Ảnh: Ruộng bắp cải sắp thu hoạch (nguồn: thiennhien.net) |
---------------------
1. Thời vụ trồng:
---------------------
Cải bắp là cây ôn đới nên có thể trồng vào 3 vụ trong năm:
- Vụ sớm: gieo cuối tháng tháng 7 đến đầu tháng 8
- Vụ chính: gieo cuối tháng 9 đến đầu tháng 10
- Vụ muộn: gieo tháng 11 đến giữa tháng 12
-------------------------------
2. Gieo hạt, ươm cây con:
-------------------------------
- Làm đất kỹ, bón lót 3-5kg phân chuồng hoai mục + 1kg lân cho 1 thùng xốp 40 lít.
- Hạt giống nên ngâm vào nước 2 sôi 3 lạnh (khoảng 40 độ C) trong 3 giờ.
- Vớt hạt ra, rửa sạch, để ráo nước.
- Cho hạt vào miếng vải cotton nhúng nước, vắt kiệt rồi gói lại.
- Cho miếng vải bọc hạt vào túi nilon, buộc kín rồi cất vào tủ lạnh, ngăn mát (khoảng 15-23 độ C).
- Sau 2-7 ngày, hạt nẩy mầm, dem gieo.
- Gieo xong, phủ lên một lớp rạ dày 1-2cm, sau đó dùng ô doa tưới đẫm nước.
- Độ sâu gieo hạt thích hợp: 2 -3 cm.
- Trong 3-5 ngày sau gieo, tưới 1-2 lần/1 ngày, khi hạt nhô lên khỏi mặt đất, ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cứ 2 ngày tưới 1 lần.
- Nhổ tỉa cây bệnh, cây không đúng giống, để mật độ 3-4cm cây cứng cáp. Sau mỗi lần nhổ tỉa kết hợp tưới thúc bằng phân chuồng + nước tiểu ngâm ủ sẵn, pha loãng. Không tưới phân đạm ure.
- Tiêu chuẩn cây giống tốt: Phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn. Cây có từ 4-6 lá thật thì nhổ trồng là tốt nhất.
--------------
3. Làm đất:
--------------
- Cải là cây ưa đất thịt nhẹ, mùn, độ phì cao nên trước khi trồng nên chuẩn bị đất thịt nhẹ hoặc đất phù sa có độ pH ổn định, trong khoảng 5,6 - 6,5, hàm lượng hữu cơ khoảng 1,5%
- Làm đất kỹ: trộn vôi bột với đất, rồi phơi ải đất ít nhất từ 5 – 7 ngày trước khi trồng.
- Nếu trồng vào thùng xốp thì trộn khoảng 1 vốc tay vôi bột. Nếu trồng ở vườn, thì lên liếp rộng 1-1,2m cao 20-30 cm, vét đất ở rãnh cho lên liếp. Vào mùa mưa (vụ sớm) thì cần lên liếp dạng mai rùa, vụ chính và vụ muộn chỉ cần lên liếp bằng phẳng là được.
- Mật độ trồng:
+ Trồng 2 cây/thùng xốp 40 – 60lít.
+ Nếu trồng trong vườn, ruộng thì mật độ nên là: cây cách cây 30-40cm, hàng cách hàng 50cm (vụ sớm), vụ chính: cây cách cây 50 cm, hàng cách hàng 50 cm để đạt hiệu quả cao nhất.
- Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp (polietylen) để phủ đất hạn chế tối đa cỏ dại. Dùng đất chèn mép luống và đục lỗ trồng.
----------------
4. Chăm sóc:
4.1. Bón phân:
------------------
- Chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục, tuyệt đối không dùng phân tươi. Lượng phân chuồng cho 1 thùng xốp là từ 3-6kg; 800 - 1000kg/sào Bắc Bộ, dùng bón lót.
- Sử dụng phân vô cơ để bón thúc theo liều lượng sau:1: ½ : ¼ (lân:kali:đạm).
+ Nếu trồng trong thùng xốp thì cứ 1 thùng xốp, sử dụng 1 chén uống nước lân trộn với ½ chén kali trộn tiếp với ¼ chén đạm (ure) thành hỗn hợp A. Pha hỗn hợp này với bình 10-15 lít, tưới cho cây vào buổi chiều mát.
+ Nếu trồng trong vườn, có thể sử dụng lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ: 40-50 kgN; nếu sử dụng lân hữu cơ vi sinh thì lượng bón cần thiết là: 20 kg P2O5 (100 kg supe lân); lượng kali cần thiết là: 30-50 kg/sào Bắc Bộ.
----------------------------------
(*) Bón thúc làm 3 thời kỳ:
----------------------------------
- Thời kỳ cây hồi xanh: bón nốt lượng kali còn lại +1/3 lượng đạm còn lại.
Cách bón: bón gốc cây kết hợp xới vun
Số đạm còn lại chia đôi, hoà với nước tưới gốc vào 2 thời kỳ :
- Thời kỳ trải lá bàng : 30-35 ngày sau khi trồng
- Thời kỳ cuốn bắp : 45-50 ngày sau trồng.
- Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.
-------------------
4.2. Tưới nước:
-------------------
- Tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù chưa được xử lý để tưới. Có thể dùng nước giếng khoan, đã được xử lý, tốt nhất là dùng nước thuỷ cục (nước sạch nhà máy).
- Sau khi trồng phải tưới nước ngay, ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh, sau đó 2-3 ngày tưới 1 lần;
- Các đợt bón thúc đều phải kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước;
- Khi cây trải lá bàng có thể tưới ngập rãnh, sau đó phải tháo nước ngay tránh ngập úng.
-----------------------------
5. Phòng trừ sâu, bệnh:
-----------------------------
- Nếu trồng diện tích hạn hẹp, dùng cho gia đình thì không nên dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nếu bắt buộc dùng do sâu quá nhiều thì chỉ nên dùng các thuốc có thành phần thảo mộc, thuốc sinh học như dầu khoáng đầu trâu Biohopper hoặc SK enspray 99 EC. Nếu các thuốc trên vẫnkhông có tác dụng thì buộc phải dùng thuốc hoá học nhưng nên lưu ý các hướng dẫn sử dụng ở vỏ bao bì, đặc biệt là nồng độ và thời gian cách ly. Áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong việc sử dụng thuốc trừ sâu hoá học: đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách và đúng lúc.
--------------
5.1. Sâu hại:
--------------
- Cải bắp thuộc họ rau thập tự nên tất cả các loại sâu hại có trên rau họ thập tự đều có ảnh hưởng đến cải bắp, trong đó có các loại sâu hại chính:
+ Sâu tơ (tên khoa học: Plutella xylostella) là sâu gây hại nguy hiểm nhất. Chúng phát sinh và gây hại liên tục từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Sâu rất nhanh quen thuốc nên khả năng kháng thuốc cao.
+ Các loại sâu khác như: Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), sâu khoang (Spodoptera liture), rệp (Aphis sp.) thường phòng trừ kết hợp với sâu tơ. Nếu chỉ riêng có rệp hại nặng, thì dùng thuốc Sherpa 20EC, Sumicidin 10EC, Trebon 10EC, Suprathion và Pegasus.
--------------------------------------------------
(*) Biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM):
--------------------------------------------------
- Phải xử lý cây giống trước khi trồng bằng cách nhúng từng cây con vào dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG pha nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5-10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng;
- Khi cây lớn phải sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: Thuốc sinh học (BT, Delfin WP (32 BIU), Dipel 3,2WP, Aztron 700 DMBU, Xentary 35 WDG,...), thuốc hóa học (Sherpa 20EC, Atabron 5 EC, Regent 800WG, Pegasus 500 SC,...) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Neembon A-EC Nimbecidin 0,03EC,...). Nồng độ và lượng nước phải pha theo hướng dẫn trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.
- Ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày. Trong thời gian này, nếu sâu còn gây hại nặng, thì chỉ dùng nhóm thuốc sinh học hoặc thảo mộc.
- Trồng luân canh giữa rau cải bắp với các họ rau khác: đậu, cà. Trên cùng một chân đất, có thể trồng xen canh rau họ thập tự với cà chua để hạn chế gây hại của sâu tơ (Cà chua có mùi mà sâu không ưa). Cứ 2 luống cải bắp lại trồng 1 luống cà chua.
-----------------
5.2. Bệnh hại:
-----------------
- Một số bệnh thường gặp:
+ Bệnh thối nhũn do vi khuẩn (Erwinia carotovora sp.)
+ Bệnh thối do nấm (Sclerotinia sclerotium)
+ Bệnh đốm lá (Cereospora sp.).
- Để phòng trừ, cần tránh ruộng quá ẩm, úng kéo dài, thường xuyên làm vệ sinh, làm cỏ, thu gom các lá già,... làm cho ruộng sạch, thông thoáng.
- Khi cần có thể dùng các thuốc:
+ Trừ bệnh thối nhũn: Zineb Bul 80WP, Macozeb 80WP, Ridomil MZ 72 WP, Anvil 5SC, Aliette 80WP, Curzate MB 72WP;
+ Trừ bệnh đốm lá, dùng thuốc: Score 250EC, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Antracol 70WP.
+ Khi sử dụng phải theo đúng hướng dẫn bao bì của từng loại thuốc, thời gian cách ly không dưới 10 ngày.
-----------------
6. Thu hoạch:
-----------------
- Thu hoạch khi bắp cải cuộn chặt, loại bỏ lá gốc, lá bị bệnh, không ngâm nước, không làm giập nát.
------------------------------------------------------------------------------------
(*) Đọc thêm về quy tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
------------------------------------------------------------------------------------
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây trồng. Tuy nhiên trong thực tế sản xuất của người dân, hiện tượng lợi bất cập hại vẫn còn thường xuyên xẩy ra, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất, sản lượng, thu nhập, bản thân, xã hội, môi trường…Vì vậy để nâng cao hiệu quả của công tác sử dụng thuốc BVTV để phòng và trị sâu bệnh cho cây trồng, chúng tôi xin giới thiệu cùng bà con về nguyên tắc 4 đúng như sau:
Trong hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV ngành BVTV thường hướng dẫn tuyên truyền nông dân phải áp dụng nguyên tắc 4 đúng gồm : Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
1. Nguyên tắc sử dụng đúng thuốc:
Khi quyết định sử dụng thuốc BVTV cần phải biết rõ loài dịch hại cần tham khảo cán bộ chuyên môn BVTV hoặc ban nông nghiệp tại địa phương. Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Cần tìm hiểu kỹ xem loại thuốc định mua có an toàn với cây trồng sẽ được phun hay không đặc biệt chú ý khi mua và sử dụng thuốc trừ cỏ
Thay đổi loại thuốc trong quá trình sử dụng, không nên sử dụng một loại thuốc trong thời gian dài hoặc từ năm này qua năm khác để ngăn ngừa hiện thượng quen thuốc, kháng thuốc của dịch hại .
2- Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng lúc
Phun thuốc vào thời điểm dịch hại dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn tuổi nhỏ đối với sâu và ở giai đoạn đầu đối với bệnh . Phun vào lúc trời má, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá. Hạn chế phun lúc cây đang ra hoa, không phun thuốc khi trời nắng nóng sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc hoặc trời sắp mưa có thể làm rửa trôi thuốc. Không phun thuốc vào thời điểm quá gần ngày thu hoạch (tuỳ thuộc vào thời gian cách ly của từng loại thuốc để xác định thời gian ngừng phun thuốc trước thu hoạch). Phun khi mật độ sâu, tỷ lệ bậnh đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế (điều này cần có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xác định đối với từng loại sâu, bệnh ở từng thời kỳ và mức độ sinh trưởng phát triển của cây trồng).
3. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng.
Đúng nồng độ liều lượng ở đây bao gồm lượng thuốc và lượng nước trên đơn vị diện tích theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Không được tuỳ ý tăng nồng độ của thuốc cao sẽ gây hại cho người sử dụng, cây trồng, môi trường và làm tăng chi phí, hoặc phun ở nồng độ quá thấp sẽ làm cho dịch hại quen thuốc, kháng thuốc tạo nguy cơ bùng phát dịch.
4. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng cách .
Về nguyên tắc này trước hết phải kể từ khâu pha thuốc. Khi quyết định sử dụng thuốc phải tính toán kỹ lượng thuốc và lượng nước cần sử dụng. Khi pha thuốc nên cho vào bình 1/3 – 1/2 lượng nước rồi cho nước vào rồi khuấy đều, sau đó tiếp tục cho đủ lượng nước còn lại vào khuấy kỹ để thuốc phân tán đều trong nước. Không tự ý hỗn hợp hay nhiều loại thuốc BVTV với nhau bởi khi hỗn hợp có trường hợp làm gia tăng hiệu lực thuốc song có nhiều trường hợp hỗn hợp sẽ giảm hiệu lực thuốc, hoặc dễ gây cháy nổ, độc hại cho cây trồng và cho người sử dụng. Do đó chỉ thực hiện hỗn hợp thuốc nếu có hướng dẫn trên nhãn thuốc hay hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và sau khi hỗn hợp phải sử dụng ngay.
(*) Lưu ý:
Thông thường chỉ nên phối trộn hai loại thuốc trong cùng một lần phun sẽ cho hiệu quả cao, đồng thời kiểm soát được tác hại ngược lại do quá trình phối trộn. Tuy nhiên, đa số bà con nông dân chưa hiểu rõ nguyên tắc phối trộn và tuỳ tiện phối trộn thuốc BVTV nên hiệu lực phòng trừ dịch hại thấp, ngoài ra còn gây ngộ độc cho cây trồng. Để giúp bà con sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn đối với cây trồng chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:
Những nhóm thuốc bà con có thể pha trộn:
- Chỉ nên phối hợp các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc các nhóm gốc khác nhau thì hiệu quả mới cao như: thuốc nhóm lân phối hợp với nhóm các ba mát, lân + cúc, các ba mát + cúc, các ba mát + điều hòa sinh trưởng, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân
hoặc cúc.
- Chỉ nên phối hợp thuốc có các tác dụng khác nhau như (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, lưu dẫn.
- Chỉ nên phối hợp thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với thuốc trừ cỏ, trừ cỏ với phân bón.
- Không nên phối hợp thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng,
- Không phối hợp thuốc trừ sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh....
- Không phối hợp thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các loại thuốc gốc đồng như Coc 85, Coper B. Vì thuốc gốc đồng thường có tính kiềm cao, trong khi đó thuốc trừ sâu, trừ bệnh lại có tính axit. Khi pha trộn với nhau chúng sẽ trung hòa làm giảm hiệu lực thuốc.
Để biết chắc chắn hơn bà con nên lấy một ít thuốc nguyên chất pha với lượng tương đương thuốc loại kia trong một cốc sành, sứ, thủy tinh, nhựa, dùng que khuấy nhẹ cho hòa tan để trong 2 - 5 phút. Quan sát nếu thấy có hiện tượng kết tủa bên dưới, đóng váng trên bề mặt, bốc khói tỏa nhiệt, sủi bọt hoặc biến đổi màu bất thường thì không nên pha trộn các loại thuốc đó với nhau để phun cho cây trồng.
Nếu đã khẳng định trộn được 2 loại thuốc với nhau thì trong quá trình pha chế, bà con nên lần lượt cho từng loại thuốc thứ nhất vào bình rồi cho nước vào khoảng nửa bình khuấy đều sau đó cho loại thuốc thứ 2 vào rồi tiếp tục thêm nước cho đầy bình đủ lượng nước mình cần. Lưu ý trước khi pha thuốc trong bình phải có một lượng nước vừa phải và không nên cho 2 loại thuốc vào cùng một lúc, nồng độ của mỗi loại phải giữ nguyên như khi dùng riêng rẽ. Sau khi pha phải phun ngay.
Để tránh hiện tượng quen thuộc đối với các loại dịch hại trên cây trồng, khi sử dụng bà con cần luân phiên các nhóm thuốc có gốc khác nhau.
Khi phun thuốc tuỳ vào đặc điểm, vị trí gây hại của từng loại dịch hại để hướng vòi phun sao cho tia thuốc tập trung vào nơi định phun để thuốc tiếp xúc được nhiều nhất với dịch hại, không đi ngược chiều gió khi phun .
Như vậy để sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả cao thì việc hiểu và tuân thủ các nguyên tắc trên là rất cần thiết. Kính mong mọi người lưu tâm và thực hiện tốt.
Theo: Nhân Sang
Trạm KN Anh sơn
------------------------
Tài liệu tham khảo:
------------------------
- Báo nông nghiệp Việt Nam
- http://wikipedia.org
- http://khuyennong.gov.vn
- Cục trồng trọt: www.cuctrongtrot.gov.vn
- http://nghean.gov.vn
- Chi cục bảo vệ thực vật nghệ an
Không có nhận xét nào: