Pha dung dịch thuỷ canh chính xác từng vi lượng
(Bài viết của bác Sâu rau - mod dd: rausach.com.vn)
ĐỒ NGHỀ TỐI THIỂU CẦN CÓ:
Với 600k, ta mua được CÂN ĐIỆN TỬ như hình dưới. Khi pha loãng nước cốt theo tỷ lệ 1 phần cốt với 99 phần nước là ta trồng được ngay. Bởi cây hút chất mỗi ngày nên dung dịch loãng dần, sẽ loãng tới mức không còn chất gì cho cây nữa. Làm sao để biết độ loãng đặc này? Xin thưa các bạn: chính là cây đo Tổng lượng phân hòa tan trong dịch như hình dưới. (Giá bây giờ là 425K tại Hóa Chất Bách Khoa, đường Tô Hiến Thành, Kios số 4 hoặc 6 gì đó.)
Số hiện trên cây đo (545 ppm) chính là liều tốt nhất cho cây ăn lá. Để dễ hiểu, tôi ví nó như độ mặn trong tô canh ta ăn hàng ngày vậy.
Nếu số đo này từ 1500 ppm trở lên có nghĩa là quá mặn. Cây rau ăn vào bị khát nước liền, chắc chắn sẽ chết rũ vì khát nước, trái lại phần lớn cây ăn trái lại thích dung dịch 1500~2000ppm.
Nước thủy cục chưa đun nấu gì ta đo được ở đầu ống khoảng 50 ppm cho tới 110 ppm. Dung dịch cho cây mà đo thấy ở mức 150 ppm là nhạt lắm. Vô duyên như húp canh không muối. Thiếu muối cây suy dinh dưỡng như con người thiếu muối, ắt mắc bệnh phù thũng, bướu cổ rồi lìa đời.
Người ưa lạt, kẻ thích mặn nhưng sự khác biệt không lớn. Cây cũng vậy, rau này thích 700 ppm, rau kia thích 350 ppm. Bởi lẽ đó 550 mmp là tốt chung cho mọi loài rau lá mỏng rễ chùm bạn nhé. Cây ăn trái đòi hỏi ppm cao hơn rau 2~4 lần tôi sẽ trình bày ở cuối bài này.
Giấy quỳ, đo độ pH:(10k/tập, xài bét nhè cả năm)
Nhúng giấy quỳ vào nước thủy cục rồi so với bảng màu chuẩn in trên bìa tệp giấy quỳ, ta thấy nó giống màu số 7. Đây là nước trung tính. Nôm na gọi là không chua không nồng (không có tính axit cũng chẳng mang tính kiềm). Nước chanh ta uống có vị chua bởi nó có tính axit, nếu nhúng giấy quỳ vào ly đá chanh ta sẽ thấy ngả sang màu nâu, ứng với thang pH=3. Cây thích dung dịch "chua" có tính axit nhưng chỉ trong khoảng 5.5 tới 6.5. Nó kém chịu chua hơn chúng ta! Bởi vậy bạn duy trì dung dịch thủy canh ở mức pH=6.2 là tốt nhất.
Chiều dày/mảnh của mỗi vệt xanh chạy ngang tượng trưng cho 1 lượng phân đơn cây hấp thụ nhiều/ít tương ứng với các mức độ pH từ thấp tới cao ghi ở chân đồ thị.
Dưới 5.5 các bạn nhìn vùng tớ khoanh đỏ bên trái sẽ thấy cây chỉ hấp thụ được trung lượng và vi lượng: Sắt, Mangan, Bo, đồng kẽm=> cây còi cọc do ko hấp thụ được đa lượng N,P,K,Ca,Mg và duy nhất vi lượng quý nhất trong số các vi lượng là Molypdate.
Ngược lại, pH>7 cây hấp thụ đa lượng nhưng lại kém tiêu hóa Sắt, Mangan, Bo, đồng kẽm=>lá trở nên vàng vọt.
Đúng ra lời khuyên của R.Keith dải pH cây ăn đều phân từ 5.5~7.
Thực tế thủy canh pH có xu hướng tăng cao, thậm chí 1 ngày nhảy lên 1 thang pH. Bù lại sự tăng pH ta nên chọn pH 5.5~6.5.
Các thí nghiệm cho thấy đa phần các cây phát triển tốt nhất khi độ pH của ddtc ngay mức 6.2. Tuy nhiên con số này luôn bị xê dịch trong quá trình trồng. Các bạn nên thường xuyên theo dõi và điều chỉnh để có được môi trường dinh dưỡng tốt nhất cho cây. (Tớ thấy rằng một số bài viết khuyên người trồng cứ 1~2 tuần chỉnh pH 1 lần là ko phù hợp điều kiện VN)
Hiện nay thị trường có bán cây bút đo pH, khoảng 700k/cái. Bạn nào dư tiền thì nên mua. Nếu"yếu pin" như tôi thì chơi giấy quỳ cũng không sao.
PHA DUNG DỊCH CỐT 1X100 THEO CÔNG THỨC D.HOAGLAND:
Trên mạng có rất nhiều công thức của nhiều tác giả. Có lẽ phù hợp nhất để trồng rau trong khí hậu và thời tiết nước ta là công thức Hoagland. Nguyên bản tiếng Anh, tác giả pha chế nhiều bước, việc chuyển đổi đơn vị qua nhiều bước sẽ làm khó hiểu và gây nhầm lẫn. Bởi vậy tôi đã chuyển thành một bước cho đơn giản như dưới đây:(Gồm 11 loại hóa chất, pha thành 3 bình, mỗi bình 1 lít).
Đơn giá mới nhất và nơi bán được các thành viên khác cập nhật cho từng loại ở đây:http://www.rausach.com.vn/forum_posts.asp?TID=5014 cho các bạn tham khảo.
a.BÌNH A:
1. Ca(NO3)2·4H2O = 54,280 gram pha vào 1 lít nước. Dễ hơn pha nước chanh!
b.BÌNH B: (Pha chung 8 chất theo trọng lượng bảng dưới vào 1 lít nước. Dễ như hòa nước muối ăn!)
2. MgSO4·7H2O 24,600 gram
3. KH2PO4 6,800 gram
4. KNO3 25,250 gram
5. H3BO3 1,430 gram 6. MnCl2·4H2O 0,910 gram
7. ZnSO4·7H2O 0,110 gram
8. Na2MoO4·2H2O 0,045 gram
9. CuSO4·5H2O 0,045 gram
c.BÌNH C: (Chỉ có 2 chất thôi , pha xong ta được Sắt liên kết gốc hữu cơ hay còn kêu tên nó là Fe-EDTA cho có vẻ hàn lâm. Pha đúng thì nó mang màu trà thì cây mới xơi)
10. FeSO4 X 7H20 2,780 gram pha vào 450ml nước sôi, dung dịch như trà đá loãng.
11. Na-EDTA X 2H20 3,730 gram pha vào 450ml nước sôi, dung dịch trong vắt.
Đổ dung dịch trong vắt (EDTA) vào dung dịch trà lợt (FeSO4), vừa đổ vừa quậy.
Pha xong, dung dịch Fe-EDTA vàng hơn chút nhưng vẫn trong veo và không kết tủa là OK.
Thêm 100ml nước sôi vào là ta được 1 lít dung dịch cốt Fe-EDTA ở nồng độ 1x100.
Với các bạn lần đầu pha Sắt EDTA thì tham khảo bài viết rất cụ thể của bạn tienlethuy ở đường dẫn này: http://rausach.com.vn/forum_posts.asp?TID=4989&PN=2&title=thy-canh- khoai-lang-trn-dn
Từng viết bởi tienlethuy Mình mô tả cách pha nhé: Nồng độ chuẩn cho 1 lít dung dịch dinh dưỡng: FeSO4.7H2O: 27,8 mg/l Na2EDTA: 37,7 mg/l Khi pha, chúng ta luôn pha dung dịch đậm đặc để sử dụng lâu dài. Thông thường mình hay pha nồng độ như sau (nồng độ đậm đặc gấp 20 lần): 1. Cân hóa chất - FeSO4.7H20: 27.8 x 20 = 556 mg - Na2EDTA: 37.3 x 20 = 746 mg Tổng thể tích cuối cùng: 100 ml. 2. Cách pha: - Hòa tan 2 loại hóa chất trong 2 cốc riêng rẽ, khuấy đến khi tan hoàn toàn - Đổ chung hai cốc với nhau, vừa đổ vừa khuấy. Định mức cho đủ 100 ml. Dung dịch sau khi pha xong có màu vàng chanh trong suốt, để lâu ngày màu vàng sẽ đậm hơn nhưng không tủa. Tổng thời gian mình cân và pha chưa bao giờ quá nửa giờ. Như vậy, với 100 ml dung dịch FeEDTA này có thể pha cho 20 l dung dịch dinh dưỡng (5 ml dung dịch FeEDTA pha cho 1 lít dung dịch dinh dưỡng) Hình 1. FeSO4.7H2O Hình 2. Na2EDTA Hình 3. Hóa chất đã hòa tan Hình 4. Dung dịch mơi pha Hình 5. Dung dịch mới pha sau nửa giờ. |
Từng viết bởi sâurau [QUOTE=forest]Xin cho minh gop mot chut y kien, day la hinh anh ve dung dich Fe-EDTA neu nhu pha dung Còn đây là Fe-EDTA của tiến sỹ Keith Roberto trong trang 26 ở cuốn "How To Hydroponics" |
Cảm ơn sự góp ảnh của bạn Forest. Tuy màu sậm hơn mình pha nhưng các bạn đừng lo, vài ngày sau nó sẽ sậm như bia Heineken thôi.
Trong 2 buổi offline với Haibienhoa và các bạn ở TP.HCM, Fe-EDTA của tôi tuy có màu cam nhưng không được trong trẻo và khi pha dễ bị kết tủa chỉ vì bà xã quăng EDTA ra ngoài ban công, bị nắng chiếu và ấm ướt nên biến chất. Ngoài ra không có nước cất để pha nên một số khoáng chất có sẵn trong nước thủy cục làm dung dịch không được tinh khiết.
Tôi đã khắc phục bằng cách mua 1 hũ EDTA mới tinh khiết như trong ảnh chụp của bạn Tienlethuy.
Chỉ khác ở chỗ tôi dùng nước sôi để pha, thời gian rút ngắn từ gần 2h xuống 30 phút như bạn Tienlethuy đã làm, thu được 1 lít Fe-EDTA cốt, tỷ lệ 1x100. Rất cảm ơn sự đóng góp của chuyên gia nuôi cấy mô Lê Thủy Tiên.
PHA DUNG DỊCH ĐỂ THỦY CANH:
Khâu này là dễ nhất, từ 3 bình cốt A,B,C tỷ lệ 1x100 pha được ở phần trên ta làm như sau. Ví dụ:
Bình dung dịch trồng là 12,5 lít thì ta dịch dấu phẩy về bên trái 2 con số ta được 0,125 lít (bằng 125 ml). 125 ml này chính là lượng nước cốt của mỗi phần A, B, C để hòa vào bình trồng rau.
Lường 10 lít nước sạch.
Pha 125 ml nước cốt trong bình B vào, quậy đều khoảng 1 phút.
Pha 125 ml nước cốt trong bình C vào, quậy đều khoảng 1 phút.
Pha 125 ml nước cốt trong bình A vào, quậy đều khoảng 1 phút
Như vậy lượng dung dịch hiện có sẽ là 10 lit nước+0.125 lít dung dịch A+0.125 lít dung dịch B+0.125 lít dung dịch C=10,375 lít.
Lượng nước sạch cần bổ xung thêm = 12,5 lít-10,375 lít=2.125 lít nước.
Vậy là đủ 12,5 lít dung dịch trồng. Đến đây các bạn sẽ thấy PHA DUNG DỊCH THỦY CANH THẬT ĐƠN GIẢN phải không.
Dưới đây là video hướng dẫn chi tiết cách pha dung dịch thủy canh theo công thức D.Hoagland.
Theo công thức D.Hoagland dung dịch dinh dưỡng bao gồm các chất như sau:
A. BÌNH A:
1. Ca(NO3)2·4H2O = 54,280 gram pha vào 1 lít nước.
B. BÌNH B: (Pha chung 8 chất theo trọng lượng bảng dưới vào 1 lít nước.)
2. MgSO4·7H2O 24,600 gram
3. KH2PO4 6,800 gram
4. KNO3 25,250 gram
5. H3BO3 1,430 gram
6. MnCl2·4H2O 0,910 gram
7. ZnSO4·7H2O 0,110 gram
8. Na2MoO4·2H2O 0,045 gram
9. CuSO4·5H2O 0,045 gram
C. BÌNH C: (Chỉ có 2 chất, pha xong ta được Sắt liên kết gốc hữu cơ hay còn kêu tên nó là Fe-EDTA. Pha đúng thì nó mang màu trà thì cây mới xơi)
10. FeSO4 X 7H20 2,780 gram pha vào 450ml nước sôi, dung dịch như trà đá loãng.
11. Na-EDTA X 2H20 3,730 gram pha vào 450ml nước sôi, dung dịch trong vắt.
Đổ dung dịch trong vắt (EDTA) vào dung dịch trà lợt (FeSO4), vừa đổ vừa quậy.
Pha xong, dung dịch Fe-EDTA vàng hơn chút nhưng vẫn trong veo và không kết tủa là OK.
Thêm 100ml nước sôi vào là ta được 1 lít dung dịch cốt Fe-EDTA ở nồng độ 1x100.
Cách sử dụng:
Vì các bình A,B,C được pha theo tỷ lệ 1/100 nên khi sử dụng ta làm như sau:
Ví dụ muốn có 10 lit dung dịch trồng cây:
Ta lấy một bình lớn chứa khoảng 9,5 lít nước, Lần lượt lấy 100ml dung dịch trong bình C hòa tan trong bình lớn, kế tiếp lấy 100ml dung dịch từ bình B hòa tan hết trong bình và sau cùng 100ml dung dịch từ bình A hòa tan trong bình lớn. Sau cùng ta thêm nước vào bình cho đủ 10lit nước là có thể sử dụng cho việc trồng cây bằng thủy canh.
Cám ơn bác Sâu rau đã hướng dẫn rất chi tiết cách thức pha dung dịch trong những lần họp mặt.
Có gì sai sót nhờ bác hiệu chỉnh lại
(*) Video 1. Pha bình A.
(*) Video 2.
(*) Video 3.
(*) Video 4.
KHI NÀO CẦN ĐIỀU CHỈNH ĐỘ pH:
Ở những nơi có nước thủy cục thì yên tâm rằng pH=7 theo quy định cấp nước sinh hoạt. Sau khi pha dung dịch trồng từ dung dịch cốt như bên trên đã trình bày, dùng giấy quỳ kiểm tra bạn thấy ngay là dung dịch thủy canh có pH khoảng 6.2
Như vậy bạn chẳng cần phải điều chỉnh gì nữa.
Các bạn vùng sâu vùng xa, không có nước thủy cục sẽ phải dùng nước giếng khoan, sông, suối, ao hồ để pha. Nguồn nước mỗi vùng có độ pH khác nhau, khi đó ta cần điều chỉnh độ pH.
Nguồn nước có tính kiềm, pH lớn hơn 7.Cứ pha như bình thường, sau đó thêm vài giọt axit H2SO4 vào dung dịch trồng để kéo pH xuống mức 6
Nguồn nước có tính axit, pH nhỏ hơn 6. Cứ pha như bình thường, sau đó thêm vài giọt KOH để kéo pH lên mức 6
*Lưu ý về an toàn:
H2SO4 là axit nguy hiểm, dân đánh ghen hay dùng nó để tạt tình địch, di chứng để lại thật khủng khiếp. Bởi vậy các bạn nên mua hũ nhỏ H2SO4 loãng có bán ở các tiệm phụ tùng xe máy dùng cho việc châm bình acquy. Nồng độ nó thấp, lỡ đổ vào tay mấy phút sau chỉ hơi ngứa. Giá lại rẻ nữa, khoảng 2k/hộp. Nhúng giấy quỳ thấy giấy đổi màu đỏ sậm.
KOH nồng độ thấp có bán tại các quầy gia vị thực phẩm cho chợ. Bạn cứ hỏi mua nước tro Tàu để hầm đậu mau nhừ là họ bán ngay. Đừng gọi tên hóa học (Hydroxit Kali) làm gì bởi lẽ mấy bà bán hàng có học hóa đâu mà biết. Nhúng giấy quỳ thấy giấy chuyển màu xẫm xanh đen.
TĂNG CƯỜNG OXY CHO DUNG DỊCH:
Dùng bơm sục khí hồ cá cho nó trộn khí vào dung dịch, các bà bán cá ở chợ hay xài cái này để cho cá sống lâu. Giá hiện giờ khoảng 90k/bộ, đầy đủ vòi ruột gà, vòi dẫn khí, máng lọc, dây nguồn.
Nếu không dùng thiết bị này cây sẽ chậm lớn vì rễ hơi bị thiếu oxy.
Lưu ý an toàn: Khi dùng thiết bị này, đa phần dùng nguồn 220V, dung dịch thủy canh dẫn điện rất tốt. Bởi vậy bạn phải rút phích cắm, cúp CB hoặc cúp cầu dao trước khi thay dung dịch hoặc lúc đo kiểm tra pH, ppm trong bình trồng.
CÁC YÊU CẦU VỀ BÌNH CHỨA DUNG DỊCH TRỒNG:
Tốt nhất là hộp xốp vì nó nhẹ và cách nhiệt, màu trắng của nó phản xạ nhiệt nên dung dịch sẽ mát mẻ tốt cho bộ rễ.
Mặt trong lót nylon đen tạo thành buồng tối mới phù hợp cho rễ phát triển để hấp thụ dinh dưỡng. Hơn thế nữa nó giữ cho dung dịch ổn định vì tránh được ánh nắng chiếu vào làm xuống cấp dung dịch và như vậy dung dịch sẽ không có rêu.
Nên tạo một lỗ thăm có nắp đậy để qua lỗ này ta biết mực nước giảm do cây hút là bao nhiêu mà liệu chừng bù nước thêm. Dùng cây hút cắm qua lỗ này để lấy mẫu thử ppm và pH,như vậy ta khỏi phải nhấc nguyên cả nắp có cây trồng trên đó. Kê bình trồng lên cao một chút để khi thay dung dịch ta chỉ cần một ống hút mồi nước theo nguyên lý bình thông nhau là xả hết dd cũ. Dung dịch mới cũng rót vào bình theo lỗ này. Với hộp trồng một số cây leo như mướp, khổ qua...bạn sẽ thấy Lỗ kỹ thuật này rất tiện dụng, không có nó thì có ngày bạn làm đứt hết tay leo hoặc rễ bị bung ra khỏi giá thể. Khi bung rễ, có thể rễ cái vẫn còn nhưng dễ tơ rất nhỏ đứt hết thì dung dịch bạn pha có ngon đến đâu thì cây vẫn "bó miệng" nhịn đói.
(Còn nữa nhưng tớ muốn khò....khò rồi)
PHẦN NÂNG CAO:
Ở phần trên là dung dịch căn bản, tốt cho cây ăn lá. Trước khi ra hoa, đậu trái thì các loại cây ăn trái cũng buộc phải trải quá quá trình phát triển thân, rễ, lá, như vậy ta dùng chung công thức không thành vấn đề.
Một khi cây ra hoa, thụ phấn, kết trái bạn phải soạn một thực đơn khác cho nó. Tùy theo loại cây mà có sự gia giảm các loại chất đã nêu ở trên. (bạn Forest hứa sẽ đóng góp dịch thuật phần này nhưng trang này ngon ăn quá, toàn con số và ký hiệu mình chơi luôn, Forest dịch phần biểu hiện thừa thiếu phân từ trang 27 đến 29 nha)
1.Hóa chất tính bằng gram pha vào 1Gallon ( bằng 3.78 lít nước).
2.Dòng in đậm trên cùng dành cho rau ăn lá.
3.Dòng in đậm thứ 2 là dành cho lúc kết trái
4.Dòng in đậm dưới cùng là dành cho lúc trổ hoa
DDTC RA HOA, DƯỠNG TRÁI.
Sâu đã nếm kỹ lưỡng Dưa leo mà bà con nông dân trồng trên đất có bón dặm NPK, hình thức trái to bóng bẩy, cắt ra thì ruột nhiều cơm mỏng, nó chỉ mát nhưng nhạt phèo.
Trái Dưa leo thủy canh, thành quả mà Taplamvuon mang tới cho Haild, Jimmytam và Sâu thưởng thức khác biệt về chất lượng với loại trên phải nói là một trời một vực (ko khác nhau về hình thức bên ngoài). Khi cắt ra, miếng dưa leo dày cơm nhưng ruột rất nhỏ, nhựa dưa leo còn tươm ra trên nhát cắt (hình chụp miếng ngon này hiện lưu trong camera của Haild). Ăn vào, các bạn khoan nuốt vội, ngậm miệng để mùi thơm xông lên khoang mũi, vị thơm nhẹ nhàng tươi mát đầy khuyến rũ sẽ làm bạn sảng khoái tới tận óc! Sự khác nhau này do đâu đã là câu hỏi khiến Sâu lạc vào quá trình tổng hợp chất của thực vật liên quan tới 5 loại vi lượng Sâu từng pha tặng taplamvuon thử nghiệm.
Phát hiện ra sự lý thú này lại khởi đầu từ suy nghĩ vớ vẩn về từ đồng nghĩa trong tiếng Anh, cái từ plant lúc mang nghĩa cây cối, khi thì mang nghĩa nhà máy, chắc chúng phải có gì tương đồng. Thật thú vị khi nghề tay phải của Sâu trên ba chục năm qua là xây dựng các nhà máy công xưởng, mỗi nhà máy cho ra một sản phẩm khác nhau từ các nguyên vật liệu khác nhau.Cây cỏ (nay là thói quen vui thú điền viên nhưng nó cũng là dự kiến trở thành nghề tay trái của Sâu khi về già) thì mỗi cây mỗi quả, hương vị mỗi lọai khác hẳn nhau nhưng chúng đều sử dụng chung 5 vi lượng. Thì ra cây là một nhà máy sản xuất hương liệu huyền diệu của thiên nhiên. Này nhé, Dưa leo sẽ có mùi dưa leo, Xoài cát mang mùi xoài cát, mãng cầu ta khác mùi mãng cầu xiêm, mít Tố nữ khác mùi với Mít dai...
Vậy thì ngoài các đa lượng ra chúng ta chỉ cần cho chúng ăn đủ 5 loại vi lượng mà Sâu sẽ liệt kê liều lượng trình bày với ACE, còn lại các nhà máy màu xanh kia sẽ tự tận tụy dâng hiến biết bao hương vị ẩm thực cho các bạn.
Mời các bạn cùng Sâu sửa soạn vi lượng cho rau cây:
BƯỚC 1 :
CuSO4 = 0.225 gr hòa cho tan hết trong 100 ml nước sôi.
Mo = 0.225 gr hòa cho tan hết trong 100 ml nước sôi, đổ vào dd CuSO4
H3Bo3 =7.15 gr hòa cho tan hết trong 200 ml nước sôi, đổ vào dd ở bước trên.
MnCl2 =4.55 gr hòa cho tan hết trong 200 ml nước sôi, đổ vào dd ở bước trên.
ZnSO4 =0.55 gr hòa cho tan hết trong 100 ml nước sôi, đổ vào dd ở bước trên.
Pha thêm 300 ml nước vào dung dịch trên ta được 1 lít dung dịch mẹ vi lượng.
BƯỚC 2 :
EDTA = 16.85 gr pha trong 400 ml nước sôi, quậy cho tan hết rồi châm thêm 1.6 lít nước sạch.
FeSO4=13.9 gr pha trong 2 lít nước sạch (dễ tan nên ko phải dùng nước sôi), dd vàng đục.
Đổ 2 lít dd EDTA vào 2 lít dd FeSO4 ta được 4 lít dd mẹ chứa Fe-EDTA, dd từ đục dần chuyển qua trong vắt màu vàng nhạt.
BƯỚC 3 :
Rót 1 lít dd mẹ ở bước 1 vào 4 lít Fe-EDTA ở bước 2 ta được 5 lít dd vi lượng dd mẹ có chứa Fe để dùng dần.
Tiếp theo là phần hòa trộn vi lượng với các hóa chất khác để điều khiển cây theo ý muốn của bạn (áp dụng cho thổ canh cũng rất hữu hiệu):
I. PHA DUNG DỊCH CHO CÂY TRỔ HOA: (chuẩn bị bình 5 lít).
1Ca(NO3)2 =5.1 gr, hòa cho tan hết trong 2 lít nước, đổ vào bình
2.KNO3 =3.5 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
3.K2SO4 =0.56 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
4.KH2PO4 =1.74 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
5.MgSO4 =3 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
6.Lường 150 ml dd vi lượng đã pha ở trên, đổ vào bình
7.Thêm 850 ml nước vào bình là ta có 5 lít dd đặc, khi pha dd trồng cho cây thời kỳ ra hoa các bạn có thể pha loãng ra theo tỷ lệ 1 cốt, 2 nước.
Kết quả test của Sâu:
Hoa chanh
PHA DUNG DỊCH CHO CÂY DƯỠNG TRÁI:
1Ca(NO3)2 =10 gr, hòa cho tan hết trong 2 lít nước, đổ vào bình
2.KNO3 =3.5 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
3.K2SO4 =2.13 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
4.KH2PO4 =1.74 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
5.MgSO4 =3 gr, hòa cho tan hết trong 0.5 lít nước, đổ vào bình
6.Lường 150 ml dd vi lượng đã pha ở trên, đổ vào bình
7.Thêm 850 ml nước vào bình là ta có 5 lít dd đặc, khi pha dd trồng cho cây thời kỳ dưỡng trái, các bạn có thể pha loãng ra theo tỷ lệ 1 cốt, 2 nước.
Sâu show nông sản cho các bạn xem sau khi test dd dưỡng trái:
Chùm Ngây:
Chanh hương
Chanh hương
khổ qua
cây tắc
và còn rất nhiều hoa thơm trái ngọt sẽ xuất hiện trong mảnh vườn của các bạn một khi các bạn làm theo chỉ dẫn mà Sâu đã trình bày.
Để cân lường khi pha, mời ACE xem bảng thống kê Dtlong đã tổng hợp các liều lượng hóa chất từ 3 công thức trên cho 3 giai đoạn phát triển cây trồng LÁ/HOA/TRÁI.
Hàng đầu STT1 mang màu xám là bình A.
2 hàng cuối màu nâu nhạt là bình C
Các hàng còn lại STT 2~10 là bình B.
Đính chính: hàng cuối cùng đều là 3.73 gr NaEDTA nha.
MẤT CÂN BẰNG DINH DƯỠNG
Nôm na gọi là hiện tượng "lệch phân". Các nước giàu họ trang bị các đầu dò đắt tiền để biết rõ thừa gì thiếu gì trong dung dịch mà cắt giảm hoặc bổ xung thêm cho cân phân. VN còn nghèo nên ta phải chơi con mắt mang hình...sensors vậy nhé các bạn, thiếu chất nào đó sẽ biểu hiện qua lá như hình dưới:
DUNG DỊCH, ÁNH SÁNG, pH CHO TỪNG LOẠI CÂY:
Mỗi cây ưa một mức sáng, pH, ppm khác nhau, ACE tham khảo nha:
Tên cây Ánh sáng pH PPM/TDS
1.Hoa tím Phi Châu Sáng qua lưới cản 6~7 840~1050
2.Húng quế Sáng mạnh 5.5~6.5 700~1120
3.Đậu các loại Sáng mạnh 6 1400~2800
4.Cải xanh Sáng mạnh, vừa 6~6.8 1900~2450
5.Ớt Sáng mạnh 6 1260~1540
6.Dưa leo Sáng vừa 5.5~6 1100~1750
7.Cà Sáng mạnh 6 1200~2450
8.Diếp xoăn Sáng vừa 5.5 1100~1680
9.Xà lách Sáng vừa 6~7 560~840
10.Kinh giới/ tía tô Sáng mạnh 6.9 1120~1400
11.Dưa hấu/gang Sáng mạnh 5.5~6 1400~1750
12.Bạc hà/ húng lủi Sáng mạnh/ vừa 5.5~6.5 1400~1650
13.Mướp Sáng vừa 6.5 1400~1650
14.Lan Cattleya Sáng yếu
15.Lan Cymbidium Sáng yếu
16.Lan Denrobium Sáng yếu
17.Lan Oncidium Sáng yếu
18.Lan Paphiopedilum
19.Lan Phalaenopsis
20. Mùi/ ngò Sáng mạnh 5.5~7 560~1260
21.Đậu phộng/lạc Sáng vừa 6~7 980~1260
22.Ớt tiêu Sáng vừa 5.5~6 300~500
23. Hương thảo Sáng vừa 5.5~6 700~1120
24.Hoa hồng Sáng vừa 5.5~6 1050~1750
25.Xô thơm Sáng mạnh 5.5~6.5 700~1120
26.Hành lá/ củ Sáng mạnh 6~7 980~1260
27.Bina/ cải trời Sáng vừa 6~7 1260~1610
28.Bí đao/ rợ Sáng vừa 5.5~7.5 1260~1680
29.Dâu Sáng vừa 6 1260~1540
30.Bắp ngọt Sáng vừa 6 840~1640
31.Cải củ Sáng vừa 6~7 1260~1610
32. Xạ hương Sáng vừa 5.5~7 560~1120
33.Cà chua Sáng mạnh 5.5~6.5 1400~3500
34.Dưa hấu Sáng mạnh 5.8 1260~1680
35.Bí mùa hè Sáng mạnh 5.8 1260~1680
36. Húng lủi Sáng mạnh 6.2 900~1200
37.Húng cay Sáng mạnh 6.5 550~ 700
38. Muống 1~7 lá Sáng mạnh 5.5~6.8 550~1200
39 Muống 7~10 lá Sáng mạnh 6.5 550~650
40.
41.
42
43
44
45
Nguồn: rausach.com.vn
Không có nhận xét nào: