Với ưu điểm vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường khi sử dụng thiên địch trong bảo vệ rau màu, nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã nghiên cứu một số đặt điểm sinh học về loài bọ xít hoa bắt mồi xuất hiện phổ biến trên cây đậu đỗ tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ảnh minh hoạ: Bọ xít - thiên địch quý của nhà nông |
Ngoài đồng ruộng, các tác giả đã áp dụng phương pháp điều tra định kỳ 5-7 ngày/lần trong suốt cả vụ trồng đậu đỗ, quan sát trực tiếp về nơi cư trú, đặc tính bắt mồi, tập quán sinh hoạt, xác định mật độ của sâu hại và bọ xít bắt mồi. Trong phòng thí nghiệm, họ nuôi sâu hại và bọ xít bắt mồi theo phương pháp cá thể và quần thể, xác định vật mồi ưa thích của bọ xít hoa. Sau một vụ mùa, các nhà khoa học xác định bọ xít hoa bắt mồi có vòng đời dài trên dưới 40 ngày, có tập tính ăn khá cao và có thể sinh trưởng tốt bằng ba loại vật mồi là sâu đo xanh, sâu cuốn lá và sâu khoang. Bọ xít là loài côn trùng có ích do tập tính bắt mồi ăn thịt và chúng cũng có khả năng điều hoà mật độ một số loài sâu hại chính trên cây đậu đỗ. Sức ăn các loại sâu hại tăng dần theo tuổi của bọ xít, trung bình mỗi con bọ xít ăn nhiều nhất từ 4-5 con sâu non mỗi ngày. Biết lợi dụng ưu điểm này của bọ xít hoa, người dân sẽ thu hoạch được những sản phẩm rau an toàn, giữ cân bằng sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí thuốc trừ sâu...
Đậu đỗ là loại cây trồng được bà con nông dân đưa vào trồng nhiều ở nước ta vào vụ xuân hàng năm và chủ yếu bị các loại sâu cuốn lá, sâu khoang, sâu đo xanh phá hoại, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, giảm hiệu quả kinh tế. Để bảo vệ loài bọ xít hoa bắt mồi trên cây trồng này, các nhà khoa học cho rằng: người dân có thể giảm phun thuốc hoá học trên đồng ruộng, chỉ nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp... Trong tương lai, có thể nhân nuôi loài bọ xít này để thả ra ngoài đồng ruộng, góp phần bảo vệ mùa màng một cách hữu ích.
Theo: Hoàng Minh Nguyệt
Không có nhận xét nào: