“vựa“ Rau Muống “ướp” Hàng Chục Loại Thuốc Độc Ở Hà Nội
“Rau muống ở đây hầu như người ta toàn phun thuốc vào thôi. Hết thuốc sâu trừ sâu rồi thuốc kích thích, rau mà càng non, càng mướt lá thì càng phải cảnh giác…”, là lời khuyên chân thực mà chúng tôi nhận được từ phía những người dân và thậm chí của cả những người trực tiếp trồng rau quanh khu vực đường Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).
Người dân đang phun thuốc cho rau.
Khi người dân sợ rau…
Nằm sát trục đường Hoàng Như Tiếp, khu ruộng chuyên canh rau muống, đầu mối cung cấp rau chính cho chợ Gia Lâm hiện ra mơn mởn, xanh ngút tầm mắt chúng tôi.
Ghé vào một quán nước nhỏ nằm đối diện khu vực trồng rau, chúng tôi bắt chuyện với nữ chủ quán có dáng người thấp đậm. Khi câu chuyện đã bớt lạ lẫm, người phụ nữ tên Thanh này thao thao kể: “Quanh cái khu Gia Lâm này thì đây là vùng rau lớn nhất. Rau muống ở đây người ta toàn phun thuốc, giờ rau rẻ rồi nên người ta cũng ít phun hơn…”.
Được sự “mách nước” của bà chủ quán, chúng tôi lần mò ở chân ruộng rau muống nơi mà theo lời khẳng định “mới thấy người ta phun thuốc hôm qua”. Chẳng quá khó khăn, chúng tôi đã tìm được khá nhiều vỏ thuốc được vứt ngổn ngang với nhiều cái tên như: Apphe.666, Anvado 100Wp, Nimaxon 200SL, Amico, Catex 1.8Ec…
Tất cả những loại thuốc trên đều có công dụng trừ sâu với những dòng khuyến cáo in đậm trên bao bì “cực độc”, “cực mạnh”, “độc cao”… với thời gian cách ly trước khi thu hoạch tối thiểu phải 7-15 ngày. Tuy nhiên, một thực tế đáng lưu tâm hơn cả, tất cả những mẫu thuốc chúng tôi thu được đều là loại thuốc chỉ sử dụng để trị bệnh cho lúa.
Trong suốt quá trình thu thập thông tin từ phía những người trồng rau, chúng tôi đều được nghe khẳng định: Rau sạch! Tuy nhiên, khi hỏi đến chuyện rau muống thường xuyên sâu bệnh và cách xử lý, câu trả lời chúng tôi nhận được là: “Cả sào rau ai mà đi quanh ruộng bắt sâu theo kiểu thủ công được. Cứ nom thấy rau bị bệnh thì lại phun, rau mắc bệnh nào thì mua thuốc ấy mà phun thôi. Cứ trộn 2-3 loại vào phun một đợt, dăm ba ngày sau mưa gió, thuốc phai hết là thu hoạch lứa mới được rồi”, một người trồng rau cho biết.
Rau “ướp” thuốc, tươi non nhờ nước rãnh…
Chưa hết bất ngờ về việc lạm dụng thuốc trừ sâu ở vựa rau này chúng tôi lại được chứng kiến cảnh người dân “nuôi” rau bằng rãnh nước đen kịt, xám ngắt, lềnh bềnh nổi vô số cặn váng không thể bẩn hơn.
Kênh nước này là nguồn nước tưới chủ yếu cho rau với cái tên kênh Cầu Cái. Trước kia, khi đất ruộng chưa vào diện quy hoạch thu hồi, nơi đây vẫn còn hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng, việc tưới tiêu bơm xả nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn được diễn ra.
Vỏ thuốc trừ sâu các loại vứt ngổn ngang trên ruộng rau.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đất đai khu vực Bồ Đề được quy hoạch để phục vụ xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi, hệ thống tưới tiêu cũng bị san lấp. Sau nhiều năm, nước thải dồn ứ, trở thành dạng “ao tù nước đọng” chuyển sang màu kền kệt, hôi thối nhưng hiện tại nó vẫn là nguồn nước chính để tưới tiêu cho rau muống.
Khi được tưới bằng thứ nước bẩn này, lúc cây chưa chuyển hóa hết các chất hữu cơ, rau dễ bị nhiễm các chất kim loại nặng và nitrat. Sự dư thừa các chất này không những có hại cho cây mà còn gây nguy cơ ung thư cho người ăn rất cao. Vậy nhưng với người trồng rau thì: “Rau tưới bằng nước này thì càng tốt, càng nhanh lên chứ sao…”.
Bà Nguyễn Thị Quý (sinh năm 1954) có thâm niên canh tác rau ngót chục năm ở khu vực này cho biết: Một tháng rau muống cho thu hoạch 2 lần, mỗi ngày một người trồng rau thu từ 20-30 mớ rau, tính theo giá thị trường hiện nay là 3 ngàn đồng/mớ. Thu nhập trung bình mỗi ngày từ rau đem lại cho người trồng 100-250 ngàn đồng. Như vậy, người nông dân sẽ có thu nhập bình quân từ rau muống gấp 7-10 lần cấy lúa.
Người phụ nữ này cho biết thêm, ngọn rau muống vươn lên khoảng một găng tay, non mơn mởn là thời điểm dễ bị sâu bệnh nhất. Dĩ nhiên, rau càng xanh non thì càng được “ướp” thuốc nhiều. Rau muống chủ yếu thường mắc phải các loại bệnh như: sâu xanh, sâu cuốn lá, đốm trắng, rầy… khi có hiện tượng bị bệnh thường thì 2, 3 loại thuốc sẽ được “phối hợp” để phun cho đám rau. Sau quãng thời gian 7 - 10 ngày là lại có thể… thu hoạch tiếp.
Về loại thuốc mỡ lá, xanh ngọn dùng cho rau muống, bà Quý không ngần ngại: “Có cái loại ấy, cho vào rau lá nó xanh đẹp lắm, cho vào rau nó mướt lá rau ra ấy, cái loại ấy chỉ sau 2, 3 ngày là lại người ta thu hoạch rồi, rau nó lên vù vù…”.
Sự vô tâm đáng sợ
Tiếp xúc thêm với một số người trồng rau khác chúng tôi được biết, hầu hết bà con rất ít được tuyên truyền, tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là cách sử dụng thuốc.
Nước bẩn được dùng để tưới cho rau.
Điều nguy hại hơn cả là gần như 100% số người trồng rau ở khu vực này không hề biết đến tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật cực độc dùng cho cây công nghiệp và lúa nhưng được họ dùng phun trực tiếp cho rau xanh. Quãng thời gian cách ly ngắn, chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi phun là lại tiếp tục thu hoạch rau bán.
Tìm tới UBND phường Bồ Đề, đem những băn khoăn cần giải đáp sau nhiều ngày tìm hiểu ở vựa rau, chúng tôi được giới thiệu đến bà Vũ Thị Lan, Chủ tịch hội nông dân.
Theo cách lý giải của bà Lan, do diện tích canh tác nhỏ lẻ, hơn nữa diện tích nhỏ lẻ này sắp tới cũng sẽ phục vụ một số dự án quy hoạch. Bởi vậy, phường không quản lý về vấn đề trồng rau này nữa, mọi hoạt động canh tác của nông dân ra sao và như thế nào đều là do người dân làm tự phát, không thuộc trách nhiệm của phường.
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, theo bà Chủ tịch Hội Nông dân, đơn vị duy nhất quản lý về lĩnh vực nông nghiệp ở Bồ Đề, thì trách nhiệm chính của hội nông dân mà bà đang điều hành là tuyên truyền để người dân không bỏ ruộng.
“Rau đây người ta trồng tự phát thôi, ở đây không có hợp tác xã, phường không quản lý. Chúng tôi không quản lý. Người ta làm tự phát, tự chăm sóc, trách nhiệm của chúng tôi chỉ là tuyên truyền…”, bà Vũ Thị Lan khẳng định.
Như vậy, theo cách nói trên, bộ phận phụ trách nông nghiệp này chỉ có trách nhiệm tuyên truyền chứ không có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý người nông dân cách sử dụng, công đoạn trong sản xuất nông nghiệp.
Một thực tế đáng buồn hiện nay là hầu hết người tiêu dùng vẫn phải hàng ngày đối mặt với cảnh nhập nhằng phân biệt rau an toàn và “rau bẩn”. Nguyên nhân của thực trạng trên thì có nhiều. Tuy nhiên, đứng trên góc độ của người sản xuất, theo bà Nguyễn Thị Quý, người sản xuất rau ở khu vực Bồ Đề: “Tốt nhất là cứ ăn rau của nhà người quen cho đảm bảo, chọn rau xấu mã, kém non nhưng như thế mới an toàn…”.
Khi những người có trách nhiệm liên quan phủi tay, bỏ mặc người sản xuất rau vẫn tiếp tục “tự phát” mà không có biện pháp hướng dẫn khắc phục cụ thể thì chẳng khác nào tiếp tay cho các hành vi đầu độc người tiêu dùng. Chừng nào càng “mặc kệ” thì chừng đấy người dân còn "lãnh đủ" hậu quả từ việc ăn uống các loại thực phẩm kém an toàn.
Đinh Luyện
Không có nhận xét nào: