Những hiểu biết cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật
Ảnh: Thuốc bảo vệ thực vật |
- Khó khăn trong quá trình sử dụng:
Trong tự nhiên, có rất nhiều loại sâu hại khác nhau, có loại sâu ẩn núp dưới lá (như sâu vẽ bùa, sâu xanh, nhện đỏ, rệp sáp…), có loại đục vào thân cây (như sâu đục thân), có loại lại chui vào đất, có loại chui vào quả,… nên phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để tiêu diệt chúng. Việc này gây khó khăn cho người sử dụng, nhất là những người nông dân có trình độ văn hoá thấp. Nhiều người chỉ thích mua thuốc rẻ để phun, không cần biết phạm vi tác dụng của chúng ra sao. Có người hay phun quá liều chỉ dẫn để cho "chắc ăn", làm tăng lượng thuốc thừa tích đọng trong đất và nước.
- Diệt trừ cả thiên địch, côn trùn có ích (là các loài chim bắt sâu, ong,…).
Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng, phổ tác dụng rộng, nghĩa là có thể diệt được nhiều loại côn trùng, từ các loại sâu ăn lá, rệp sáp đến các loại sâu đục thân, đục quả… Khi bà con dùng thuốc diệt sâu hại, một số côn trùng có ích cũng bị diệt luôn, đồng thời ảnh hưởng tới các loại chim ăn sâu, vì chim ăn phải sâu đã trúng độc. Như vậy đồng nghĩa với việc là số lượng thiên địch của nhiều loại sâu cũng giảm. Do đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sâu hại.
- Độ độc cao
Các loại thuốc trừ sâu đều có độc tính cao. Trong quá trình dùng thuốc, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời đến chết, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Do trình độ hạn chế, một số nông dân không tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng, bảo quản thuốc trừ sâu, có người cất thuốc vào chạn bát, vào tủ quần áo, nên đã gây nên những trường hợp ngộ độc, thậm chí chết thảm thương do ăn nhầm, sử dụng nhầm phải thuốc. Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt. Việc dùng thuốc trừ sâu liên tục sẽ sinh chứng nhờn thuốc. Vì thế mỗi loại thuốc trừ sâu chỉ có tác dụng mạnh một số năm đầu sử dụng. Ðể hạn chế bệnh nhờn thuốc, tăng khả năng diệt trừ sâu người ta thường tăng dần nồng độ thuốc, tăng số lần dùng thuốc. Tuy nhiên biện pháp này không lâu dài do không thể tăng mãi nồng độ được. Mặt khác, nó làm ô nhiễm môi trường mạnh hơn, do lượng tồn dư trong môi trường nhiều lên.
- Khó phân hủy
Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hoá học ổn định, khó phân huỷ, nên sẽ tích luỹ trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng lượng tích luỹ này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người. Do thuốc tồn đọng lâu không phân huỷ, nên có thể theo nước và gió phát tán tới các vùng khác, theo các loài sinh vật đi khắp mọi nơi. Thuốc diệt cỏ được dùng ở mức ít hơn. Tuy nhiên do có tính độc, chúng cũng gây nên những tác hại tới môi trường giống như thuốc trừ sâu.
Nói tóm lại, thuốc trừ sâu, diệt cỏ không chỉ có tác dụng tích cực bảo vệ mùa màng, mà còn gây nên nhiều hệ quả môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái động thực vật và con người. Do vậy cần phải thận trọng khi dùng thuốc và phải dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng đô, đúng cách theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật sau đây:
1. Dùng đúng thuốc:
Chọn đúng loại thuốc có trong danh mục thuốc BVTV nhằm đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao đối với loại dịch hại cần phòng trừ. Cùng một đối tượng nhưng có nhiều loại thuốc có thể diệt được, vì thế nên thường xuyên thay đổi thuốc nhằm tránh khả năng kháng của sinh vật gây hại. Ngoài ra thuốc phải an toàn cho cây trồng, nông sản, ít ảnh hưởng đến sinh vật có ích, môi trường, con người và vật nuôi.
2. Dùng đúng lúc:
Dùng thuốc khi dịch hại mới phát sinh hoặc ở ngưỡng gây hại cần phòng trừ và ở các giai đoạn phát triển dễ mẫn cảm với thuốc thì hiệu quả diệt trừ cao, chi phí lại giảm. Ví dụ như với cỏ dại và sâu non tuổi càng nhỏ thì hiệu quả của thuốc càng cao. Không phun thuốc trong các trường hợp như: khi trời nắng gắt, trời sắp mưa hoặc ngay sau khi mưa, cây cối hoa đang nở rộ, lúa đang trổ bông… Nếu cần thiết thì phun vào sáng sớm hoặc chiều mát sẽ có tác dụng tốt nhất. Đối với thuốc lưu dẫn nên phun vào buối sáng sẽ có hiệu quả cao hơn phun vào buổi chiều. Phải tuyệt đối đảm bảo thời gian cách ly (bao nhiêu ngày) cho từng loại thuốc trên từng loại cây trồng, không phun thuốc gần ngày thu hoạch.
Đối với những loại thuốc trừ bệnh có tác dụng phòng là chính, khi dùng thuốc vào lúc bệnh còn chớm phát thì đạt hiệu quả phòng trừ cao, nếu dùng thuốc khi bệnh đã phát thành dịch thì hiệu quả sẽ thấp.
3. Dùng đúng liều lượng và nồng độ:
Cần theo đúng chỉ dẫn của nhãn thuốc về liều lượng, cách pha thuốc, lượng nước. Đảm bảo đúng liều lượng thuốc cần pha cho một bình phun và số bình phun trên một đơn vị diện tích. Nếu dùng thuốc với liều lượng cao hơn khuyến cáo thì làm gia tăng nguy cơ bị ngộ độc cho người phun, sử dụng nông sản và môi trường sống xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ cây trồng bị ngộ độc, tăng tính kháng thuốc của sinh vật gây hại và tăng chi phí đầu tư.
4. Dùng đúng cách:
Phun, rải thuốc chú ý vào chỗ dịch hại thường tập trung nhiều. Ví dụ rầy nâu thường chúi dưới gốc lúa nên khi phun cần phải gạt gốc lúa và vòi phun cần chúc thẳng xuống mặt đất, trước khi phun cần cho nước vào ruộng cao để rầy bò lên phía trên sẽ dễ dính thuốc. Bệnh hại hay xuất hiện chỗ bón thừa phân, lá tươi tốt; cỏ dại có nhiều nơi chỗ gò cao, thiếu nước. Thuốc hạt thì trộn với phụ gia (phân bón, tro, cát) để rải, thuốc nhũ dầu, thuốc dung dịch thì phải pha với nước để phun. Cùng một liều lượng thuốc, pha nhiều nước để phun sẽ đạt hiệu quả cao hơn pha ít nước, ít ảnh hưởng cho người và cây trồng. Lượng nước phun cần ướt đều, trung bình cần 320 - 480 lít nước/ha. Dùng nước trong để pha thuốc, nước đục bùn sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Tùy vào đặc tính của từng sinh vật gây hại mà chọn vòi phun, hướng phun cho thích hợp.
Không có nhận xét nào: