng tới chiều trời không mưa thì các bạn đã xách nước tưới cho cây rồi. Nước nhiều quá cây có phát triển được không? Xin nói ngay là không mà nước luôn ướt đẫm lại làm cho rễ không trao đổi với không khí không được vì vậy một số lông hút lại bị hư đi, bộ phận hấp thụ nước và muối khoáng không còn thì làm sao cây có đủ dưỡng chất được. Cây sống trên nước nhưng không có nước để nuôi cây. Đây là hiện tượng “hạn sinh học”
- Việc phun thuốc trừ sâu bệnh cũng vậy: Có bạn hỏi tôi: “Sao em phun thuốc trị rỉ sắt cho cây đã ba lần rồi mà lá nó vẫn không hết”. Tôi phải yêu cầu bạn ấy ngưng việc phun thuốc lại ngay, dùng vòi nước xịt rửa cây ngay, nếu không chưa chắc cái gì sẽ xẩy ra cho cây mai ấy. Bạn ấy hiểu rằng người ta bệnh khi uống thuốc hết bệnh thì trở lại bình thường, cây bị bệnh khi phun thuốc hết bệnh thì sẽ không còn dấu hiệu của bệnh nữa mà không biết rằng khi phun thuốc có tác dụng thì bệnh không phát triển nữa là đạt rồi, một thời gian nữa lá bệnh sẽ bị rụng đi và lá xanh tưoi mới sẽ thay thế nó. Và …..
- Do không nắm được đặc điểm sinh lý của cây mai: Mai là loại cây có nguồn gốc hoang dã nên sức sống rất mạnh. Sống với thiên nhiên, dù cho khắc nghiệt đến đâu mai vẫn không chết được , chỉ có phát triển nhanh hay chậm mà thôi. Khi đưa mai ra khỏi môi trường sống tự nhiên của nó thì các biến động dù nhỏ cũng có ảnh hưởng đến cây. Cây mọc hoang trên đất sống bằng nước mưa và ẩm độ của đất, khi ta mang về trồng trong chậu, tưới bằng nước máy với chất khử trùng. Trong tự nhiên cây hấp thụ chất dinh dưỡng bằng quy trình hoá mùn tự nhiên, mang về ta cứ cho nó ăn bằng thức ăn nhanh thì làm sao không ảnh hưởng. Ta lại thay đổi đột ngột môi trường sống của nó nay thì mang chưng trong nhà ngày khác lại mang ra ngoài sân… Nói chung là ta vô tình làm mai bị xáo trộn về sinh lý rất nhiều, vì thế sức đề kháng tự nhiên giảm nhiều nên mai dễ bị bệnh. Đặc tính sinh lý của mai có rất nhiều vấn đề như: Nhiệt độ, ánh sáng, cơ chế của việc tạo nụ hoa, sự phát triển các bộ phận như rễ, thân lá… không thể trình bày được trong phần này nên chỉ trình bày sơ qua về các nguyên nhân làm cây mai bị xáo trộn về sinh lý mà thôi.
Để giúp cho các bạn mới chơi mai không phải chịu thất bại nhiều trong việc chăm sóc mai, tôi xin nêu ra một số nguyên tắc như sau và rất mong các bạn có nhiều kinh nghiệm góp ý bổ sung dùm cho hoàn chỉnh hơn:
- Các nguyên tắc xoay quanh vấn đề chính là: Tưới nước, bón phân và phun thuốc trừ sâu bệnh:
a.Tưới nước:
- Tưới nước vừa đủ ướt đất trong chậu, không tưới nước quá nhiều và tưới nhiều lần trong ngày làm rửa trôi các chất dinh dưỡng và hư lông hút. Chỉ tưới khi mặt đất tại gốc mai bị khô.
- Chỉ tưới nhiều khi trời nắng và gió nhiều, Thời gian tưới thích hợp là sáng trước 9 giờ, chiều tưới xong trước 17 giờ.
- Kiềm tra lỗ thoát nước của chậu thường xuyên để không bị đọng nước lâu trong chậu.
- Bón phân ít và bón nhiều lần hiệu quả vẫn cao hơn bón một lần với số lượng lớn.
- Bón thiếu vẫn tốt hơn bón thừa (Bón đủ là tốt nhất nhưng khó xác định bón bao nhiêu là đủ).
- Chỉ nên bón tập trung vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, trời mưa dầm không bón phân.
- Không bón phân khi trời đang nắng nóng (nhất là phân bón lá). Không bón trực tiếp vào rễ cây
- Luôn đứng trên hướng gió để phun thuốc, mang khẩu trang, áo mưa để tự bảo vệ mình
- Phun cả trên tán lá, phía dưới dạ lá với giọt sưong nhỏ
- Pha thuốc theo liều lương hướng dẫn của nhà sản xuất, và chỉ phun lại sau 1 tuần lễ
Trên là một số nguyên tắc cơ bản trong việc chăm sóc mai. Các bạn nên nhớ rằng không nên nôn nóng quá chẳng những không làm cho mai tốt được mà có thể làm mất cả công sức, tiền bạc đã đổ vào cây mai.
--------------------------------------------------------------------
PHẦN 3. QUY TRÌNH CHĂM SÓC MAI TRONG NĂM
--------------------------------------------------------------------
Mai thuộc loại kiểng hoa nhưng nó cũng có thể tạo thành kiểng dáng, kiểng thế hoặc bonsai đều rất đẹp, ít có loại cây nào được như thế, trồng mai người ta thường để ý đến hoa nhiều hơn. Để có cây mai đẹp chưng trong các ngày đầu Xuân ngoài việc chăm sóc, tạo dáng thế thích hợp thì việc chăm sóc để chuẩn bị cho hoa nở vàng trong các ngày Tết là việc phải làm cả năm mới quyết định.
Mai cũng như các loại cây khác, nó phát triển phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mà thời tiết lại phụ thuộc phần lớn vào chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời, nói cách khác chăm sóc mai phải dựa vào dương lịch (dl) mới chính xác nhưng Tết Nguyên Đán lại căn cứ vào âm lịch (âl). Chúng ta để ý xem nếu mai trổ rộ nhằm vào tiết lập xuân thì hoa trổ nhiều và đẹp tươi hơn nở các thời điểm khác. Việc nầy rất khó cho người chăm sóc mai (ncsm) nhất là gặp năm nhuận như năm nay thì tiết lập xuân rơi vào ngày 4 tháng 2 dl mà Tết lại là ngày 14 tháng 2 dl. Như vậy năm nay để điều khiển hoa nở ncsm phải có biện pháp điều chỉnh phân bón, nước tưới, bộ lá hợp lý mới đạt kết quả cao được (không nói đến yếu tố thời tiết bất thường).
Quan sát công việc của nhà vườn, ta thấy họ làm theo một quy trình nhất định (do thói quen họ không gọi là quy trình) tháng nào làm việc gì đều như có lịch cả. Trong bài nầy tôi đề nghị một quy trình chăm sóc mai cho cả năm để các bạn tham khảo và khi thực hiện thì tự điều chỉnh cho hợp hoàn cảnh địa lý nơi ở của mình. Tôi tạm chia công việc làm 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn có 2 tháng âm lịch. Chủ yếu công việc trình bày ở đây trên cây mai trồng trong chậu
* Công việc tháng giêng và tháng hai (giai đoạn hồi sức):
Mai được chưng trong nhà nhiều ngày bị thiếu ánh sáng, lá có màu xanh lợt, có khi người chưng quên không tưới nước lại đổ bia, nước ngọt vào gốc, vì vậy mai bị mất sức (nếu không gọi là kiệt sức) rất nhiều, nhất là sau giai đoạn cây phô hết nội lực của mình ra khi trổ hoa, nên việc đầu tiên của ncsm là phải “hồi sức” cho mai bằng cách:
- Đưa chậu mai ra ngoài sân nới có bóng mát và thoáng (để cây dưới nắng sẽ bị cháy lá)
- Sau những ngày Tết hoa vẫn chưa tàn hết hoặc còn một số nụ chưa nở dùng kéo cắt tất cả hoa trên cây, kể cả hoa đã nở và hoa chưa nở để nhựa tập trung nuôi cây thay vì nuôi đài hoa tạo hạt.
- Pha phân Urê thật loãng (1 muỗng caphê nhỏ pha với ít nhất 8 lít nước) tưới trên cây từ ngọn xuống đất cho ướt cả cây, hoặc có thể dùng thuốc kích thích chồ, lá phun đều trên cây). Công việc nầy chỉ thực hiện vào buổi chiều trời thật mát. Mỗi tuần tưới một lần Chưa vội xả tàn lúc nầy.
- Từ rằm tháng giêng trở đi nếu cây sung lại ta có thể xả bớt 1/3 tàn, nhất là những cành bị nấm, sâu bệnh mọc chéo phải cắt đi hết. Chú ý không nên cắt một lúc hết lá trên cây làm cho sự hô hấp và quang hợp bị gian đoạn cây lại bị mất sức lần nữa. Các bạn chú ý là các cành phía trên thường non hơn các cành bên dưới lại nhận được ánh sáng (quang hợp) nhiều hơn nên cành phía trên phát triển mạnh hơn cành bên dưới, vì thế khi tỉa cành thì những cành bên dưới không nên cắt ngắn quá, vì như thế cành bên dưới chưa phát triển bao nhiêu thì bị cành phía trên che hết rồi. Nguyên tắc tỉa cành chung là “dưới dài-trên ngắn”. Công việc tỉa thêm cành ta có thể ngấm nghía rồi thực hiện từ từ trong tháng giêng cũng được.
* Trong đầu tháng hai:
Nếu cây trồng trong chậu có rễ ra bít hết chậu thì phải thay đất mới cho cây , nếu mai trồng bằng hỗn hợp xơ dừa, tro trấu thì các bạn có thể đưa mai ra khỏi chậu, dùng dao bén gọt bớt các rễ già xung quanh chậu (rễ già có màu nâu sậm và hơi khô), sau đó đưa cây lại vào chậu và bổ sung chất trồng hổn hợp. Nếu mai trồng bằng đất thịt thì dùng cái bay nhỏ moi xung quanh chậu sâu xuống phía dưới chậu, chặt bớt rễ già quanh chậu bỏ bớt đất và rễ đi, đưa đất thịt (trộn thêm xơ dừa) vào thay phần đất cũ. Chú ý là không nên bón phân lúc nầy vì rễ bị chặt mất nên khả năng hấp thụ kém, chất dinh dưỡng sẽ theo nước tưới ra ngoài. Muốn vô phân ít nhất phải nửa tháng nữa mới thực hiện. Trong trường hợp cây chưa cần phải thay đất, ta có thể bón phân cho cây lúc nầy.
Trong giai đoạn nầy vì trời miền Nam nắng nhiều nên phải chú ý tưới nước ít nhất mỗi ngày 2 lần cho chậu trồng bằng chất trồng hỗn hợp và một lần cho chậu trồng bằng đất thịt. Quan sát trên mặt chậu thấy đất khô mới tưới và cũng đặc biệt chú ý đây là giai đoạn bọ trỉ hoạt động nên phun thuốc ngừa hoặc quan sát thường ngày nếu thấy có hiện tượng bọ trỉ tấn công phải phun thuốc ngay.
* Công việc tháng ba và tháng tư (giai đoạn ổn định)
Ta biết ở miền Nam trời sẽ có những cơn mưa vào cuối tháng ba (âl), từ sau những cơn mưa đầu mùa, mai bắt đầu phát triển mạnh. Để chuẩn bị đủ dinh dưỡng cho mai phát triển thì ngay từ đầu tháng ba ta nên bón phân cho mai nhất là phân hữu cơ như bánh dầu, Dynamix Lifter, hoặc phân chuồng để có đủ thời gian cho phân giải phóng chất đạm cung cấp cho cây. Nếu bón phân vô cơ thì chậm hơn khoảng sau 20 tháng 3 cũng được. Khi những cơn mưa đầu mùa làm mát dịu không khí nếu mưa kèm theo nhiều sấm sét (sấm sét tổng hợp chất đạm cho đất) thì mai bung tược rất nhanh, rễ non cũng phát triển mạnh. Cây cần lượng dinh dưỡng lớn, nếu có đủ chất thì chồi non sẽ vượt nhanh làm nền cho chồi hoa phát triển trong những tháng sau. Từ sau những cơn mưa cuối tháng ba sang tháng tư thì nhiệt độ trong không khí dao động có biên độ lớn, lúc thì mát, lúc oi bức. Giai đoạn nầy nấm hồng phát triển mạnh, cần thiết phải cắt tỉa bớt những cành có dấu hiệu bệnh, tạo thông thoáng cho cây, phun thuốc ngừa hoặc trị bệnh cho cây.
* Công việc tháng năm và tháng sáu (giai đọan tích luỹ):
Tháng 5 và tháng 6 là giai đoạn cây tích luỹ chất dinh dưỡng nên phát triển rất mạnh. Đây là giai đoạn ổn định dáng thế cho cây. Tược non phát triển mạnh ncsm phải uốn nắn để tạo dáng cho mai hoặc bấm đọt để tạo tán cây theo ý muốn. Đây là giai đoạn tạo dáng tốt nhất cho cây, không nên để cành ra dài mới cắt làm mai bị mất sức, cành nào không muốn phát triển phải bấm đọt ngay để chất dinh dưỡng tập trung nuôi chồi khác. Nếu không là năm nhuận thì trong tháng 6 ta tạo dáng lần cuối cùng (năm nhuận có thể thực hiện trong tháng 7). Để chồi nách thành nụ hoa ta giảm hẳn phân đạm (chỉ dùng một lượng nhỏ để giữ cân đối dinh dưỡng cho cây), tốt nhất là không sử dụng phân vô cơ nữa . Để hình thành nụ tốt cần tăng lượng lân lên bằng cách bón phân hữu cơ (nếu dùng phân Dynamix lifter càng tốt) và trộn chung với phân lân vi sinh, nếu trồng trong chậu không sử dụng nhiều quá và phía trên phân vi sinh phải có một lớp đất mỏng để phân lân vi sinh phát huy tác dụng (trường hợp mai trồng ngoài đất thì sử dụng lượng cao hơn). Chú ý rằng đây là giai đoạn mưa tăng dần về lượng , thường xuyên kiểm tra nấm bệnh cho cây, tốt nhất nên phun thuốc ngừa nấm bệnh để phòng các bệnh cháy lá, rỉ sắt, thán thư, nấm hồng… bọ trĩ cũng còn phá hoại cây trong giai đoạn nầy (đã giảm nhiều so với các tháng trước) cũng cần để ý để phòng trị chúng... Một số nụ hoa cũng hình thành từ tháng 6 âl. Nếu cây phát triển không cứng cáp lắm cần bổ sung thêm phân kali.
* Công việc tháng bảy và tháng tám (giai đoạn phát triển nụ hoa) :
Đây là giai đoạn phát triển nụ hoa của mai lại nhầm vào giai đoạn trời mưa dầm, lúc nào thân cây và lá cây cũng bị ướt nên nấm mốc, rêu dễ phát triển, đất trong chậu cũng ẫm ướt phải thường xuyên kiểm tra xem chậu có bị đọng nước không? Nếu thấy đất trong chậu thoát nước chậm hoặc đọng nước phải kiểm tra và thông lỗ thoát nước cho chậu. Phải có gắng giữ bộ lá cho cây để việc quang hợp được thuận lợi, nụ hoa phát triển hoàn chỉnh hơn. Trường hợp để sâu rầy hoặc nấm lá phá họai một phần lá bị rụng đi và cây có thể trổ hoa khi trời giảm mưa. Chú ý từ tháng 7 trở đi (cao điểm tháng 8) nhện đỏ bắt đầu phát triển, đây là loại côn trùng tấn công phía trên lá từ bánh tẻ đến là già, lớp biểu bì mặt trên lá bị hư gây khó khăn cho việc quang hợp của cây. Kể từ rằm tháng 7 trở đi việc bấm đọt, tỉa cành đều phải ngưng hẳn. Chú ý kiểm tra thường xuyên vườn nếu thấy có hiện tượng sâu bệnh phải phun thuốc phòng trị ngay. Nếu không cần thiết thì không nên thay chậu trong những tháng mưa dầm. Kiểm tra chậu thường xuyên xem có bị bít lỗ làm nước đọng hay không nếu nước thoát chậm phải thông ngay lỗ thóat nước, nếu để nước đọng lâu một phần lông hút bị hư ngăn cản việc hấp thu nguồn dinh dưỡng của cây.
* Công việc tháng chín và tháng mười (giai đoạn hình thành):
Trong giai đoạn nầy vẫn còn mưa dầm vào đầu tháng 9 sau đó giảm dần đến cuối tháng 10 thì giảm hẳn, nụ hoa đã hình thành và sẵn sàng bung ra khi đủ điều kiện, vì vậy ncsm phải biết điều chỉnh bộ lá cho cây, tay nghề hơn thua nhau là ở giai đoạn nầy, nếu để mai ít lá quá thì có khả năng sẽ nở khi mưa giảm hẳn, để mai nhiều lá quá thì nụ hoa không phát triển tốt được và có lúc mai lại bung cành non nữa. Vì vậy việc điều chỉnh bộ lá cho mai rất cần thiết (phải dựa vào kinh nghiệm từng vùng). Nguyên tắc chung là không sử dụng phân có hàm lượng đạm cao trong giai đoạn nầy nhưng nếu bộ lá quá ít lại già quá thì phải dùng phân bón lá loại 20-20-10 phun để tạo thêm lá non kềm giữ sự phát triển nụ thành hoa. Trường hợp cây còn bộ lá xanh rợp ncsm phải biết xiết nước để một ít lá mai vàng và rụng đi giảm bớt bộ lá để nhựa nuôi chồi hoa. Việc nầy rất nguy hiểm nếu ta đánh giá không đúng làm lá rụng quá nhiều làm mai bung nếu không kinh nghiệm và không có thời gian theo dõi khi xiết nước thì không nên làm. Trường hợp mưa giảm, trời nắng nhiều phải tưới cây ít nhất mỗi ngày một lần.
* Công việc tháng mười một và tháng mười hai (giai đoạn hoàn chỉnh):
Chăm sóc tốt trong giai đoạn nầy quyết định cho chất lượng hoa Tết. Ta biết trong lúc nầy nụ hoa sẳn sàng bung nụ khi có điều kiện nhưng để hoa trổ đạt chất lượng hơn như: hoa lâu tàn hơn, màu tươi hơn, lượng hoa mỗi nụ nhiều hơn và hoa thơm hơn thì phải gia công thêm nữa vì thế việc bón thúc là cần thiết. Từ cuối tháng mười hoặc chậm nhất là đầu tháng mười một phải bón thúc cho mai. Việc bón thúc không sử dụng phân hữu cơ mà phải dùng phân vô cơ mới có tác dụng tốt. Để làm tăng chất lượng hoa ta bón cho mai phân lân và kali. Phân lân có thể rãi trên mặt đất mỗi cây khỏang 200 g hoặc pha nước tưới vào gần gốc mai (phân không tan hoàn toàn trong nước), phân kali thì pha 1 muỗng caphê nhỏ với 5 lít nước tưới lên đất gần gốc mai, chỉ cần tưới 2 lần cách nhau một tuần. Có người còn dùng phân bón lá loại thúc ra hoa để phun xịt (xin tìm hiểu kỹ tác dụng của phân), có thể phun từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 7 ngày.. Đầu tháng 12 có thể bón thêm một ít phân Úc để giúp cây sau khi trổ không mất sức nhiều và hoa ít rụng hơn. Cuối cùng ncsm phải “canh” để lảy lá , lá được lảy vào thời điểm nào phải do kinh nghiệm ncsm quyết định dựa vào diễn biến của thời tiết, phải dựa vào độ lớn nhỏ của chồi nụ, phải dưạ vào tán lá của cây… (đã có rất nhiều tài liệu nói về vấn đề nầy, xin không trình bày thêm). Sau khi lảy lá không cần phải tưới nhiều nữa nhưng không được để mai bị khô gốc. Hàng ngày quan sát diển biến của mỗi cây nhất là sự phát triển của nụ hoa để điều chỉnh nước tưới hoặc dùng các biện pháp khác để điều chỉnh cho nụ bung vỏ lụa vào ngày đưa Ống Táo .
-----------------------------------------------
PHẦN 4. NƯỚC TƯỚI VỚI CÂY MAI
-----------------------------------------------
I/ Vai trò của nước trong đời sống cây trồng:
Trong tự nhiên, nếu không có nước thì không có sự sống kể cả con người, động vật, thực vật và cả những sinh vật bé nhỏ như vi khuẩn… Ai có trồng tỉa thì cũng đều biết nước đóng vai trò bậc nhất đối với cây trồng. Một cây nếu thiếu phân bón chỉ suy dinh dưỡng chứ khó có thể chết được nhưng chỉ cần khô nước tuỳ loại cây với một thời gian nào đó thì khó có thể tồn tại được. Như vậy nước ảnh hưởng chính đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Nước có trong đất và độ ẩm của không khí. Nếu không có nước thì cây không thể thực hiện quang hợp được. Cây hút nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây, nhờ đó tế bào mới có thể trao đổi chất được bình thường. Trong các loại cây từ thân mộc đến thân thảo có chứa từ 60%-90% nước trong cây.
Với kinh nghiệm vàng của ông cha ta trong việc trồng tỉa là “nhất thuỷ, nhì phân, tam cần, tứ giống” quả thật là chính xác. Như vậy, ta thấy nước đóng vai trò chính cho sự tồn tại của cây.
II /Mai hấp thụ nước thế nào?
- Nước dùng để tưới không phải là nước nguyên chất mà trong đó nó hoà tan rất nhiều, rất nhiều chất khác như các muối khoáng, chất hữu cơ, các loại vi khuẩn… mỗi một chất hoà tan đều có một nồng độ cho phép thì mới sử dụng để tưới cây được, nếu những chất nầy vượt quá thì nước ở dưới dạng ô nhiễm, tuỳ theo sự ô nhiễm nhiều ít, ô nhiễm chất gì mà có cây chịu đựng được, có cây không chịu được Sự hoà tan các chất trong nước cũng quyết định độ PH (tính acide hay bazơ) của nước.
Trồng cây ta dùng nước để tưới, nước nầy tuỳ thuộc vào điều kiện có được ở từng nơi như ở thành phố chỉ dùng nước máy (thuỷ cục), người ở đất giồng, đất gò cao thì phải dùng nước giếng, người ở đồng ruộng thì dùng nước ao hồ, nước sông tưới cây. Các loại nước có những đặc điểm riêng:
- Nước mưa rất tốt cho cây trồng nhưng ta không thể dự trữ nước để tưới cây cho cả năm. Tuy nhiên hiện nay các vùng gần khu công nghiệp ngay cả nước mưa cũng bị ô nhiễm nhất là nước có tính acide nhưng cũng không cao lắm.
- Nước ao hồ thường là nước mưa đọng lại, loại nước nầy có hoà tan thêm một số khoáng chất có trong đất, nước ao cũng thường có thêm một số tảo phát triển trong nước và cả số vi khuẩn mang lại mầm bệnh cho cây.
- Nước sông cũng tương tự như nước ao, tuy nhiên có thêm phù sa rất thích hợp cho cây nhưng khi sử dụng nên kiểm tra có bị nhiễm mặn hoặc có bị ô nhiễm nước thải khu công nghiệp không. Các vùng miền gần sông Tiền, sông Hậu dùng nước sông tưới rất tốt.
- Nước giếng : Nước giếng chứa rất nhiều chất khoáng không thích hợp cho cây lắm , nhất là nước giếng khoan thì độ PH không ổn định lắm, nó tăng giảm bất thường ngay trong một ngày, mùa nắng và mùa mưa có độ PH khác nhau nên khi sử dụng phải thường xuyên kiểm tra và hiện nay khu vực TP Hồ Chí Minh nhiều giếng khoan bị nhiễm mặn hoặc phèn. Trồng mai chỉ khi nào không có nguồn nước khác mới nên tưới nước giếng.
- Nước máy (nước do thủy cục cấp) an toàn về chất lượng nhưng trong nước có chứa Clor (nước Javel) để khử trùng, nếu tưới trực tiếp không tốt lắm (lan tưới trực tiếp có lúc rễ bị hư). Nước máy phải chứa trong lu vại sau 24 giờ tưới thì tốt hơn và nếu cho thêm một ít phân hữu cơ, vỏ trái cây, lá cây… thì độ PH xuống thấp hơn rất tốt cho mai.
III/ Các biện pháp xử lý nước:
Tuỳ theo điều kiện nơi ở nguồn nước đang có mà ta sử dụng để tưới cây, nếu ở TP chắc chắn phải dùng nước máy, ở ngoại thành phải dùng nước giếng và nông thôn phải dùng nước hồ ao sông ngòi để tưới cây. Các bạn trồng ít để giải trí, làm cảnh thì không khó khăn lắm chỉ cần xử lý nguồn nước để tưới là được nhưng có ý định lập một vườn mai thì việc đầu tiên là phải đánh giá lại nguồn nước đang có và trong tương lai nó thế nào rồi mới quyết định có nên lập vườn hay không.
- Nước tưới mai theo kinh nghiệm nhiều người trồng thì sử dụng tốt nhất có độ PH vào khoảng 6 đến 6,5 (chưa thấy có công trình khoa học nào nghiên cứu về vấn đề nầy). Có thể dùng cuộn giấy PH để thử (mua ở các nơi bán hoá chất). Trong trường hợp độ PH quá cao hoặc quá thấp ta có thể dùng tác nhân hoá học để điều chỉnh cho thích hợp. Có thể ngâm thêm vỏ trái cây, lá cây, đầu tôm xương cá hay một ít phân hữu cơ để hạ độ PH, vôi bột hoặc soda (carbonat de soude), Sulfat sắt (FeSO4) để tăng độ PH. Sau khi điều chỉnh phải thử lại cho phù hợp rồi mới sử dụng.
- Trường hợp sử dụng nước máy để tưới mai trực tiếp ta có thể chế tạo ra bộ lọc bằng than hoạt tính rất đơn giản, rẻ tiền để sử dụng trực tiếp từ nguồn nước. (Xin xem phần hướng dẫn chế tạo ống lọc trong phần cuối bài viết).
- Trong trường hợp ta không có cách nào để xử lý nước thì quan sát xem các loại cây ăn trái, kiểng khu vực ở của mình trồng dưới đất có phát triển không, nếu có thì ta sử dụng nguồn nước bị nhiễm ấy tưới “cầm hơi” cho mai trong khi chờ mưa đến nhưng các bạn chỉ được tưới với liều lượng ít và tưới dưới góc mà thôi (tuyệt đối không được tưới trên tán cây) và không được tỉa tán cây, lúc nào cũng phải giữ bộ lá nhiều để giải độc cho cây.
IV/ Tưới mai:
Để tưới mai có kết quả ta thử tìm hiểu đặc tính của bộ rễ mai trước để sau đó tưới cây một cách thích hợp nhất: Mai có bộ rễ có các đặc tính như:
Rễ trụ: Rễ có hình trụ (nhỏ dần) cắm thẳng xuống đất (còn gọi là rễ đuôi chuột), sự phát triển của rễ phụ thuộc nhiều vào môi trường sinh sống của cây.
- Nếu cây mọc trên đất gò, đất giồng có tầng nước thấp thì rễ xuống rất sâu gần đến vùng có ẩm cao thì rễ chia ra nhiều chi nhỏ (rễ con) đầu rễ con co nhiều lông hút để hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Rễ không phát triển trong tầng nước ngầm.
- Nếu trồng trên đất thịt, đất phù sa có tầng nước ngầm cao hay thường bị ẩm ướt thì rễ cái ra khỏi gốc một khoảng ngắn thì phân hoá thành nhiều rễ nhỏ phía trên tầng đất bị thường xuyên ẩm ướt.
- Rễ mai không phát triển được tại tầng đất luôn ẩm ướt, trường hợp nước ngập lên một phần bộ rễ thì một thời gian ngắn phần đó bị hư tầng lông hút.
- Nếu rễ mai bị kéo lên khỏi mặt đất, tầng lông hút của rễ bị khô và một thời gian sau cả phần lộ trên đất của rễ cũng bị hư.
- Trồng mai trong chậu, nếu chất trồng là hỗn hợp tro trấu +… thì rễ cám phát triển rất nhanh, một thời gian thì rễ bít kín hết chậu nhất là ngoài thành chậu, nếu trồng bằng đất thịt, đất sét thì rễ cám phát triển ít hơn.
- Rễ mai sẽ phát triển nhiều về hướng có phân bón và có ẩm cao
- Từ những đặc tính ấy ta chú ý là không được để mai bị úng nước nhiều ngày. Khi trồng vùng đất thấp có nước ngập chân phải lên líp và đánh mương thoát nước. Trồng trên đất cao, mùa nắng phải be bờ quanh gốc để tưới cây.
Tưới mai tốt nhất dùng vòi sen có điều chỉnh áp lực nước được, khi tưới không nên xịt với áp lực lớn vào gốc mai một phần đất trồng bị văng ra và một số rễ nhỏ bị tổn thương...
- Nếu mai trồng trong đất xốp đễ thoát nước như hỗn hợp xơ dừa, tro trấu, phân bò… thì tưới dưới áp lực nhỏ, tưới đều khắp mặt châu liệu nước thắm đều là được. Trường hợp trồng bằng loại đất xốp nầy nước rút rất nhanh, chậu mau bị khô nên phải kiểm tra thường xuyên chậu, tháng nắng và có nhiều gió phải tưới ít nhất mỗi ngày 2 lần.
- Nếu mai trồng trong đất thịt, đất phù sa hoặc các chất độn làm thông thoáng khác khi tưới nước rút chậm, khi tưới phải tưới làm hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 10 phút. Lần đầu tưới cho nước ngập mặt đất trong chậu độ 1 cm, lần sau tưới với liều lượng liệu sao cho ướt hết đất trong chậu là được
- Nếu đất trồng là đất sét, phù sa không có độn thêm chất làm thông thoáng thì cũng phải tưới 2 lần, lần đầu tưới ngập tới miệng chậu, khi nước trong chậu rút hết tưới lại lần nữa.
- Chỉ cần quan sát vị trí lỗ thoát nước của chậu.
- Sau khi tưới xong nếu không thấy nước thoát ra là biết ta tưới chưa đủ nước.
- Nếu một ít nước thoát ra là tưới đủ nước và nước ra quá nhiều là nước bị dư.
- Ta cũng coi chừng trường hợp khối đất trồng bị nén cứng, khi tưới đất theo thành chậu thoát hết ra ngoài làm cây bị thiếu nước.
Thời gian tưới nước: Chỉ tưới cây khi mặt đất trong chậu bị khô
- Mùa nắng nóng: tưới sáng sớm trước 9 giờ, chiều tưới từ 4 giờ và trước 5 giờ. Lúc nhiệt độ cao không nên tưới vào buổi trưa có thể làm cây bị tổn thương.
- Mùa lạnh nên tưới vào khoảng 2giờ đến 3 giờ chiều.
- Khu vực có không khí khô ở miền Trung (Từ Phan Rang trở ra) khi tưới nên tưới trùm lên tán lá để giảm nhiệt độ, làm tăng độ ẩm trong không khí và rửa sạch bụi trên lá tạo điều kiện cho sự quang hợp tốt hơn.
- Tưới nước nhiều trong thời kỳ sinh trưởng mạnh.
- Khi hoa nở nên tưới ít , nếu tưới nhiều quá hoa sẽ dễ rụng.
- Không tưới qua nhiều làm nước thoát ra khỏi chậu mang theo cả phân bón rất lãng phí...
- Kiểm tra thường xuyên lổ thoát nước của chậu, lổ bị bít phải thông ngay.
Chú ý: Nếu chậu luôn ẩm ướt do mưa dầm hoặc người trồng tưới liên tục qua nhiều nước, rễ không thông thoáng làm ức chế hô hấp của rễ, một số vi khuẩn yếm khí phát triển thì một phần lớn lông hút của rễ bị hư, cây không hấp thu được nước và chất dinh dưỡng được bao nhiêu, cây không phát triển nữa (cũng không chết nếu bộ rễ không hư hết), Trường hợp nầy gọi là “hạn sinh học” người trồng mai không được bón phân nữa có thể làm chết cây. Phải giảm nước tưới trong chậu, dùng cây nhọn xâm nhiều lỗ cho đất được thông thoáng, phun phân bón lá và chờ cây hồi sức lại... Khi thuận lợi thì thay đất trồng cho cây.
Trời mưa, nếu tán cây che hết mặt chậu phải kiểm tra lại, nếu mưa không làm ướt bề mặt thì cũng phải tưới.
V/ Bài học kinh nghiệm của bản thân:
Một bài học mà tôi không bao giờ quên được xin trình bày ra để các bạn rút kinh nghiệm :
Khu nhà tôi ở trên đất Giồng cao, chỉ cần đào từ 5 dm đến 10 dm thì gặp lớp đá ong non, trước đây sử dụng nước giếng đào để ăn uống, tưới cây rất tốt. Sau đó lại co một giếng khoan, lúc đầu nước có phèn nhiều hơn giếng đào nhưng sử dụng một thời gian thì nước tốt không thua nước giếng đào. Nước sinh hoạt, tưới cây đều sử dụng giếng khoan nầy. Cây phát triển tốt lắm nhưng được vài năm thì thấy cây hình như bị bệnh, một số đọt non mới ra bị quéo lại, cây tỉa tán, cắt cành phát triển lại rất yếu, tôi cứ nghĩ nó bị bệnh nên phun thuốc cây vẫn như thế, mỗi ngày một tệ hơn. Sau Tết cách đây hơn hai năm tôi tỉa tán lá một số cây, cắt ngắn để tạo dáng lại một số cây khác và cũng dùng nước ấy tưới, hơn hai tháng sau thì những cây tỉa tán phát triển rất yếu hoặc chết từng cành, còn những cây cắt ngắn tạo dáng lại thì chết gần hết, cứ ngỡ là mai bị bệnh lại phun thuốc rồi lại phun thuốc diễn biến càng xâu hơn… May thay trời mưa liên tiếp nhiều đám, một số mai chưa chết lại bung tược non… từ đó tôi mới “ngộ” ra rằng thủ phạm chính làm mai chết chính là nước giếng mà tôi đã dùng để tưới mai. Nước giếng đã nhiễm phèn, mặn hay chất gì đó… mà tôi không để ý. Cuối cùng thì tôi mất hơn 20 cây và một số cây khác bị èo uột, mất sức mà tôi dưỡng hơn hai năm nay vẫn chưa phục hồi được như trước đó. Tôi hiện đang sử dụng nước máy để tưới từ lúc ấy và sử dụng bộ lọc tự chế, kết quả rất khả quan. Xin được phép phổ biến để các bạn tham khảo.
---------------------------------------
PHẦN V. BỘ LỌC NƯỚC MÁY
---------------------------------------
- Dụng cụ gồm có:
- 1 ống nhựa 90 mm, 2 đầu 90 mm ra 27 mm.
- 2 kg than hoạt tính
- Xin hoặc mua một ít đá san hô loại vụn nhỏ (không nhỏ hơn đầu ngón tay út) khi chế tác đá cảnh loại ra
- Một ít vải mùng tuynh cũ.
- Cách chế như sau:
- Dùng 2 lớp vải mùng gói than hoạt tính (hay may thành cái túi rồi để than hoạt tính vào) đưa vào ống nhựa.
- Làm như vậy tương tự cho đá san hô đặt vào đầu kia.
- Dán 2 đầu ống lại sao cho than hoạt tính và đá san hô vừa kín ống.
- Bên đầu chứa than cho nước vào, lấy nước ra từ đầu đá san hô qua ống nhựa đến bộ phận vòi sen có van điều chỉnh áp lực.
- Khi tưới ta chỉnh áp lực để nước ra vừa phải, toàn bộ mùi Clor sẽ không còn nữa.
- Ta sử dụng cho đến khi nào mà chỉnh nước ra ít mà có mùi Clor thì lúc ấy ta chỉ cần thay than hoạt tính.
- Bộ lọc như vậy chưa đến 50 ngàn đồng.
- Than hoạt tính có thể mua ở chơ Kim Biên giá từ 7 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng một ký (loại chế biến từ gáo dừa ở Bến Tre), nếu dùng than hoạt tính như than đá nhập từ nước ngoài thì hơi mắc.
Cũng có thể làm bộ lọc để lọc nước giếng có phèn, hoặc nhiễm chất hữu cơ (ít thôi) cần phải mua thêm một số hạt nhựa trao đổi ion có bán tại các cửa hàng bán bộ phận lọc nước (đặt ở giữa than và đá).
* Các biểu hiện thiếu dinh dưỡng nhất là các chất vi lượng trên cây mai:
Hiện nay, việc trồng các loại cây kiểng trong chậu đặc biệt là cây mai người làm vườn đang áp dụng một số biện pháp canh tác kỹ thuật cao. Tuy nhiên chưa đồng bộ nên thường dẫn đến tình trạng cây thiếu dinh dưỡng nhất là các chất vi lượng như magiê, kẽm, mangan, sắt...
- Các nguyên tố vi lượng này không được bổ sung do vật liệu cho vào chậu trồng là những chất có hàm lượng dinh dưỡng khá thấp như xơ dừa, vỏ trấu, tro trấu, chiếm tỉ lệ khá cao. Và, cây được trồng bằng rễ trần không có đất, nên không thể cung cấp đủ các chất vi lượng cho cây, dẫn đến tình trạng cây thiếu chất vi lượng nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển cuả cây.
- Mặt khác khi bón quá nhiều lân và đạm không cân đối sẽ dẫn đến nguy cơ cây thiếu sắt, kẽm, đồng và triệu chứng trên cây như: Cây sinh trưởng kém, lá trong giai đoạn đầu có màu xanh nhạt đến vàng sáng, lá non lúc đầu là vàng nhưng gân lá xanh,lá nhỏ lại.
- Khi bón thừa kali sẽ nguy cơ thiếu mangan là có thể xảy ra qua các biểu hiện triệu chứng như: trên lá non nhưng không phải là lá non nhất lá có vùng giữa gân xanh nhạt dần và chuyển sang vàng, gân lá vẫn xanh mép lá trở nên nâu khô và cuốn cong lại làm lá cong.
- Do cây sinh trưởng kém nên khi ra hoa hoa, ít và nhỏ, mau rụng, màu sắt thiếu sặc sỡ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng.
Để khắc phục vấn đề trên chúng ta cần chú ý các vấn đề sau:
- Vật liệu trồng nên sử dụng hợp lý các chất độn như xơ dừa, tro trấu vừa phải; bổ sung thêm đất, tăng cường phân hữu cơ hoai có hàm lượng mùn, và dinh dưỡng cao. Các loại vật liệu này cần trộn đều và ủ một thời gian trước khi cho vào chậu trồng.
- Khắc phục hiện tượng thiếu sắt nên bón phân đạm và lân theo nhu cầu của cây. Không nên bón quá dư thừa, chúng ta có thể cung cấp chất sắt cho cây thông qua việc bón sunfat sắt, chelat sắt hoà tưới vào gốc, hoặc phun lên lá 2 tháng /lần nồng độ sử dụng 2 – 3%.
- Khắc phục thiếu mangan: điều chỉnh lượng phân kali bón cho cây phù hợp, có thể dùng sunfat mangan hoà tươí cho cây hoặc phun lên lá nồng độ sử dụng 0,1%0. Phun 3 - 4 lần trong năm.
- Khắc phục thiếu kẽm: Do khi bón nhiều phân lân sẽ dẫn đến sự thiếu kẽm nên chúng ta cần bón vừa phải lượng phân lân. Có thể bổ sung chất kẻm thông qua sử dụng chất sunfat kẻm, có thể hoà tưới vào gốc hoặc phun lên lá 2- 3 lần trong năm, với nồng độ sử dụng 4 – 5%.
TheoTh.S Hoàng Văn Ký
----------------------------------------------------------------------------------------
PHẦN VII. SÂU BỆNH & THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VỚI CÂY MAI
----------------------------------------------------------------------------------------
I. SÂU BỆNH CỦA MAI:
1/ Mai ngoài thiên nhiên:
Nếu quan sát một cây mai ngoài thiên nhiên ta thấy nó rất ít bị sâu bệnh. Sau khi trổ hoa mấy ngày Tết thì gặp trời nắng, đất hãy còn ẩm nhiều nên mai vẫn phát triển lá và nuôi cho hạt già đi để duy trì nòi giống. Qua tháng hai, tháng ba trời nắng nhiều, đất khô cây có thể rụng bớt lá để giảm thoát hơi nước và đứng chờ… những cơn mưa vào cuối tháng ba đầu tháng tư. Cây lại phát triển xanh tươi. Trong tự nhiên, mai sống trên đất có hệ thống rễ trụ cắm sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng tự nhiên một cách cân đối. Sâu rầy, nấm bệnh cũng có nhưng sức đề kháng cao nên không thấy cây nào bị chết cả, các loại rong rêu bám vào cây mùa mưa năm trước gặp trời nắng khô cũng bong tróc ra khỏi cây…
2/ Mai vườn, mai chậu vì sao dễ bị sâu bệnh ?
a- Mai trồng dưới dạng vườn thường trồng dày đặc và cùng loại nên:
+ Sự dày đặc làm cho không khí trong vườn không thông thoáng, độ ẩm cao.
+ Cây cùng loại, nên bệnh rất dễ lây lan từ cây nầy qua cây khác rất nhanh.
b - Mai phát triển dựa vào phân bón:
+ Phân hữu cơ cân đối được các nguyên tố đa lượng, trung lượng, vi lượng nhưng bao giờ cũng mang theo một ít mầm bệnh cho cây.
+ Phân vô cơ có tác dụng nhanh nhưng không đủ các nguyên tố cần thiết cho sự phát triển của cây.
+ Nước tưới không đúng với nhu cầu sinh lý của cây
c - Sự thúc ép của con người với cây mai quá lớn
+ Lúc nào mai cũng có thể được phun thuốc kích thích, phân bón lá, thuốc sâu rầy làm xáo trộn các đặc tính sinh lý của mai, từ đó tính đề kháng với sâu bệnh của mai giảm dần, mai có thể nhận các bệnh do môi trường mang tới.
+ Tỉa cành, tạo dáng cho cây thì bao nhiêu chất dinh dưỡng của cây bị mất. Sự tạo dáng, thế làm các mạch nhựa bị uốn cong cản trở đường dẫn nhựa.
3/ Các loại sâu bệnh thường gặp ở cây mai :
Có thể tạm chia ra làm ba loại chính : Sâu và bọ hút chích (côn trùng) – Nấm bệnh (vi khuẩn) và do người trồng gây ra:
a - Sâu và bọ hút – chích:
Mai thường bị các loại sâu tấn công như: sâu tơ, sâu nái và sâu đục thân….:
- Sâu là một đối tượng có hại cho cây mai nhất là trong giai đoạn mai ra lá non, đọt non, nó làm gián đoạn cho sự phát triển thân và cành của mai. Trên cây mai thường có thể có nhiều loại nhưng thông thường thì có loại sâu tơ có màu xanh nhạt, trên lưng có sọc theo chiều dọc, đầu màu đen, chúng nhả tơ quấn lấy các lá non và ăn cho đến lúc hết lá trên đọt. Trong trường hợp nầy, nếu ít thì ta nhanh tay lặt bỏ các ngọn bị sâu hoặc bắt sâu, nếu nhiều thì phải phun thuốc diệt sâu, nếu để chậm thì cây sẽ bị xơ xác và Tết hoa không còn đẹp. Loại sâu nầy rất dễ trị vì nó không trốn như các loại côn trùng khác. Trị sâu có thể phun các loại thuốc thông thường có hoạt chất Abamectin, Cypermethrin.
- Ngoài loại sâu tơ ta cũng thường gặp nhiều loại sâu khác nhất là sâu nái: Loại nầy lớn hơn sâu tơ rất nhiều, nó có màu khó phân biệt với lá mai non khi còn nhỏ, lớn lên thường đổi qua màu nâu. Ta cũng có thể dùng các loại thuốc thông thường để trừ loại sâu nầy.
- Sâu đục thân: Đó là lọai sâu do bướm đẻ trứng bên ngòai cây, sau khi nở thì sâu khóet lỗ ở thân và chui vào bên trong sống với thức ăn là ruột cây, nhựa cây. Chất bổ dưỡng cho cây đã bị sâu “sơi” hết nên nhánh cây đó bị suy dinh dưỡng và nặng hơn sẽ bị khô héo đi. Khi thấy nhánh héo ta tìm sẽ thấy một hai lỗ nhỏ trên nhánh, bẻ ra thì bên trong một phần bị trống và có cả thủ phạm rất “mượt mà” ở trong đó nữa. Nếu không phải là nhánh nhỏ mà thân chính thì cây rất dễ bị chết luôn. Kinh nghiệm cho thấy, cây nào bón nhiều phân hữu cơ nhất là bánh dầu thì rất dễ bị sâu đục thân hơn. Ta nên chú ý khi thấy tự nhiên trên thân cây nhảy ra một tược non thì nên xem bên trên nó có hiện tượng sâu đục thân không? Sâu đục thân cũng rất dễ trị, chỉ cần dùng thuốc lưu dẫn Basudin chôn sâu dưới đất một ít thì ngừa hoặc trị được sâu đục thân. Khi bón phân bánh dầu thường kèm thêm một ít Basudin thì rất an toàn vì khi bánh dầu phân hủy không bị côn trùng, trùn đất ăn và sâu đục thân cũng rất ít xuất hiện. Sâu đục thân có thể làm chết cả cây mai và nguy hiểm nhất đối với những cây mai đã tạo được dáng thế hoàn chỉnh. Chỉ cần sâu đục thân “thanh toán” đi một cành thì làm sai đi bố cục của cây, cây không còn giá trị nữa. Không dễ dàng gì ta tạo được cành mới tương xứng với cành bị sâu. Chú ý nhiều nhất trong giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa nắng.
- Rầy bông: loại rầy nầy rất khó trừ và nguy hiểm nếu để chúng tràn ngập thì có thể làm cho cây chết. Lúc đầu chỉ một ít bám vào đọt non hút nhựa, sau một thời gian ngắn, chúng phát triển rất nhanh với số lượng lớn và bám đầy cây mai nhất là ở các đọt non. Để phòng trừ loại rầy bông khi thấy đọt non nào bị rầy bu, bám thì phải cắt ngay đọt đó đem ra xa rồi đốt cháy. Xịt thuốc trên diện rộng, 3 ngày sau xịt lần 2 và 5 ngày sau thì xịt lần ba mới mong tiêu diệt chúng được. Ngoài rầy bông ra mai còn có cả rầy đen nữa loại nầy khi chúng tấn công mai thì trên lá xuất hiện nhiều muội đen là giảm đi sư quang hợp của cây.
Để phòng ngừa sâu rầy thì mỗi năm nên xịt thuốc ngừa từ 3 đến 4 lần trên diện rộng và nhất là trong giai đoạn mưa dầm, trời u ám. Các loại hoạt chất: Dimethoate ,Azadirachtin có khả năng trị được các loại rầy.
- Bọ trĩ (còn gọi rầy lửa):
Đây là loại côn trùng rất nhỏ rất khó thấy (không quá 1mm) chúng di chuyển nhanh, vì ban ngày chúng thường ẩn núp trong vỏ cây, gốc cây và ngay cả dưới đất. Chúng thường xuất hiện khi mai ra đọt non, di chuyển từ cây nầy qua cây khác và đẻ trứng vào đọt cây, vài ngày sau trứng nở ra bù lạch ấu trùng. Cả con lớn và con ấu trùng đều chích hút nhựa trên lá non, tạo ra những vết trắng nhỏ li ti, những lá nầy mất dần chất dinh dưỡng, không phát triển bình thường được, mép lá uốn cong lên (quéo lá), lá bị khô cứng, cây sẽ bị mất sức rất nhiều. Bọ trĩ thường phát triển mạnh sau Tết (mùa nắng nhiều) và giảm dần trong mùa mưa.
Để phòng và trị bọ trĩ ta có thể :
- Tưới nước bằng vòi xịt mạnh trên tán cây đề làm giảm đi mật độ bù lạch trên cây (có làm thử một số bọ trĩ bị rơi mất nhưng không biết được chúng có chết không hay trở lại cây).
- Phun thuốc đặc trị loại hút chích có hoạt chất như Imidaclorid, Fipronil Abamectin, thuốc pha đúng sự chỉ dẫn của nhà sản xuất. Cũng xin lưu ý thêm là loại nầy rất dễ quen (lờn) thuốc, khi phun vài ba lần một loại thuốc nào thì nên đổi phun các loại thuốc khác, nếu tiếp tục phun một loại thì không còn tác dụng nữa (xin xem lại trong phần thuốc BVTV).
- Nhện đỏ:
Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus sp, chúng rất nhỏ (<1mm) nhưng gây hại rất nhiều cho các loại rau màu, hoa kiểng. Nhện có hình bầu dục, có 8 chân, khi mới nở có màu xanh nhạt, lớn lên chúng chuyển dần sang màu vàng, hồng rồi đỏ. Nhện đỏ phát triển và phá hoại nhiều nhất trong mùa mưa (cao điểm tháng 8 âm lịch) và cả con lớn và con non thường bu bám chích hút trên bề mặt lá, cạp biểu bì của lá nhất là lá bước vào giai đoạn trưởng thành trở đi . Lá bị nhện đỏ chích hút bị lấm tấm như bụi cám, sau đó chuyển sang màu xanh đen và nâu hơi đậm và đôi khi lá có thể phồng lên như bánh tráng. Nhện đỏ gây hại làm lá giảm sự quang hợp , lá già nhanh có thể bị rụng sớm làm hoa nở sớn hoặc ảnh hưởng rất lớn cho việc tạo hoa trong dịp Tết.
Để phòng ngừa nhện đỏ ta nên tạo thông thoáng trong vườn, tránh đặt chậu qua gần nhau, tỉa những cành chen chúc trong tán cây. Quan sát lá mai hàng ngày, vì nhện đỏ chỉ phá hoại là trong giai đoạn trưởng thành đến lúc già, nếu thấy lá có hiện tượng như có bột cám trên mặt thì đã bị nhện đỏ phá hoại rồi, hoặc dùng kính lúp quan sát trên mặt lá, dưới dạ lá sẽ phát hiện được nhện đỏ. Ngoài ra ta cũng có thể ép 2 tờ giấy trắng vào hai bên mặt lá rồi vuốt nhẹ, nếu thấy trên giấy có những chấm vàng, hồng, xanh xuất hiện thì chắc chắn cây đã bị nhện đỏ tấn công.
Để trị nhện đỏ phải dùng thuốc đặc trị có các hoạt chất như :
- Fenpyroximate , Piradaben , Hexythiazox, Fipronil, Difocol (loại nầy độc nên hạn chế sử dụng).
Nhện đỏ cũng dễ kháng thuốc như bọ trĩ, vì thế không nên xịt cùng một loại thuốc quá nhiều lầøn
- Bọ xít:
Bọ xít có tên khoa học là Helopeltis theivora. Bọ xít có mùi hôi khi tiếp xúc với nó. Bọ xit thường đẻ trứng ở hai nhánh giao nhau, chúng gây hại bằng cách chích vào cành non của cây tạo thành những vết u sần sùi, nếu nặng hơn có thể làm chết cành hoặc cả cây. Bọ xít có 2 loại: một loại màu xám đen và một loại khác màu hơi xanh, chân dài hơn. Có thể dùng các loại thuốc có các hoạt chất như Methidathion, Dimethoate hoặc các loại thuốc trừ sâu khác cũng có thể diệt được chúng.
- Bọ cánh tơ:
Có tài liệu còn gọi bọ cánh tơ là bù lạch , lại có vài tài liệu khác gọi bọ trĩ là bù lạch hay bò lạch.
Chúng cũng giống như bọ trĩ thường chích hút trên lá non. Khi bọ cánh tơ chích thì triệu chứng thường thấy là dưới mặt lá non có hai vệt màu xám song song với gân chính, đọt non bị chích thường sần sùi, cứng và dòn, hai mép lá và chóp lá cong lên và có thể bị rụng. Bọ cánh tơ sống chủ yếu ở đọt non, ít di chuyển, gây hại nhiều nhất là mùa khô và giảm dần vào mùa mưa.
Phòng trừ bọ cánh tơ bằng cách tưới ướt lá và bề mặt đất để diệt ấu trùng của chúng. Cắt tỉa đọt non để hạn chế thức ăn của chúng và phun thuốc diệt chúng cùng loại với bọ trĩ.
- Các loại rệp :
Trên cây mai, có thể có nhiều loại rệp bám nhiều nhất là loại rệp sáp. Loại nầy có tên khoa học là Dysmiccocus sp. Rệp có lớp phấn (dạng lông tơ) bao quanh mình, nên khi phun thuốc không có tác dụng nhiều. Thông thường cây nào có rệp sáp thì có hiện tượng kèm theo là kiến lửa (không phải kiếng vàng), chính loại kiến nầy tha rệp lên cây để rệp hút nhựa và tiết ra chất mật ngọt cho kiến ăn, kèm theo còn có thể có mụi đen bám trên lá cây và cả lớp keo dính nữa.
Rệp sáp đẻ trứng thành ổ xếp chồng lên nhau. Khoảng 7 ngày sau rệp non nở sống trên kẽ lá, lột xác nhiều lần. Khí hậu nóng, ẩm thích hợp cho rệp phát triển. Rệp gây hại bằng cách hút nhựa làm đọt xoắn lại, lá vàng, cây mất dinh dưỡng. Rệp còn có khả năng truyền virus cho cây và chúng có thể phá hoại nhiều loại cây khác nhau (nhất là cây thiên tuế). Diệt rệp bằng các loại thuốc có hoạt chất như Methidathion, Cypermethrin…
Ngoài ra cũng còn có loại rệp sáp giả có hình dạng:
Rệp dính: Trên cây mai cũng thường thấy xuất hiện loại rệp dính, chúng sinh trưởng nhanh và bám đầy trên cành hoặc lá cây. Loại rệp nầy nhỏ, có đường kính khoảng 1,5 mm có vỏ như hình mai rùa nhưng trơn lán. Bốp mạnh chúng bể ra bên trong chúng là lớp keo nhớt màu đỏ gạch cua. Rệp dính đeo bám hút nhựa cây làm cây mất dinh dưỡng, nếu mật độ qúa nhiều có thể làm chết cây. Ta có thể diệt chúng bằng cách dùng nẹp tre để cạo chúng ra khỏi cây mai và cũng phải phun thuốc để diệt triệt để hơn. Có thể dùng cùng loại thuốc như rệp sáp.
- Ong xén lá:
Lọai ong nầy thường cắt lá non về ăn hoặc làm tổ, chúng có bộ phận cưa lá rất đẹp. Chỉ cần chúng có hiện diện thì một số lá sẽ bị cắt khuyết từng mãnh. Loại ong nầy không hại lắm.
b - Nấm mốc:
- Nấm mốc (vi khuẩn): Đây là kẻ thù số một của Mai, Sâu rầy tấn công thì Mai có thể bị mất sức chỉ khi ta không để ý đến lúc bị quá nhiều thì mai mới bị chết nhưng nấm mốc là kẻ thù “dấu mặt” của mai, đến khi phát hiện Mai bị nhiễm khuẩn thì có thể là hơi muộn màng, nhiều khi xịt thuốc thì Mai chết luôn. Nấm mốc thường phát sinh nhiều trong những tháng mưa nhiều, nhất là những cây trồng nơi râm mát, ít thoáng khí. Thường ta bón phân hữu cơ như bánh dầu rất dễ có nấm mốc. Bắt đầu là rong rêu bám trên cây, cành, sau một thời gian nấm mốc có chỗ ở và phát triển lan dần từ thân đến lá.
Nấm lá cũng là nguyên nhân của sự rụng lá sớm làm cho mai nở không đúng Tết. Nấm lá xuất hiện nhiều khi trời mưa dầm, ít nắng hay trời nóng mà có ẩm độ cao. Nấm lá có nhiều lọai như nấm hồng, rỉ sắt, thán thư, cháy lá… Nếu bệnh nhẹ cây bị mất sức, bệnh nặng và có cùng một lúc hai thứ bệnh trở lên cây có thể chết.
- Nấm hồng:
Một lọai nấm rất nguy hiểm là nấm hồng (Corticium salmonicolor), chúng thường bám vào thân, cành nhất là những chỗ bị nứt nẻ, yếu ớt. Nấm xuất hiện nhiều vào thời điểm bắt đầu mưa, lúc đầu trên thân xuất hiện những vệt màu hơi vàng, sau đó lan ra thành những đóm màu hồng lớn hơn, chúng phát triển hết cả cành, ở những nơi nầy ta thấy do cây khô cứng hơn các nơi khác nên không dẫn nhựa được, cây hoặc nhánh sẽ khô dần rồi chết, nếu chưa chết thì tược non cũng không phát triển được. Để trị ta có thể dùng bàn chải cứng, chải sạch lớp mốc bám bên ngòai, bôi thuốc Bordeau (pha thuốc phần cuối) hoặc xịt các thuốc có hoạt chất: Hexaconazole, Carbedazim… vài lần như thế sẽ diệt được.
Nấm hồng phát triển mạnh vào mùa khô, nắng nhiều. Khi trời mưa thì chúng giảm dần. Ngoài việc xịt thuốc để phòng và trị nên kiểm tra thường xuyên vườn mai nhất là trong mùa khô và chú ý nhiều đến những cành có một vài lá có hiện tượng bạc trắng hoặc màu xanh nhạt hẳn trên lá, gân lá vẫn còn xanh. Đó là triệu chứng cho biết có khả năng nấm hồng chuẩn bị tấn công
- Bệnh cháy lá:
Bắt đầu từ bìa lá rồi sau lan dần vào trong cuối cùng lá bị rụng, bệnh nầy làm cho cây bị mất sức và nếu nặng có thể cây bị chết. Cũng cần lưu ý rằng khi thấy mai bị cháy lá thì kiểm tra lại thật kỹ, xem có phải bị nấm, virus làm cháy lá không hay vì một nguyên nhân khác .
Nếu bệnh cháy lá do nấm Pestalotia funerea hoặc Deutereromycetes thì trên lá xuất hiện đầu tiên ở chóp và mép lá tạo thành vết nâu, lớn dần vào phiến lá, có khi chiếm hơn ½ lá, trên vết nâu có những chấm đen nhỏ là ổ của bào tử , bệnh nặng hơn lá chuyễn sang màu vàng rồi rụng. Bệnh xuất hiện nhiều ở mùa thu, cây có nhiều lá già, cây sinh trưởng chậm nhất là cây thiếu phân bón hoặc mất cân đối giữa N, P, K.
Để phòng trị bệnh:
- Phun thuốc định kỳ loại có góc đồng, Haxaconazole… và phân bón lá NPK cho cây.
- Ngắt bỏ những lá có màu vàng nhạt hoặc trắng bạc.
- Bón phân đầy đủ nhất là cung cấp các vi lương cần thiết cho cây.
- Bệnh thán thư:
Xuất hiện nhiều ở lá non vào những tháng có mưa nhiều, Nhất là những ngày trời nóng ẩm cao, lúc đầu là những đóm nhỏ màu nâu trên lá (thường thấy ở giữa lá hơn) rồi lớn dần, chỗ bị thán thư lá cong lên rồi rụng lá, bệnh lan rất nhanh làm cho cây bị mất sức.
- Bệnh rỉ sắt:
Là một bệnh gây hại cho lá cây nhất là ở mùa mưa. Lá cây dễ bị bệnh nhất ở giai đoạn trưởng thành trở đi, lúc đầu trên lá xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu và lớn dần có đường kích dưới 2mm, thường bệnh xuất hiện trên phiến lá ít khi ở ngoài bìa lá vì vết có màu như rỉ sắt nên được đặt tên là bệnh rỉ sắt. Vết rỉ sắt cà hai mặt của lá, xung quanh vết bao giờ cũng có một quần màu vàng.. Bệnh không được chữa thì làm cho lá mai mất dần màu xanh là ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp của cây, mai sẽ mất sức, cây trở nên yếu ớt...
Để phòng bệnh nầy nên:
- Không đặt các chậu mai quá gần nhau. Tỉa bớt các cành quá dày đặt để tạo thông thoáng trong tán cây.
- Không để vườn mai bị đọng nước qua lâu (nước mưa phải thoát hết sau khi mưa.
- Vào mùa mưa, nhất là từ tháng 7 âl nên kiểm tra thường xuyên vườn mai, nếu thấu bệnh xuất hiện phải phun thuốc trị bệnh ngay.
- Có thể phun các loại thuốc có các hoạt chất như: Hexaconaaole, Mancozeb, Dinicozole , Epoxiconazole… ...
- Có thể phun thuốc định kỳ từ 7 đến 10 ngày một lần.
- Tuyến trùng hại rễ mai:
Tuyến trung có tên Meloidoigyne sp là loại sinh vật có kích thước rất nhỏ, vào khoảng 0,5 mm sống trong đất, chúng đục lỗ chui vào rễ chích hút chất dinh dưỡng của mai, những nơi bị tuyến trùng chít tạo thànhbướu rễ. Các rễ có bứu sẽ phát triển rất yếu. Triệu chứng thể hiện trên là là: phiến là vàng và nhỏ hơn bình thường, nhổ rễ lên ta thấy có những nốt tròn trên rễ (bướu). Cây sẽ phát triển kém và nặng hơn có thể chết.
Để phòng trị tuyến trùng ta cần:
- Ta tăng cườngbón phân hữu cơ cho cây , vì trong phân hữu cơ có nhiều vi khuẩn và nấm ký sinh có thể tiêu diệt tuyến trùng.
- Những cây bị chết do tuyến trùng phải nhổ bỏ, mang ra khỏi khu vực vườn đốt bỏ.
- Phun thuốc có hoạt chất:Cytokinin, Chitosan …
- Tưới quanh gốc cây 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa hoặc tưới vào lổ trước khi trồng mai với thuốc Oncol 20EC pha 50 ml/10 lít nước
- Dùng cây cúc sau khi ra hoa bâm nhỏ chôn quanh gốc mai cũng có thể trị được tuyến trùng.
- Rêu xanh - Mốc đồng tiền:
Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn mưa dầm (tháng 7-8 âl), cây bị ướt đẫm, trời u ám một số rong rêu phát triên trên thân cây và cả những cành nhỏ bị lá che khuất. Lớp rêu xanh phát triển bao quanh cây và choáng đầy vỏ cây. Đây là loại ký sinh không tác hại lớn như các loại bệnh khác nhưng nếu lớp rêu qua dày đặt thì thân cây khó trao đổi chất cũng làm ảnh hưởng cho việc tăng trưởng của cây và lớp rêu xanh nầy cũng có thể là môi trường giúp các loại bệnh khác phát triển cụ thể là mốc đồng tiền. Mốc đồng tiền khi phát triển lúc đầu thì chỉ bám nhẹ ở mặt ngoài vỏ cây trên nền của rêu xanh., chỉ cần dùng que cạo nhẹ thì có thể nó sẽ tróc hết. Nêu thời gian phát triển dài thi lớp mốc ăn sâu vào vỏ cây.
Để phòng và trị các loại nầy ta phải:
- Tạo thông thoáng cho vườn mai bằng cách đặt các chậu mai không gần nhau quá, tỉa bớt các cành quá rậm rạp.
- Dùng que cạo lớp mốc đồng tiền cho sạch rồi phun thuốc có gốc đồng hoặc pha CuSO4 để tiêu diệt rêu xanh và mầm mốc đồng tiền
- Ngòai ra ta còn thấy trên lá mai có những lớp mốc xám, hay vàng phát triển nhất là trong mùa mưa. Các lọai bệnh nấm lá có thể xịt thuốc diệt nấm có hoạt chất như : Hexaconazole, Copper Oxychlodride…
d - Bệnh do người trồng:
Ngoài việc lá bị cháy do vi khuẩn ra cũng còn một số nguyên nhân khác làm cho cây bị cháy lá:
- Quá cưng cây mai nên phun thuốc trừ sâu, trừ nấm quá liều lượng hoặc phun liên tiếp với thời gian quá gần.
- Bón phân (nhất là phân hoá học) đậm quá hoặc bón phân trong giai đoạn quá nắng nóng (ở miền Nam vào khoảng tháng 2,tháng 3) cũng có thể làm cho cây bị cháy lá.
- Một số cây có bệnh về sinh lý như èo uột, lá bị nhỏ, một ít lá bị vàng, đọt non mới ra lại bị héo… Khi gặp những trường hợp nầy cần xem lại:
- Lỗ thoát nước có thể bị bít hoàn toàn hay một phần làm thúi một số rễ cây không phát triển được.
- Đất trồng lâu ngày bị đóng cứng lại cản trở rễ cây hô hấp. Ngoài ra khi đất bị nén cứng bám chặt vào rễ cây, khi đất chuyển trạng thái từ khô qua ướt hay ngược lại khối đất nở ra hoặc co lại làm một số lông hút bị hư đi, cây không hấp thụ đủ chất.
- Tưới không đủ nước cho cây:
- Tưới nước liên tục, làm rễ luôn bị ẩm ướr. Việc nầy kéo dài nhiều ngày làm một số rễ bị hư đi , Cây sống trên đống thức ăn mà không ăn được, ta nên kiểm tra lại…. Nếu không có các lý do trên thì xem lại nước tưới có bị nhiễm phèn, mặn không? Nếu có phải thay nước tưới ngay . Mai phát triển bất bình thường phải tìm nguyên nhân nhanh để phòng trị, chậm quá mai có thể bị yếu sức còn nặng hơn có thể chết hoặc không chết thì hồi phục rất lâu.
II/ THUỐC BAO VỆ THỰC VẬT VỚI MAI:
Thuốc điều trị bệnh cho mai được gọi chung là thuốc bảo vệ thưc vật (BVTV), thực sự nó không phải là thuốc mà là một lọai hóa chất có tác dụng tiêu diệt côn trùng, tiêu diệt mầm bệnh của mai. Khi sử dụng thuốc BVTV cần chú ý:
a. Sử dụng liều lượng thích hợp:
Liều lượng có ghi rõ trong nhãn, cùng lọai thuốc đó, nếu trị bệnh nầy thì pha loãng hơn, trị bệnh khác thì pha đậm đặc hơn. Pha không đúng liều lượng thì không những không diệt được bệnh mà còn làm cho bệnh “lờn” thuốc. Pha quá liều thì bệnh không hết mà cây bị chết hoặc bị mất sức do nhiễm độc ..
a/ Khi sử dụng thuốc BVTV cần chú ý đến vấn đề gì?
Thuốc BVTV hiện nay rất đa dạng. Danh mục thuốc BVTV được ban hành năm 2008 theo Quyết định số: 49/2008/QĐ-BNN ngày 27 tháng 3 năm 2008 thì thuốc trừ sâu có đến 292 hoạt chất với 959 tên thương phẩm, thuốc trừ bệnh có đến 221 hoạt chất và 654 tên thương phẩm, thuốc kích thích có 44 hoạt chất với 102 tên thương phẩm. Tất cả có1983 tên thương phẩm (gồm 696 hoạt chất). Danh mục nhiều đến như thế thì rất khó để chọn lựa và cũng rất khó khi ta muốn chọn loại thuốc nầy để sử dụng thì cửa hàng lại bán loại thuốc kia. Sử dụng thuốc cần chú ý đến hóa chất chính (common name - họat chất là chất chính gây độc với dịch hại) của thuốc chứ đừng đặt nặng quá tên thuốc (trade name) vì mỗi hãng bào chế đều có thể lấy những tên thương mại khác nhau. Nếu ta không để ý đến họat chất thì có thể ta dùng nhiều loại nhưng cũng là một loại, việc nầy sẽ dẫn tới bệnh lờn thuốc. Để tránh việc lờn thuốc ta không nên chỉ dùng một lọai có cùng họat chất trong một thời gian dài. Cũng cần nói thêm là trong thuốc trị bệnh có họat chất là chính nhưng kèm theo họat chất đó là “chất phụ gia” cũng có một giá trị nhất định, chất phụ gia nầy là bí mật của hãng bào chế, nó là chất xúc tác làm tăng hiệu quả của thuốc BVTV (chất phụ gia phun trên lúa khác với chất phụ gia phun trên cây mai, cà phê…). Chỉ có xài rồi mới biết được thuốc BVTV của hãng nào tốt hơn hãng nào.
Thí dụ: Với hoạt chất Abamectin thì có đến 71 thương hiệu khác nhau mà mỗi thương hiệu lại có từ 1 đến 4 loại (phần đuôi của tên như EC, WP, WG… cho biết thuốc định dạng thế nào như nhũ dầu, bột tan, huyền phù…), Hoạt chất Abemectin kết hợp với hoạt chất khác cũng có đến 53 thương hiệu khác nhau.
Xin cung cấp cho các bạn một số hoạt chất thường dùng, phần trong dấu () là các hiệu thuốc tham khảo vì có thể nơi các bạn mua không có các hiệu thuốc đó (không quảng cáo cho hiệu thuốc nào cả):
* Họat chất trị bệnh nấm lá:
- Copper Oxychloride (Coc 85WP, Vidoc..)
- Mancozeb (Dithane M45,Penncozeb 80WP,
- Copper Oxychloride 39%+Mancozeb 30% (Coc-Man)
- Các hoạt chất khác:
- Hexaconazole (Anvil 5SC, Calihex 5SC,Tungvil 5SC…)
- Benomyl 25%+ Copper Oxychloride 25% (Vicben C 50BTN)
- Carbendazim (Carbenzim,Bavistin, Arin )
- Diniconazole (Niccozole 25SC, Dara-Win 12.5 WP,Sumi – Eight 12.5…)
- Expoxiconazole (Opus 75 EC, Cayper ..)
* Họat chất trị côn trùng chích, hút (nhện đỏ, bọ trỉ, bọ xít…)
* Hoạt chất trị bọ trĩ: Imidacloprid (Confidor , Admide, Amitox, Amico Canon , Jiami…),
* Hoạt chất trị sâu rầy: Imethoate (Bi 58,Canthoate, Binh 58,Tigithion,Nugor …), Cypermethrin (Sherpa, Cyperan, Shertox…), Thiamethoxan (Actara, Alfaza…).
* Hoạt chất trị sâu rầy, bọ trĩ, nhện đỏ: Methomyl (Lannate, Confilex –loại độc cao, cần hạn chế sử dụng) Fenpyroxinate , Pirodoben…
* Hoạt chất trị sâu, rầy, nhện đỏ, bọ trĩ: Abamectin (Vibamec, Aremec, Azimex, Bamectin…).
* Hoạt chất trị lọai rệp sáp: Methidathion (Suppracide ,Suprathion)
* Hoạt chất trị tuyến trùng: Cytokinin (Sincocin 0.56SL), Chitosan (Stop 5DD, 15WP )
- Lưu ý:
Nhiều thuốc BVTV không những chỉ có một hoạt chất mà có thể kết hợp từ hai, ba hoạt chất cho một tên thuốc.
Thuốc BVTV có 2 nhóm: một có nguồn gốc hoá chất và một có nguồn góc vi sinh. Thuốc có nguồn gốc hoá chất thông thường rất độc cho môi trường, ta chỉ nên sử dụng các chất nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Cục trồng trọt mà thôi, vì những chất nầy sau một thời gian sử dụng từ 5 đến 15 ngày thì phân hủy hết, những loại bị cấm thì không bị phân hủy hoặc tồn tại trong môi trường rất lâu làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Thuốc có nguồn góc hóa chất thì khi tiêu diệt đối tượng cần diệt thì nó diệt luôn những con thiên địch làm mất cân bằng sinh thái.
Loại thứ hai có nguồn gốc vi sinh thân thiện với môi trường hơn, nó có thể là chất sinh ra một loại sinh vật nào đó có khả năng ăn thịt các loại rệp, nhện, sâu rầy nhưng không hại cây, có khả năng là là loại vi khuẩn sống ký sinh trong cơ thể của các loại côn trùng làm cho chúng chết hoặc mất khả năng phá hoại…, nó giết lọc lựa từng nhóm đối tượng và sự phân huỷ chúng nhanh hơn rất nhiều so với thuốc có nguồn gốc hoá chất, nếu không phân hủy thì nó cũng không ảnh hưởng đến môi trường. Nếu có điều kiện chúng ta sẽ trở lại vấn đề nầy.
* Quy ước về tính độc của thuốc:
Theo tổ chức WHO thí tính độc của thuốc được quy ước như sau:
- Vạch màu đỏ là thuốc rất độc
- Vạch màu vàng là thuốc độc trung bình
- Vạch màu xanh nước biển là thuốc ít độc
- Hình “đầu lâu có gạch chéo” là rất nguy hiểm, có thể chết người
Khi sử dụng nên theo các nguyên tắc:
- Đúng loại thuốc và đúng bệnh : Mỗi loại thuốc có tác dụng với một loại sâu bệnh nào đó , nên khi mua phải xem kỹ loại hoạt chất của thuốc ấy có đúng với bệnh của cây không. . Có nhiều loại thuốc có thể trị được nhiều loại sâu bệnh khác nhau (phổ rộng)
- Đúng cách : Phải sử dụng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất , có loại phải pha nước phun lên cây, có loại phải chôn xuống đất….. nếu làm sai thì không tác dụng hoăïc tác dụng không cao.
- Đúng liều lượng : Điều nầy rất quan trọng, với liều lượng khác nhau thì thuốc trị được các loại bệnh khác nhau cũng như các loại cây khác nhau , pha đậm quá có thể làm ảnh hưởng đến phát triển hoặc chết cây, pha lợt qua không giết được sâu bệnh mà còn làm cho sâu, rầy,vi khuẩn lờn thuốc, vì thế khi pha thuốc , nếu dùng ít phải sử dụng ống tiêm (xy lanh) để lường thuốc thì tốt nhất
- Đúng thời gian: Phải phun thuốc trên cây khi trời mát (sáng sớm hay chiều tối), phải dự kiến khi phun thuốc thì trời có mưa không (ít nhất phải cách từ 2 đến 3 giờ để có đủ thời gian thuốc tác dụng). Ngoài ra nên để ý hạn sử dụng của thuốc
* Nguyên tắc bảo quản thuốc:
- Chỉ mua khi cần sử dụng – không để dành quá lâu vì thuốc có thể có hiện tượng thăng hoa làm ô nhiễm môi trường . Khi sử dụng xong thuốc còn lại phải bảo quản thích hợp theo hướng dẫn.
- Thuốc phải để nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Thuốc phải để xa khu vực chứa thực phẫm, chăn nuôi.
- Thuốc phải có nhãn hiệu rõ ràng, phải xếp riêng các loại thuốc , để tránh nhầm lẫn khi sử dụng (thuốc trừ cỏ phải để riêng ).
- Nêú dung môi pha thuốc là xăng, dầu thì thuốc có thể cháy được. Tránh phun thuốc gần ngọn lữa.
- Phải chuẩn bị: Xà phòng, nước sạch, găng tay và cách cấp cứu khi bị nhiễm độc.
b. Phòng sâu bệnh như thế nào?:
- Trong việc phòng bệnh cho cây việc trước tiên là phải vệ sinh tốt vườn cây. Vườn trồng cây phải thoáng và đừng qua ẩm thấp.
- Cây phải tỉa bớt cành đừng để quá rậm dễ làm mồi cho sâu bệnh.
- Khi phát hiện một một cành cây nào xuất hiện nấm mốc, sâu bệnh phải làm vệ sinh ngay như cắt cành đó đem đốt hoặc ra khỏi khá xa khu vườn của mình.
- Xit thuốc ngừa loại bệnh đó nếu nhận thấy khả năng lây lan của sâu bệnh.
- Ta cũng biết rằng một thân thể yếu đuối thì rất dễ làm mồi cho bệnh tật vì thế ngoài việc ngừa và trị bệnh ta cần phải bón phân, tưới nước như phần trên đã trình bày.
c. Phun thuốc thế nào cho có kết quả:
- Nhiều người có thói quen chỉ phun thuốc bên trên cây như thế sẽ không diệt trừ hết sâu, rầy hay mầm bệnh, vì phun như thế một số sâu , rầy ẩn nấp dươi dạ lá, nách nhánh không bị thuốc tiếp xúc nên không chết được. Muốn phun thuốc có hiệu quả thì phải phun như sau:
- Lúc nào người phun phải đứng trên gió.Người phun thuốc phải có bảo hộ lao động (ở nhà có thể mặc áo mưa khi phun thuốc) và nếu thuốc bị bám trên cơ thể phải tắm gội bằng xà phòng.
- Vặn béc phun để thuốc ra khỏi béc dưới dạng sương (hạt nhỏ)
- Cần phun thường được làm cong, nghiêng theo chiều miệng béc lên trên , đặt béc phía dưới phun lên, luồn béc vào các nhánh phun lên thế nào bảo đảm 90% cây có thuốc phun thấm đều bên dưới dạ lá , nhánh cây. Sau đó phun đều lên trên khắp cả cây thì được.
- Thời gian nào tốt nhất để phun thuốc: Buổi chiều tối khoảng 17 giờ trời vừa mát thì phun thuốc tốt nhất với điều kiện là tối hôm đó trời không mưa. Ta biết các lọai côn trùng, sâu rầy thường hoạt động nhiều về ban đêm nên phun thuốc vào chiều tối và phun gần toàn diện như trên thì đạt yêu cầu. Ta cũng có thể phun thuốc vào sáng sớm (trước 6 g) cũng được nhưng tác dụng không bằng phun vào chiều tối.
* Xin chú ý rằng:
- Cách tốt nhất để bảo vệ cho môi trường là chỉ sử dụng thuốc BVTV khi rất cần thiết, chẳng đặng đừng mà thôi, không nên quá lạm dụng.
- Hiện nay một số thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc dược thảo, vi sinh rất có tác dụng tốt với cây và đặc biệt là tốt với môi trường sống của con người . Các nước tiên tiến có công nghệ vi sinh rất phổ biến, các vườn cây được khuyến khích sử dụng. Còn ở nước ta chưa được phổ biến lắm, nên hàng ngày phải sử dụng các loại “rác” của nước ngoài, chưa kể đến các hoá chất độc hại không rõ nguồn gốc cũng được nhập lén từ Trung Quốc về để sử dụng
- Các loại thuốc BVTV nếu là hoá chất rất độc, có thể ta không nhận thấy nó độc trong lúc đang sử dụng, vì chất độc không tác dụng vào cơ thể ta mỗi lần không bao nhiêu nhưng nếu tích lũy hàng trăm lần hay hơn thế thì tới mức độ nào đó thì “lượng biến thành chất” ngay. Trong thuốc BVTV có thứ cực độc, có thứ ít độc hơn, có thứ phân hủy hoàn toàn trong vài tuần, có thứ thì tồn tại lâu dài hoặc không phân hủy được, vì thế khi sử dụng các bạn cần tham khảo danh mục các thuốc không được sử dụng của Cục BVTV (monitor, metyl parathion, DDT… là những thuốc thông dụng trước đây nay đã cấm sử dụng): Hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào đến sự tác hại của thuốc BVTV với người sử dụng nhưng đã có hiện tượng người tiếp xúc thường với thuốc BVTV có sức khỏe không tốt, có người bị bệnh mãn tính và cả ung thư nữa Như trên đã trình bày vì thói quen sử dụng thuốc bừa bãi nên ngày nay các sâu bệnh đã lờn thuốc nên mỗi ngày phải sử dụng liều lượng mỗi lớn hơn, phải thay đổi liên tục các hoạt chất trong thuốc nên bây giờ nếu bảo không nên sử dụng thuốc BVTV thì không thể được nữa Có nhà khoa học khuyên là khi cây nào phát bệnh thì trị riêng cho cây đó không nên quá kỹ lưỡng mà phun xịt hết cả vườn. Đây là một ý kiến ta cần tham khảo.
* Các bạn thử dùng các thuốc BVTV dạng vi sinh hoặc áp dụng cách trị bệnh cho cây của Ông bà ta trước đây xem sao.
Khi trồng mai nếu bị sâu bệnh thì cũng có cách chữa như:
- Khi phát hiện bệnh chỗ nào trên cây thì cắt bỏ ngay chỗ đó (mang cành cây bệnh đi xa để tránh lây lan).
- Dùng hột trái bình bát xay nhuyễn, ép lấy nước để phun xịt trị sâu rầy
- Dùng nước trong tẩu thuốc lào hoặc ngâm các tro và đầu mẫu thuốc lá để xịt lên cây có bệnh
- Hoặc dùng các loại thuốc không độc như:
- Pha thuốc Bordeau (1:1:100) bằng cách dùng 1 phần Sulfat Đồng, 1 phần vôi và 100 phần nước (có thể pha lõang hơn khi bệnh ít).Có công thức khác là dùng 6 g sulphat đồng với 1,5 g vôi sống pha trong 1 lít nước. Cần pha riêng CuSO4 và vôi, sau đó pha lại và sử dụng ngay. Vì Sulfat Đồng có thể tác dụng với kim lọai nên bình xịt cần sử dụng béc nhựa , nếu không có ta dùng bình có béc kim loại nhưng phải sử dụng nhanh và rửa sạch ngay sau khi dùng. Thuốc nầy dùng để trị các bệnh nấm lá, nấm trên cây cho mai, nó không độc với con người và sinh vật, sử dụng rất tốt.
- Dùng 225g lưu huỳnh pha với 112g vôi sống trong 1 lít nước để trị bệnh sau rầy…
-----------------------------------------------------------------
PHẦN VIII. NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH VỚI CÂY MAI
-----------------------------------------------------------------
I/ ĐẠI CƯƠNG VỀ SINH SẢN VÔ TÍNH:
Là cách nhân giống không bằng hạt như cách ghép (tháp), chiết, giâm rễ, giâm cành và cả cách cấy mô. Có thể nói đây là giấc mơ của ông bà ta trước đây, nay đã thành hiện thực và rất phổ biến. Câu “di hoa tiếp mộc” trước đây ngoài ý chê cười những người chuyên lừa đảo, sở khanh, lật lọng, đem râu ông nọ cắm càm bà kia còn nói lên cái mơ ước của ông bà ta trước đây muốn ghép những cây có hoa đẹp vào những cây bình thường . Việc ghép cây ở những thập niên 50 không thấy nói tới, ở thập niên 60 các sách giáo khoa cũng đã có phần sinh sản vô tính trong đó trình bày cách cách ghép cây nhưng mấy ai làm được chỉ trừ một số nhỏ người ở vườn có chuyên môn mới thực hiện được thôi. Từ những thập niên 70 do nhu cầu cần nhân giống nhanh một số cây chủ yếu là cây ăn quả nên việc ghép cây được thực hiện nhiều hơn, đến nay thì nó rất phổ biến. Một người trồng cây bình thường nếu để ý thì cũng ghép được.
II/ CÁC CÁCH NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH VỚI CÂY MAI:
Để phát triển nhanh cây mai thì người ta thường dùng các cách như sau: Ghép, chiết , giâm rễ, giâm cành và cấy mô . Trong đó cách ghép mai được chọn nhiều nhất và cách cây mô thí ít ai thực hiện, cấy mô thường thực hiện với những cây thân thảo, những cây thân mộc như mai việc cấy mô không đem lại giá trị kinh tế và ít có kết quả nên ít có nơi nào làm việc nầy, nên trong bài nầy không trình bày việc cấy mô( người viết cũng không làm được).
1/ GHÉP MAI (tháp)
Ghép (tháp) mai: là việc mang chồi hoặc mầm của cây mai đẹp ghép lên cây mai bình thường. Ghép mai có thể ghép nhiều cách khác nhau như: Ghéo bo (mầm), ghép tược (mắt kim), ghép cắm đọt, ghép áp, ghép xuyên thân, ghép chẻ (ghép nêm)…
Muốn ghép thành công (dù là cách ghép nào) phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Thân ghép (cây mẹ) phải ở thời kỳ sung sức (có nhiều lá non trên ngọn., khi tách vỏ dễ dàng). Trước khi ghép nên có thời gian chăm sóc bón phân cho cây tốt hơn
- Mắt ghép phải lấy ở những nơi cao, có nhiều ánh sáng, không bị sâu bệnh , tuổi mắt ghép gần với tuổi cây mẹ thì tốt hơn.
- Cây mai phát triển nhanh trong mùa Xuân và mùa Hạ, nếu mắt ghép phát triển trong giai đoạn nầy thì thích hợp nhất , vì thế nên ghép mai từ tháng 1 dl đến tháng 5 thì tốt nhất, tuy nhiên mai có thể ghép bất kỳ tháng nào cũng được
- Cây ghép có độ lớn bằng đầu cây đủa hoặc bằng ngón tay út thì ghép tốt nhất
- Ghép trực tiếp lên thân hay nhánh cũng được nhưng vỏ cây già khó tách , khi mắt ghép liền da thì phát triển hơi chậm hơn ghép trên cành còn non
- Phải bao chồi ghép lại để chồi không bị héo trước khi liền da nhận được dinh dưỡng của cây mẹ nhất là ở mùa nắng nhiều
1.1. Dụng cụ ghép cần:
- Dao cắt (1 lưỡi lam để cắt vỏ cây mẹ và chồi ghép, 1 dao cứng hơn để tách vỏ cây, có thể dùng dao mổ trong y khoa để cắt và tách cũng tiện).
- 2 cây gấp (1 để đưa chồi vào vị trí ghép, 1 để banh lớp vỏ ra).
- Cuộn dây nylon loại mềm để cột (có thể dùng băng keo non loại quấn ống nước nhưng hơi đắt).
- Kéo cắt (1 kéo cắt cành, 1 kéo nhỏ cắt lá).
- Bao plastic nhỏ và một số plastic rời để bao chồi ghép sau khi ghép.
1.2. Ghép bo (mầm) và ghép chồi (mắt kim):
Cách ghép hoàn toàn như nhau khi ghép dùng mắt ghép là bo hoặc chồi
Cây mẹ: Chọn vị trí ghép, có thể cắt vỏ cây theo chữ T, chữ I, chữ U hay chữ gì cũng được không quan trọng lắm nhưng phải dùng dao lam khứa ngang trên lớp vỏ độ 6 mm (vị trí cao nhất), rồi khứa dọc xuống khoảng 1cm (nếu cắt theo chữ T) rồi tách 2 lớp vỏ bên ra sát ở vết cắt ngang (trường hợp chữ I thì cắt ngang 2 vết cách nhau 1 cm, cắt dọc xuống ở giữa và tách 2 bên vỏ ra).
Chú ý: Kích thước trên chỉ mang tính tham khảo, kích thước thật phụ thuộc hoàn toàn vào cành ghép và chồi ghép.
Chồi ghép: Lấy bo ghép bằng cách cắt 2 vết ngang trên và dưới một bo mầm, nên chọn nơi còn lá thì tốt hơn, cắt dọc xuống 2 vết ở hai bên mầm ghép, dùng dao cứng tách lớp mầm ghép ra khỏi vỏ, cắt bớt 2/3 lá, dùng một cây gấp banh 2 lớp vỏ ra, tay cầm chỗ chiếc lá đặt chồi ghép vào vị trí ghép của cây mẹ (nếu không có lá phải dùng cây gấp gấp nhẹ đưa cồi vào vị trí). Lưu ý để cây mẹ cung cấp một phần nhựa cho chồi ghép nên đặt thật sát 2 vết cắt ngang của cây mẹ và chồi ghép liền nhau, dùng dây nylon cột từ dưới trước rồi lên trên, cột vừa tay thôi, nếu chặt qua nhựa khó lưu thông còn nhẹ quá lớp vỏ của chồi ghép không tiếp xúc sát với tượng tầng làm chồi khó phát triển ( Các chi tiết nầy không thấy nói tới trong các tài liệu về ghép cây). Trường hợp ghép theo chữ I thì chỉ cần chú ý đến vết bên trên thôi, nếu cả trên và dười cùng tiếp xúc thì tốt hơn. Dùng plastic bao kín lại (không lảy bỏ lá). Khoảng 2 tuần mở bao ra nếu thấy liền da và chồi ghép còn xanh thì yên tâm chồi ghép đã sống và chuẩn bị phát triển , dùng kéo cắt cành cắt ngang cây bên trên cách chồi ghép từ 1,5 đến 2 cm, tiếp tục dưỡng cây khi thấy bất cứ nơi nào ngoài chồi ghép có tược phát triển thì phải lảy bỏ ngay.
Trường hợp chổi ghép là tược nhỏ (hoặc chồi) cách ghép cũng như trên chỉ khác cách lấy chồi ghép thôi. Chồi ghép có mắt kim và lá, cắt 2 vết trên và dưới như ghép bo, dùng dao lam cắt một lớp mỏng (cả vỏ có thể mắt ghép còn một ít gỗ của chồi) tương tự như ghép bo mầm nhưng thời gian chờ cho liền da thì phải hơn 20 ngày mới mở bao và khi cắt ngọn cây mẹ xong nên dùng bao plasic nhỏ bọc lại cả chồi ghép thêm khoảng 10 ngày nữa chờ cho chồi có hiện tượng bung lá thì mở ra luôn. Cách ghép bằng mắt kim dễ thấy kết quả hơn và khi chồi phát triển thì nó phát triển nhanh hơn ghép bo (ghéo bo có khi chồi ghép còn xanh, không nhưng không bung tược non được, một thời gian thì chết luôn).
Ưu khuyết điểm của ghép bo và ghép chồi: Ghép cần phải tỉ mỉ, đặt chồi ghép vào vị trí chính xác thì kết quả mới cao, tuy nhiên cách ghép nầy chồi ghép khi phát triển thì rất tự nhiên như chồi thật của cây.
1.3. Ghép cắm đọt:
Ghép cắm đọt rất đơn giản và thực hiện nhanh. Cây mẹ: dùng dao thật bén vạt xéo khoảng 20 độ theo hướng đứng của cây sâu khoảng từ 5 mm đến 8 mm, tách nhẹ vết vạt rộng ra. Chồi ghép là ngọn của một nhánh mai nhỏ (ở thời kỳ ổn định, nếu có nhiều lá non phải bỏ đoạn đó đi), chồi ghép dài khoảng 2cm, phía dưới dùng dao thất bén gọt xéo (theo hướng tự nhiên) 2 bên tương ứng với vết vạt của cây mẹ, đưa chồi vào vết vạt của cây mẹ, chú ý các phần da vạt phải tiếp xúc nhau, dùng dây nylon cột kín phần tiếp xuc của cây mẹ và chồi ghép lại (cột vừa tay), dùng bao nhựa bọc kín cả chồi ghép lại và cột kỹ bên ngoài để chồi ghép không bị thoát hơi nước, tốt nhất từ 25 đến 30 ngày mở bọc ra nếu thấy chồi tươi và vỏ liền nhau thì cắt bỏ đi phần ngọn và chăm sóc cho mai lớn. Yên tâm hơn là sau khi cắt ngọn dùng một bao plastic nhỏ trùm và cột kín phần chồi ghép lại, khi thấy lá bắt đầu phát triển thì mở bao ra luôn.
Ưu khuyết điểm cách ghép cắm đọt: Thời gian chờ chồi ghép hơi lâu, nên ghép chồi càng thấp càng tốt và không nên ghép cắm đọt chung với các cách ghép khác chồi dễ bị hư hoặc phát triển chậm .
1.4. Ghép áp:
Đây là cách ghép đạt tỉ lệ 100% nhưng thời gian chờ lâu hay mau tuỳ thuộc nhiều vào sự sung sức của cây mẹ và cây làm chồi ghép. Phương pháp ghép rất đơn giản chỉ cần đục lớp vỏ của cây mẹ tương ứng với độ lớn của nhánh ghép và cắt một phần nhánh ghép theo chiều dọc, đặc nhánh ghép vào phần vỏ bị đục của cây mẹ sao cho 2 lớp vỏ cây mẹ và nhánh ghép tiếp xúc nhau (cành nhiều càng tốt) dùng dây nylon cột dính cả hai lại, chờ từ 2 tháng trở lên khi hé ra thấy 2 lớp vỏ của 2 cây liền nhau thì cắt ngọn cây mẹ cắt góc cây con ta được một cây mai ghép, nếu ghép áp để bổ sung chi cho cây thì chỉ cần cắt góc cây con là đủ. Trong trường hợp nầy muốn nhánh ghép lớn nhanh hơn ta phải cắt một vết ngang ( không lớn hơn ¼ chu vi cây) trên nhánh ghép độ 1 cm để kích thích chồi ghép.
Ưu khuyết điểm cách ghép áp: Có thể ghép bất cứ vị trí nào trên cây để tạo bổ sung chi cho mai, tuy nhiên nhánh ghép nầy nếu không chăm sóc kỹ dễ bị hư, thời gian chờ hơi lâu
1.5. Ghép xuyên thân:
Cũng với mục đich tạo chi cho mai như ghép áp , với cây mẹ ta dùng khoan khoan một lỗ xuyên qua thân tại (mũi khoan tương đương cành ghép) dùng một nhánh mai đẹp làm nhánh ghép, cắt bỏ lá, cành quanh nhánh, luồn cành ghép qua lổ khoan đến lúc vừa chật cứng, cạo bớt một phần vỏ nhánh ghép tại điểm tiếp xúc của nhánh ghép với cây mẹ, ép thêm vào và dùng băng keo quấn thật kín lại và chờ khi thấy da chúng liền nhau thì cắt góc cây có nhánh ghép ta được một cây ghép. Trường hợp không có khoan thì dùng cưa cưa vào thân để tạo một rãnh tương đương với nhánh ghép (hay dùng đục cũng được), nhánh ghép được cạo vỏ 2 bên, nhét nhánh vào rãnh nếu để cho vỏ hay cây tiếp xúc nhau thì khả năng liền da nhanh hơn nhưng nhánh ghép bị lệch một bên không đẹp, , dùng thuốc liền da bôi vài và dùng băng keo màu đên dán kín cả vết cắt, khi da cây mẹ phát tiển bao cả nhánh ghép thí cắt góc của nhánh ghép đi.
Ưu khuyết điểm ghép xuyên thân: như ghép áp tuy nhiến cách ghép nầy chắc chắn hơn không sợ bị hư nhánh ghép khi có va chạm
1.6. Ghép chẻ hay ghép nêm:
Trồng mai nhiều năm nhưng tôi chưa thấy ai ghép mai bằng cách nầy cả (đa số dùng để ghép sứ thái), tuy nhiên tôi cũng vẫn trình bày để cho đủ các cách ghép. Trường hợp cây mẹ không lớn hơn cây cho nhánh ghép nhiều tì ta làm như sau: Gốc cây mẹ được chẻ chữ V (hoặc vuốt chữ V ngược), lấy một nhánh ghép làm ngược lại liệu chừng khi lấp vào lớp vỏ trên cùng nó liền nhau, ráp nhánh vào cây mẹ dùng băng keo dán kín vị trí ghép, cột tiếp dây nylon bên ngoài, dùng một bao nhựa bọc cả nhánh ghép lại xuống khỏi vị trí ghép, chờ hơn 30 ngày , nếu thấy nhánh ghép còn tươi thì yên tâm, ta ghép đã thành công.
Trong trường hợp gốc cây mẹ lớn hơn nhiều với nhánh ghép ta làm như sau: Cưa ngang cây mẹ (vị trí tuỳ) chẻ cây mẹ ra làm hai hoặc làn tư sâu xuống khoảng 1,5 cm đến 2 cm, vót nhọn các nhánh ghép nêm vào vết chẻ sao ch da của cây mẹ và các nhánh ghép tiếp xúc nhau , dùng dây cột thật chặc vị trí ghép lại, dùng một bao nhựa trùm kin cả cây và chờ tương tự như trên
Ưu khuyết điểm cách ghép nêm: Không thành công cao (trừ ghép sứ Thái), dưỡng cây hơi lâu mới được cây đẹp.
2. CHIẾT CÀNH:
Mai chiết cành tương đối khó hơn các loại cây khác vì lớp tượng tầng phát triển mạnh, nếu không cạo hết lớp nầy trước khi bó bầu đất thì một thời gian mở bầu đất ra nó liền da lại như củ không hề có một cái rể nào. Thường thì người ta chiết mai khi cần tạo dáng cây lại, nếu cắt đi thì tiếc nên mới chiết cây . Thường thì chiết cây khó có bộ rễ đẹp
2.1. Nguyên tác:
- Nhánh chiết phải sung, không hoặc rất ít sâu bệnh, có nhiều lá và phần lớn lá phải ở trạng thái ổn định (lá từ bánh tẻ trở đi), nhánh chiết càng nhỏ thì cây ra rễ càng nhanh, cây lớn có lớp vỏ già chiết rất khó ra rễ hoặc phải mất một thời gian dài.
- Chiết mùa nào cũng được nhưng cố tránh mùa mai có nụ lúc ấy lá quá già, sự quang hợp giảm cũng như khả năng biến đổi nhựa nguyên thành nhựa luyện kém.
- Phải cạo thật sạch hết tượng tầng (lớp tế bào mỏng nằm giữa lớp vỏ và lớp mộc).
2.2/ Cách chiết:
- Dùng dao bén cắt khoanh tròn quanh thân tại vị trí cần chiết, Không cắt quá mạnh để phạm vào gỗ.
- Cắt một khoanh thứ hai bên dưới và cách vết bên trên ít nhất 5 cm (Các cây khác chỉ cần cắt cách 3 cm là vừa).
- Dùng dao tách bỏ lớp vỏ giữa 2 khoanh cắt.
- Cạo nhẹ phần tượng tầng thật kỹ (để như thế chừng hơn 10 ngày sau, kiểm tra lại xem lớp tượng tầng có phát triển trở lại không, nếu có phãi tiếp tục cạo lại cho đến khi không còn lớp tượng tầng và thấy phía dưới khoanh cắt bên trên vỏ cây hơi lồi ra thì mới tiếp tục công việc)
- Dùng thuốc kích thích ra rễ (thường là loại có hoạt chất NAA ) thoa lên khoanh cắt trên theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Chờ cho khô thuốc, có thể để cách một ngày, dùng xơ dừa cũ bó quanh vết cắt (hoặc các vật liệu khác như rễ lục bình, tro trấu trộn với đất thịt , nếu có lông heo, hay tóc trộn vào một ít càng tốt), nếu mùa mưa hoặc người trồng có công chăm sóc thi bao lại phần hổn hợp bằng vải (bao bố), nếu không có công chăm sóc thì dùng bao plastic bọc lại và cột thật kín hay đầu, độ ẩm của đất và cây tiết ra làm chất bó vào luôn ẩm không cần phải tưới.
- Phải chờ một thời gian tuỳ theo cây lúc chiết có sung không, tán lá của nhánh chiết có nhiều không, vỏ cây nơi chiết có già quá không thì thời gian ra rễ phụ thuộc vào các yếu tố đó.. Chừng nào thấy rễ phát triển , lúc đầu rễ non màu trắng sau đó già và vàng đi, lúc ấy mới cắt nhánh chiết ra khỏi cây mẹ. Cũng có thể cắt khoanh vỏ, thoa thuốc kích thích rổi uốn cây sát đất chôn phần cắt lại và theo dỏi khi ra rễ thì cắt để trồng như cây ghép thông thường).
- Cách chăm sóc sau khi chiết thành cây mới: Cây mới cắt ra thường bộ rễ còn ít trong khí tán nó còn lớn, bộ rễ không đủ sức cung cấp dinh dưỡng cho cả cây và lượng lá nhiều cũng tạo sự thoát hơi nước là cây dễ thiếu nước, vì vậy trước khi trồng nên tỉa bớt tán cây đi nếu rễ ít phải tỉa nhiều , có người thì lảy lá chỉ để một ít cho cây hô hấp thôi. Khi cưa dưới bầu chiết nhúng bầu chiết trong nước hơn 15 phút sau đó mở bao nhựa ra (nếu bó bằng vải hoặc bao bố thì không cần mở ra), Trồng cây vào chậu và cắm ít nhất 3 cây để cố định cây mai chiết (đất chưa cứng nên phải dùng 3 cây), Đem chậu để vào bóng mát và lúc đầu tưới trùm lên cả cây 2 lần mỗi ngày, chờ khi lá non phát triển thì mang nó ra nắng từ từ và chăm sóc bình thường.
Ưu khuyết điểm của mai chiết:
Gây giống cây mai nhanh và cây chỉ cần một năm thì có thể cho hoa bình thường. Tuổi thọ của cây không thể bằng cây ghép hay mai nguyển thuỷ được. Khi bộ rễ chưa phát triển đủ có thể một số cành bên dưới bị chết.
3. GIÂM RỄ - CÀNH
3.1.Giâm rễ:
Việc giâm rễ để tạo ra cây mai mới dễ hơn rất nhiều so với giâm cành. Thông thường khi bứng mai ta phải chặt bỏ bớt rễ (rễ mai rất dài), bỏ đi rất tiếc nên người ta tận dụng các đoạn rễ giâm để tạo cây mới. Giâm rễ có cây mới đẹp hơn nhiều so với cây chiết hay giâm cành. Việc giâm rễ thuận tiện nhất trong giai đoạn bắt đầu mùa mưa.
Cách thực hiện:
- Chọn rễ cây có đường kính chừng 4 mm đến 10mm thì tốt nhất nhưng với rễ lớn hơn mà còn một ít rễ nhỏ bám theo giâm vẫn phát triển tốt.
- Có thể chặt rễ ra mỗi đoạn chừng 1,5 dm trở lên, phần vết cắt dưới dùng dao thật bén gọt thật “ngọt” không để bị dập.
- Vết cắt trên dùng keo sinh học thoa lên để giảm bớt thoát hơi nước.
- Nếu quanh rễ còn các rễ nhỏ thì cố gắng tránh đừng cho nó tổn thương.
- Ngâm phần dưới của rễ vào thuốc kích thích ra rễ. (Liều lương và thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
- Đất trồng có thể sử dụng hổn hợp phân tro xơ dừa nhưng phải có ít nhất 30% đất thịt, dùng chậu nhỏ để giâm thì tốt nhất (khi cây phát triển thì ươm luôn ở đó).
- Đẩt bỏ vào châu không nén cứng quá, chôn rễ nằm nghiêng khoảng 30ođến 45o phần trên nhô khỏi mặt đất chừng 1,5 cm.
- Tất cả đặt trong bóng mát , tuỳ theo đất khô nhiều hay ít mà dùng vòi sen tưới nhẹ lên mặt chậu mỗi ngày từ một đến hai lần.
- Trong quá trình tưới cần bổ sung thêm đất để giữ độ nhô lên của rễ như lúc đầu và kiểm ra sự thoát nước của chậu.
- Nếu rễ phát triển được thì từ 20 ngày trở di các tược non sẽ phát triển phần trên của rễ, có thể nhiều tược phát triển nhưng ta chỉ nên để lại từ một đến 2 tược thôi (phải lảy bỏ thật sớm từ khi tược mới nhú lên).
- Cây phát triên,chăm sóc ta được mai lên từ rễ rất đẹp.
* Ưu khuyết điểm của giâm rễ:
Giâm rễ dễ thành công có thể đạt trên 80% thực hiện giâm rễ trong giai đoạn đầu mùa mưa tỉ lệ thành công rất cao, cây phát triển từ rễ lớn nhanh và có hoa sớm hơn.
3.2. Giâm cành:
Đây là việc làm kho. Tỉ lệ thành công không cao vì nó đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Khi tỉa cành bỏ đi thì rất tiếc nên người ta giâm cành nếu lên được thì tốt bằng không thì thôi ít quan tâm tới. Thông thường giâm cành có tỷ lệ thành công rất thấp, nếu có nhiều kinh nghiệm và điều kiện thì có thể đạt trên dưới 50% là quá mức còn bình thường chỉ chừng 20% thôi hoặc còn thấp hơn.
Cách thực hiện:
- Cành giâm phải ít bệnh (không thấy có bệnh) ltrạng thái ổn định (tất cả lá phát triển hoàn chỉnh- chưa già lắm), cành cắt phần ngọn dài chừng 1,5 dm đến 2 dm, cắt bớt là còn lại chừng 1/5, dùng dao thật bén gọt xéo thật “ngọt” bên dưới. Trước khi giâm cành phải ngâm với thuốc kích thích rễ với liều lượng và thời gian theo nhà sản xuất hướng dẫn.
- Môi trường giâm:
- Phải chọn nơi giâm phải thoáng, không để nơi chật hẹp tù túng không khí.
- Phải che để giảm nắng cho mai giâm nhất là vào buổi trưa
- Có thể giâm trên liếp, trong chậu nhỏ hay chậu rộng giâm một lúc nhiều cành.
- Chất để giâm : Than trấu (không phải tro vụn) + Xơ dừa (phải ngâm nhiều ngày cho hết nước chát) + Cát to hạt. Trộn với nhau thành hổn hợp xốp, thoát nước thật tốt.
- Cành giâm không được chôn quá sâu chừng 1 cm và cắm cây kềm giữ để không bị lay động do gió hay khi tưới.
- Khi tưới nên dùng bình phun thuốc BVTV phun dưới dạng sương và lúc đầu mỗi ngày phun ít nhất 4 lần để giữ cành luôn bị ướt (không cần tưới nhiều dưới đất vì cây thẩm thấu qua góc khi chưa có rễ rất ít). Khoảng hơn hai tháng nếu cành giâm sống thì rễ mới phát triển, lúc nầy dùng vòi sen để tưới cho cây... Trong lúc phun nước trên cành giâm mỗi tuần có thể pha thêm loại thuốc kích thích rễ dạng NPK để phun.
Ưu khuyết điểm cách giâm cành: Tận dụng đước các nhánh phải bỏ đi nhưng phải đỗ công vào rất nhiều mà kết quả không cao.
III. KẾT LUẬN:
Việc nhân giống bằng sinh sản vô tính ngày nay rất phổ biến đối với mai nhất là việc ghép mai, nhờ cách nầy mà một giống mai mới xuất hiện thì chỉ trong một thời gian ngắn cây được nhân lên rất nhanh. Các cách nhân giống khác như chiết giâm cũng được sử dụng như không phổ biến lắm. Còn cách cấy mô thì cũng ít ai làm đối với cây thân gỗ . Bài viết trên đây xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình trồng mai. Có thể còn nhiều chủ quan, mong các bạn có kinh nghiệm nhiều đóng góp thêm.
------------------------------------------------------------
PHẦN IX. CHĂM SÓC MAI TRONG MÙA MƯA
------------------------------------------------------------
(Tháng 4,5,6,7,8,9 âm lịch)
Giai đoạn nầy mai tích luỹ dưỡng chất, phát triển và chuẩn bị tạo nụ hoa
Mùa mưa miền Nam rơi vào cuối tháng 3,. đầu tháng 4 (âl) năm nay , ứng với tháng 5 (dl) . Đây là giai đoạn cây tích luỹ dưỡng chất để phát triển và chuẩn bị cho việc tạo nụ hoa hòan chỉnh. Những cơn mưa đầu mùa sau những ngày nắng nóng, kèm theo sấm sét làm cây như tiếp nhận thêm nguồn năng lượng thiên nhiên nên bật phát triển mạnh, nếu trước mùa mưa người chăm sóc mai chuẩn bị bón phân đầy đủ cho cây. Sự phát triển nầy cũng kèm theo nguy cơ là côn trùng, nấm bệnh cũng phát triển theo. Chăm sóc mai phải nắm rõ tính chất nầy.
Để tập trung theo từng công việc, tôi tạm chia ra làm ba việc chính: Tỉa cành, bấm đọt, Bón phân, Sâu bệnh và các vấn đề chú ý, thay vì công việc làm từng tháng như bài viết trước.
1. Việc tỉa cành-bấm đọt:
- Sau Tết ngòai việc xả tàn vào những ngày giữa tháng giêng âm lịch ra thì việc tỉa tán để hòan chỉnh tán cho cây có thể thực hiện cho đến đầu tháng 5 âl.
- Khi đã xả tàn thì các chồi ngủ gần vết cắt sẽ phát triển thành nhiều tược non, tùy theo sức khỏe của cây mà các tược nầy sẽ phát triển nhanh hay chậm hoặc một vài tược bị tranh mất thức ăn nên bị chết đi.
- Trong các tược phát triển thường chỉ có một hoặc hai có đủ điều kiện hơn nhận phần dinh dưỡng nhiều nên phát triển nhanh hơn các tược khác, vì thế ta không nên để một lúc nhiều tược mà phải lảy bớt một số tược hơi yếu và ở những vị trí không tốt cho việc tạo tán của cây...
- Sau khi ăn Tết Đoan Ngọ thì tán cây cơ bản không thay đổi nữa nhưng việc bấm đọt vẫn có thể thực hiện cho đến tháng 7 âl.
- Việc bấm đọt thực hiện như sau: khi tược phát triển từ thân cây hay cành, tược cho ra được từ 4 đến 6 lá và đọt có khuynh hướng phát triển tiếp thì ta bấm đọt, chỉ cần bấm đứt đi phần ngọn nhỏ là tược không phát triển theo hướng đó nữa mà tại các nách lá các chồi nhỏ sẽ phát triển dài ra . Tùy theo sự định dạng hình dáng cây của ta mà có thể tiếp tục bấm hoặc không bấm để ngăn chận hoặc cho phát triển theo một hướng nào đó.
- Ta cũng có thể dung dây nhôm bọc vải (chỉ) để quấn định dạng cành từ tháng 6 âl đến tháng 9 hoặc tháng 10âl cành ổn định nên mở ra để dây khỏi hằn vào cây không đẹp lắm. Cũng xin lưu ý là những chồi mọc chen, có cành nhỏ phải tỉa bớt để cây không quá rậm rạp làm mồi cho sâu bệnh. Những cành nầy chỉ tranh dành chất dinh dưỡng chứ không có ra hoa.
2. Phân bón cho cây:
- Ngay sau khi chưng Tết ta tưới phân Urê lõang hoặc dung thuốc kích thích chỉ với mục đích là kích cây để tạo chồi non nhanh để cây làm nhiệm vụ trao đổi chất. Khi cây đã ổn định người trồng mai lại bắt đầu thay đất cho cây và tiếp tục bón phân để cây phát triển . Tốt nhất đợt bón phân sau Tết người ta thường bón bánh dầu để cây được cung cấp nhiều đạm hơn. Nếu chăm sóc tốt thì tháng 4 âl , dù cành bị tỉa chưa ra dài nhưng bộ lá của mai cũng phủ kín cả cây , người trồng có thể nhìn màu sắc của lá để đánh giá được cây mai của mình thiếu chất gì để điều chỉnh bổ sung chất trong tháng 5 âl.
- - Tháng 6 âl nên bón phân thêm phân Dynamix Lifter và phân lân vi sinh ( trên thị trường có bán Phân lân vi sinh Sông Gianh) , trong tháng nầy nếu bộ lá chưa tốt ta có thể phun thêm NPK (30-20-10) hoặc Đầu trâu 501 Trong tháng 7 và 8 :Mưa nhiều cây cũng chuẩn bị tích luỹ chất để hình thành nụ hoa nên từ đầu tháng 7âl nên bón thêm phân Lân vi sinh dưới gốc hoặc dùng một ít DAP (nếu bộ lá chưa tốt) Trường hợp các bạn ở miền Tây có bán phân dơi sử dụng là tốt nhất, vì phân dơi có rất nhiều Lân dễ hấp thu . Cuối tháng 8 đến hết tháng 9 âl ta thấy cây không còn phát triển lá nữa (hoặc phát triễn rất ít nếu trước đó có bón phân có hàm lượng đạm hơi cao), moi rễ lên ta thấy cũng không còn rễ non . Đây là giai đọan nhà vườn gọi là giai đọan “cắt ngọn”.vì vậy nếu bộ lá cây còn xanh tốt ta không bón thêm các phân có chứa nhiều đạm nữa mà chỉ có chất Lân và Kali là chủ yếu . Trong việc bón phân tùy theo bộ lá mà bón, bón cách nào để đến tháng 9 âl cây có bộ lá xanh, dày là đạt yêu cầu.
- Một vài ý kiến riêng về việc hình thành nụ hoa ở mai: Nụ hoa có khả năng hình thành từ tháng 6 âm lịch trở đi nếu phân bón cây có chưa nhiều lân, các nụ nầy sẽ làm cho mai nở sớm .Năm vừa qua , tôi đã tiến hành thực nghiệm trên cây mai bằng cách ghép mắt kim kéo dài từ tháng 6 dl cho đến tháng 11 dl thì thấy rằng các mắt ghép từ đầu tháng 6 phát triển thành tược, một cây ghép vào ngày 28/6 dl phát triển thành nụ hoa nhưng bị rụng đi và phát triển thành tươc, một số cây ghép vào tháng 7dl, tháng 8dl thì một vài cây phát triển thành tược, một số lại phát triển thành nụ càng về sau thì phát triển nụ càng nhiều và khoảng tháng 11 dl thì gần như các chồi ghép đều phát triển thành nụ cả.nên nụ phát triển hoa trước sau đó tược mới phát triển (thường thì tại mắt ghép có đến hơn 2 tược). Việc nầy cần phải nghiên cứu thêm, năm nay tôi sẽ thực hiện lại để xác định cho chính xác hơn nhưng bước đầu cũng có thể cho thấy rằng nụ hoa có thể hình thành từ tháng 6 trở đi, vì vậy việc tăng lượng lân sớm quá có thể làm cho một ít nụ hoa hình thành già đi và nở sớm.
- Trong tháng 8 âl và 9âl giai đoạn cuối cùng để cây tích lũy dưỡng chất để tạo hoàn chỉnh nụ hoa cho Tết. Mưa bắt đầu giảm từ tháng 9 al nhưng vẫn còn , nhện đỏ cũng giảm đi một phần. Từ tháng 9âl nếu phân bón có đạm nhiều thì có thể cây còn bung tược non, trường hợp nầy có ảnh hưởng nhất định đến hoa. Cây trong giai đoạn làm nụ nên cũng cần dinh dưỡng vì thế nên bón thêm phân hữu cơ đậm đặc của Úc kèm theo phân lân vi sinh. Theo tài liệu nghiên cứu của GS Jiang Qing Hai cho biết nụ hoa hình thành giai đoạn cuối cùng giữa tiết Sương Giáng và tiết Lập Đông (23/10->7 /11 dl) giai đoạn nầy ngày ngắn hơn đêm (quang kỳ) và nhiệt độ miền Nam lý tưởng cho việc hình thành nụ. Những nơi trời quá lạnh như ở miền Bắc mai không phát triển được nụ vì vậy phải có chế độ sưởi ấm cho mai từ 16 độ đến 24 độ mai mới hình thành nụ được .Nếu trước giai đoạn nầy tăng cường phân lân thì việc hình thành nụ hoa rất ổn. Xin nói thêm việc hình thành nụ hoa phải có 3 điều kiện: quang kỳ, nhiệt độ, và phân bón. Riêng ở miền Nam thì nhiệt độ từ tháng 6 trở đi rất hợp cho việc hình thành nụ, nếu ta bón lân quá sớm thì nụ hoa sẽ hình thành sớm, những tháng nầy mưa nhiều, trời u ám, nắng ít. Đó chính là nguyên nhân một số mai nở sớm. Như vậy việc nở sớm của mai cũng do một phần rất lớn ở chúng ta chứ đâu phải hoàn toàn do thời tiết.
3. Các sâu bệnh thường gặp trong mùa mưa và các vấn đề cần chú ý:
- Do thói quen lạm dụng thuốc của con người mà hiện nay gần như tất cả mọi nơi khi trồng mai thì phải sử dụng thuốc bảo vệ thưc vật (BVTV), Thuốc được phun từ vườn cây ăn trái, từ đồng ruộng …thuốc BVTV giết chết sâu bệnh đồng thời giết luôn cả các con thiên địch tạo nên sự mất cân bằng nghiêm trọng trong tự nhiên. Chỉ cần thời tiết thuận lợi thì trứng các lọai côn trùng như sâu, bọ trĩ, nhện đỏ sẽ nở và phát triển nhanh. Không còn biện pháp nào khác nữa hiện nay người trồng mai cũng phải phun thuốc dù ai cũng biết thuốc BVTV rất độc hại với con người và môi trường.
- Phòng - trị sâu bệnh trong mùa mưa: Như trên đã nói mùa mưa là mùa cây phát triển rất nhanh và kèm theo sâu bệnh phá họai cũng không ít. Trong những ngày đầu mùa mưa (tháng 5 âl) trời rất oi bức, ẩm độ cao tạo điều kiện tốt cho bọ trĩ (rầy lửa) phát triển mạnh và nấm hồng cũng phát triển mạnh theo (nếu cây bị rong rêu, mấm mốc khác). Những tháng sau đó mưa nhiều hơn lượng bọ trĩ giảm đi nhưng nhện đỏ lại thay thế , cao điểm phá họai của nhện đỏ vào tháng 8 âl .Nấm mốc - vi khuẩn : Đây là kẻ thù số một của mai, Sâu rầy tấn công thì mai có thể bị mất sức chỉ khi ta không để ý đến lúc bị quá nhiều thì mai mới bị chết nhưng nấm mốc là kẻ thù “dấu mặt” của mai, đến khi phát hiện mai bị nhiễm khuẩn thì có thể là hơi muộn màng, nhiều khi xịt thuốc thì mai chết luôn. Nấm mốc thường phát sinh trong những tháng mưa nhiều , nhất là những cây trồng nơi râm mát, ít thóang khí. Thường ta bón phân hữu cơ như bánh dầu rất dễ có nấm mốc. Bắt đầu là rong rêu bám trên cây, cành, sau một thời gian nấm mốc có chỗ ở và phát triển lan dần từ thân đến lá.
- Các lọai nấm lá cũng là nguyên nhân của sự rụng lá sớm, làm cho mai nở không đúng Tết. Nấm lá xuất hiện nhiều khi trời mưa dầm, ít nắng hay trời nóng mà có ẩm độ cao. Nấm lá có nhiều lọai như nấm hồng, rỉ sắt, thán thư, cháy lá… Nếu bệnh nhẹ cây bị mất sức, bệnh nặng và có cùng một lúc hai thứ bệnh trở lên cây có thể chết... Trồng mai trong mùa mưa nếu, Không giải quyết được nhện đỏ và nấm lá thì xem như năm nầy thất thu. Ngoài ra còn vấn đề phải quan tâm là mưa nhiều lúc nào đất trong chậu cũng luôn ẩm ướt, phải thường xuyên kiểm tra xem chậu có bị bít lỗ thoát nước không? Nước mưa có đọng lại quá lâu trong chậu do lổ thóat nước quá nhỏ hay phần đất bên dưới chậu bị nén ngăn trở một phần sư thóat nước , việc nầy làm cho một phần lông hút của rễ bị hư đi, cây sống trong nước nhưng không hấp thụ được nước. Hiện tượng nầy kéo dài ba bốn ngày làm cho một ít rễ bị đen và mất khả năng hấp thụ nước và muối khóang nuôi cây (hạn sinh học).
Không có nhận xét nào: