NHẬN BIẾT SÂU BỆNH HẠI TRÊN CÂY DƯA CHUỘT VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ (10/06/2009 )
Dưa chuột (dưa leo) cũng ngày càng phát triển tăng diện tích và sản lượng trên địa bàn. Tuy nhiên một nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến diện tích, năng suất phẩm chất của dưa là sự phá hoại nghiêm trọng của một số đối tượng sâu bệnh hại chính. Để giúp bà con nông dân nhận biết đúng và sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả chúng tôi giới thiệu một số sâu bệnh chính thường gặp như sau:
1- Bọ trĩ gây hại: Thường tập trung gây hại nặng trên cây dưa ở giai đoạn cây con đến khi cây ra hoa kết trái non. Bọ trĩ tập trung gây hại các bộ phận non của cây, gây hại ở bộ phận gần gân lá, mặt dưới lá làm cho lá xoăn có mầu vàng.
- ở thân: Bọ trĩ tập trung ở búp non làm cho búp chậm phát triển sau đó khô và chết.
Trên hoa quả non: Bọ trĩ chích hút làm rụng hoa quả, bọ trĩ còn là môi giới truyền bệnh vi rút gây hiện tượng xoăn, chùn ngọn.
* Phòng trừ: Khi mật độ bọ trĩ cao cần phải phòng trừ, sử dụng các loại thuốc sau: Oncol 20ND, Bassa 50ND, Pegasus 500SC để phòng trừ.
2- Nhện đỏ: Có cơ thể rất nhỏ bé, mầu hồng, đỏ di chuyển nhanh nhẹn, bám nhiều ở mặt lá dưới. Nhện phát triển rất nhanh nhất là khi thời tiết khô âm u mưa to. Nhện dùng vòi chích hút làm cho lá chuyển mầu xanh bạc, xanh nâu sau đó vàng khô và rụng lá.
* Phòng trừ: Sử dụng thuốc trừ nhện như Comite 73EC, Ortus 5SC, Danitol- S50SC, Pe gasus 500SC...
3- Rệp muội: Là côn trùng chích hút cơ thể nhỏ mầu xanh vàng, sống thành đám trên đọt non, lá, hoa. Rệp có 2 dạng có cánh và không có cánh. Rệp chích hút dịch cây làm cho cây không phát triển. Nếu hại ở giai đoạn hoa, quả làm hoa quả non bị rụng, là môi giới truyền bệnh vi rút gây bệnh khảm lá trên dưa.
* Phòng trừ: Sử dụng thuốc Oncol 20ND, Pa dan 95SP, Bassa 50 ND, Pegas 500SC, Sumithion 50EC.
4- Ruồi đục quả: Ruồi cái dùng vòi đẻ trứng chọc thủng vỏ quả đẻ trứng vào phần trong vỏ quả. Tại lỗ đục của ruồi nước và dịch cây chảy ra, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây thối quả. Sau vài ngày trứng nở ra dòi, dòi chui vào thịt quả gây hại làm qủa rụng thối.
* Phòng trừ: Dùng các loại thuốc sua đuổi Oncol 20ND, la nét....
5- Bệnh thán thư do nấm gây ra:
Bệnh xuất hiện gây hại các tầng lá phía dưới trước, vết bệnh gần tròn hoặc hình tròn kích thước từ vài mm đến vài cm trên bề mặt có mầu nâu đen, trên nền nâu đen có nhiều chấm nhỏ mầu đen, bẩn do bào tử nấm hình thành. Bệnh gây hại làm cho lá dưa khô rụng, trên thân vết bệnh mầu xám nâu, hại nặng làm thân chết khô, teo lại, trên quả vết bệnh mầu nâu đen hình tròn lõm sâu vào vỏ quả. Nếu bị hại nặng vết bệnh liên kết lại thành đám lớn gây thối quả.
* Phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc Poliran 80, Bavistin, Mancozeb.
6- Bệnh mốc sương (sương mai) do nấm gây ra: Nấm bệnh gây ra các vết bệnh hình đa giác có nhiều góc cạnh. Vết bệnh lúc đầu mầu vàng nhạt sau chuyển sang mầu nâu, vào buổi sáng quan sát kỹ bề mặt dưới của lá có thể nhìn thấy các sợi tơ nấm mầu trắng bao phủ.
Bệnh thường gây hại ở phần gần gốc cây và lan lên phía ngọn cây dưa. Nếu cây bị nhẹ cây vẫn cho quả song quả nhỏ phẩm chất kém nếu bệnh nặng cây chết. Bệnh thường phát sinh gây hại nặng và lan nhanh trên ruộng khi thời tiết âm u sương lạnh.
* Phòng trừ: Dùng luân phiên các loại thuốc trừ bệnh như Booc đô1%., Rido mil.
7- Bệnh phấn trắng do nấm: Bệnh hại chủ yếu trên phiến lá nấm bệnh làm cho lá chuyển mầu xanh sang mầu bạc và hoá vàng. Trên bề mặt lá bị hại có lớp nấm bệnh trắng, xám bao phủ. Khi bị nặng lá khô cháy và chết.
* Phòng trừ: Sử dụng thuốc Anvil 5SC, Bavistin, Belal 5WP. Phun kỹ 2 bề mặt lá.
8- Bệnh héo xanh do vi khuẩn: Bệnh làm cây dưa héo, mất nước và chết trong vòng các ngày, các lá trên cây héo tái xanh không chuyển thành mầu vàng, từ gốc cây dưa có thể có vết nổi u sần.
* Phòng trừ: Cần thu dọn cây bệnh mang ra khỏi ruộng để đưa đi tiêu huỷ. Sử dụng thuốc Booc đô1%, ôxy clo rua đồng Kau Ran.
9- Bệnh vi rút: Vi rút gây hại dưa tạo thành vết loang lổ trên bề mặt lá gọi là bệnh khảm, trên bề mặt phiến lá có các đám vết xanh, xanh nhạt hoặc đám vết vàng xen lẫn nhau. Đỉnh sinh trưởng của cây bị chùn lại, lá đọt nhỏ quăn queo, cây chậm lớn quả nhỏ có mầu vàng không chết phẩm chất, chất lượng kém nếu bệnh hại nặng cây không đậu quả.
*Phòng trừ: Cần phát hiện sớm và loại bỏ các cây bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng tránh lây lan. Sử dụng các loại trừ sâu phun trừ rệp là môi giới truyền bệnh trên đồng ruộng.
+ Lưu ý: Bà con nên dùng thuốc đúng liều lượng hướng dẫn trên nhãn mác bao bì, mới cho hiệu quả cao./.
Kỹ sư: Mai Thị Bích Liên
Không có nhận xét nào: